Đã rõ ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Campuchia, nhưng vị Thủ tướng lâu năm sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc trao quyền cho con trai cả của mình, đồng thời tránh để xảy ra xung đột nội bộ nghiêm trọng.
Người đứng đầu chính phủ Campuchia đã không lường trước được điều này. Cuối tháng 6 vừa qua, ba tuần trước cuộc bầu cử quốc hội, Facebook tuyên bố sẽ đình chỉ tài khoản có 14 triệu người theo dõi của Thủ tướng Hun Sen trong sáu tháng. Lý do là vì trong một bài phát biểu hồi tháng 1, Hun Sen đã đe dọa sử dụng bạo lực với các đối thủ chính trị, và bài phát biểu này đã được công khai dưới dạng video. Hội đồng giám sát độc lập tại công ty mẹ của Facebook, Meta, xem đây là hành vi vi phạm nguyên tắc người dùng. Để giữ thể diện trước lệnh cấm này, Hun Sen đã xóa tài khoản của mình, cùng với hàng nghìn bài viết mà ông đã đăng kể từ năm 2016.
Tin tốt cho Hun Sen là ông sẽ không phải đối mặt với bất kỳ tin xấu nào nữa trong những tuần tới. Với cuộc bầu cử quốc hội được lên kế hoạch vào ngày 23/07, nhà lãnh đạo chuyên chế của Campuchia, vốn nắm quyền từ năm 1985, đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa và loại trừ Đảng Ánh nến, đảng duy nhất có cơ hội thực sự giành được ghế trong Quốc hội. Vì vậy, Quốc hội Campuchia sẽ tiếp tục chỉ bao gồm các chính trị gia của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) hậu xã hội chủ nghĩa, đã nắm quyền từ năm 1979. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông độc lập, những người có thể chỉ trích sự vi phạm trắng trợn hiến pháp dân chủ-tự do năm 1993, gần như đã không còn tồn tại.
Một giai đoạn chính trị mong manh
Tuy nhiên, công việc thực sự của Hun Sen, người bắt đầu sự nghiệp chính trị vào cuối thập niên 1960 với tư cách là một người lính Khmer Đỏ, sẽ bắt đầu sau ngày bầu cử. Thành phần của nội các mới sẽ đánh dấu một bước quan trọng khác trong quá trình chuyển giao thế hệ tại các vị trí chính trị hàng đầu của Campuchia. Một số nhân vật phục vụ lâu năm có thể sẽ sớm nghỉ hưu, ngay cả khi họ không muốn thế. Nhưng phần lớn mọi vị trí sẽ tiếp tục là “trong gia đình.” Trong những năm qua, các cán bộ đã chuẩn bị để con trai của họ lên kế vị, dù là thành viên quốc hội, tỉnh trưởng, hay bộ trưởng (có những kế hoạch khác dành riêng cho con gái). Các bộ của Campuchia đang trên bờ vực trở thành các trang trại cha truyền con nối, một lần nữa cho thấy rõ rằng giới tinh hoa chính trị không thích phân biệt giữa tài sản nhà nước và tài sản tư nhân. Không phải vô cớ mà suốt nhiều năm Campuchia đã bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Báo cáo chỉ số minh bạch BTI Quốc gia của Campuchia năm 2022 đưa ra kết luận, “Sau cùng thì, chính phủ chuyên chế phục vụ một mục tiêu duy nhất – tạo điều kiện cho một số gia đình và cộng sự thân cận của họ cướp đoạt tài sản công của Campuchia.”
Đáng chú ý, Hun Sen đã quyết định tham gia vào quá trình chuyển giao thế hệ này cách đây một thời gian. Tháng 12/2021, ông tuyên bố con trai cả của mình, Tướng Hun Manet (sinh năm 1977), sẽ là người kế vị ông. Rõ ràng, ông không tin tưởng bất kỳ ai khác sẽ có thể đảm bảo an ninh vật chất và tư pháp cho gia tộc Hun, cho đến nay vẫn là gia tộc giàu có nhất ở Campuchia. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các nhà quan sát trong và ngoài Campuchia vẫn băn khoăn về thời điểm và cách thức chuyển giao sẽ diễn ra: Bất cứ khi nào nhân vật trung tâm của một hệ thống được cá nhân hóa triệt để nghỉ hưu (hoặc đột ngột biến mất), sẽ luôn xuất hiện câu hỏi về cách thức tái tổ chức quyền lực. Do đó, Campuchia đang bước vào giai đoạn chính trị mong manh nhất trong vòng 25 năm qua.
Lợi ích của một quá trình chuyển đổi kéo dài
Dù những xung đột (vũ trang) lớn liên quan đến việc phân bổ lại quyền ra quyết định và tiếp cận các nguồn lực công cộng hiện không được cho là sẽ nổ ra, hai cha con Hun Sen vẫn phải quan tâm đến việc tập hợp sự ủng hộ của các nhân vật trong đảng, nhà nước, và lực lượng an ninh đằng sau các cấu trúc quyền lực mới. Sẽ chẳng ích gì nếu các cấp thứ hai và thứ ba của CPP chỉ miễn cưỡng chấp nhận cấu trúc mới. Tuy nhiên, Hun Sen vẫn chưa tìm ra công thức kỳ diệu có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Do đó, dường như ông sẽ kéo dài quá trình chuyển giao quyền lực thực tế và rút lui từng bước một.
Việc bàn giao chức vụ thủ tướng cho con trai có lẽ sẽ không diễn ra ngay sau cuộc bầu cử quốc hội, và việc từ chức của Hun Sen có thể sẽ kéo dài cho đến giữa nhiệm kỳ lập pháp sắp tới, khoảng năm 2025. Trong bất kỳ trường hợp nào, điều này cũng có lợi cho con trai ông, người đã từng phục vụ trong quân đội, nhưng chưa nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong quốc hội hoặc chính phủ. Hun Manet có thể hưởng lợi rất nhiều từ việc có thể quan sát cha mình trong một thời gian với tư cách là thành viên quốc hội và nhiều khả năng là phó thủ tướng.
Hun Sen vẫn là người quyền lực nhất Campuchia
Dù ông đang dần rút lui khỏi hoạt động chính trị hàng ngày, chắc chắn Hun Sen vẫn sẽ là nhân vật quyền lực nhất Campuchia, ngay cả khi không có chức vụ công. Với tư cách là chủ tịch của CPP, được bầu trọn đời và được bảo vệ bởi một lực lượng cận vệ có thể so sánh với một quân đội tư nhân, ông đã tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ. Đây là những nguồn lực đủ mạnh để dập tắt bất kỳ chỉ trích nào ngay từ trong trứng nước hoặc, trong trường hợp khẩn cấp, để đàn áp phản kháng trong nội bộ chế độ.
Do đó, Hun Sen có khả năng tiếp tục chi phối định hướng chiến lược của Campuchia và phủ quyết các vấn đề hoạt động bất cứ khi nào ông thấy cần thiết. Đối với Hun Manet, đây sẽ vừa là một may mắn vừa là một lời nguyền: Một mặt, ban đầu, chỉ có quyền lực to lớn của cha ông mới có thể bảo vệ ông khỏi các đối thủ tiềm năng. Mặt khác, sự hiện diện và bảo vệ này có thể cản trở khả năng Hun Manet xây dựng các nguồn lực quyền lực của chính mình, độc lập với cha mình, càng nhanh càng tốt. Ngay cả khi ông muốn, ông cũng khó có thể đạt được sự công nhận cần thiết trong vai trò thủ tướng, do văn hóa chính trị của CPP.
Hun Manet kế thừa một di sản khó khăn
Ngoài xuất thân từ lực lượng vũ trang, lý lịch của Hun Manet còn có nhiều điểm thú vị khác. Tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point và có bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol, ông được hưởng một nền giáo dục hạng nhất. Trong những năm gần đây, ông không chỉ thăng tiến trong Bộ Chính trị của CPP mà còn nổi tiếng trên toàn quốc nhờ tham gia vào các chương trình xã hội. Ông đặc biệt nổi tiếng với những người Campuchia trẻ tuổi, vì là người dễ gần và có những bài phát biểu mang tính hòa giải hơn nhiều so với những bài phát biểu của cha ông. Tuy nhiên, không thể giả định rằng những phẩm chất này sẽ dẫn đến một phong cách chính trị mới, chí ít cũng không phải trong vài năm tới.
Ở một số khía cạnh, Hun Sen để lại cho con trai mình (hoặc bất kỳ ai khác kế nhiệm vị trí của ông) một di sản chính trị “đầy chất độc.” Sự cai trị của ông – dựa trên tham nhũng, gia đình trị, tòa án tuân thủ, và nếu cần thiết, là cả vũ lực – đã ngày càng khó dung hòa với các yêu cầu nhằm quản lý một nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại. Đúng là từ năm 2010 đến 2019, Campuchia là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, và ở một số khía cạnh, quốc gia này thậm chí còn nổi lên mạnh hơn nhờ đại dịch COVID-19. Nhưng rõ ràng là sự phát triển văn hóa xã hội, cũng như sự phát triển bộ máy hành chính nhà nước, không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc.
Campuchia cần Trung Quốc, nhưng cũng cả phương Tây
Những mâu thuẫn giữa một mặt là vị trí địa lý cạnh tranh trong chuỗi giá trị quốc tế và mặt khác là việc thiếu an ninh pháp lý, thiếu bộ máy hành chính hiệu quả, và tham nhũng ở hầu hết các cấp chính quyền đã trở thành những hằng số hệ thống, đang hiện ra rõ ràng hơn. Mô hình Campuchia vẫn hoạt động, chủ yếu là do mối quan hệ chặt chẽ với các công ty Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Campuchia được coi là bàn làm việc mở rộng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các khoản đầu tư từ các công ty này và các khoản trợ cấp lớn từ chính phủ Bắc Kinh – với việc Trung Quốc nắm giữ khoảng một nửa số nợ công của Campuchia – đã tạo ra một sự phụ thuộc ngày càng khó thoát ra. Về lâu dài, Hun Manet sẽ phải xoá bỏ đường lối cai trị của cha mình nếu không muốn biến Campuchia thành một quốc gia vệ tinh của Trung Quốc hoặc rơi vào con đường độc tài quân sự như ở Myanmar. Thách thức lớn dành cho ông là đạt được mục tiêu này mà không làm mất cân bằng chính trị trong nước.
Chí ít thì cha ông đã mở ra một cánh cửa chính sách đối ngoại: Năm 2022, Campuchia bất ngờ bỏ phiếu lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, và năm nay, họ đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi Nga rời khỏi Ukraine. Điều này thường được hiểu là một nỗ lực nhằm tái hợp tác với Liên minh Châu Âu và Mỹ, cho đến nay vẫn là những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Campuchia. Dù đã có những lời chỉ trích mới từ Washington và Brussels trong năm nay do Campuchia đàn áp phe đối lập, nhưng khác với trước đây – chẳng hạn như vào năm 2020, khi EU đình chỉ một phần các ưu đãi thương mại cho Campuchia – những chỉ trích này chủ yếu mang tính kêu gọi, cho thấy rằng phương Tây cuối cùng sẽ bỏ qua hiện trạng chính trị sau cuộc bầu cử ở Campuchia. Hun Sen chắc chắn sẽ tận dụng tốt cơ hội chính trị mà điều này mang lại cho ông ta.
T.P