Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa có cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu để bàn về các vấn đề quân sự và môi trường an ninh khu vực, truyền thông nhà nước đưa tin ngày 27/7.
Hãng thông tấn KCNA cho biết, trong cuộc gặp ngày 26/7 tại Bình Nhưỡng, ông Kim và ông Shoigu đạt được đồng thuận về “những vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh cũng như môi trường an ninh khu vực và quốc tế”.
Bản tin không cho biết những vấn đề cụ thể gì đã được bàn tới.
Triều Tiên ủng hộ Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhấn mạnh rằng “chính sách bá quyền” của phương Tây do Mỹ đi đầu buộc Mátxcơva phải có hành động quân sự để bảo vệ lợi ích an ninh của mình. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở Ukraine, nhưng Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc này.
Bản tin của KCNA cho biết cuộc gặp của nhà lãnh đạo Kim với ông Shoigu sẽ giúp “thúc đẩy hơn nữa hợp tác chiến lược và chiến thuật giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh”.
KCNA cũng cho biết, ông Kim đưa ông Shoigu tới triển lãm trưng bày một số vũ khí mới nhất của Triều Tiên và thông báo cho vị bộ trưởng về các kế hoạch quốc gia của Triều Tiên nhằm mở rộng năng lực quân sự của đất nước. Hình ảnh và video của phương tiện truyền thông nhà nước từ cuộc triển lãm cho thấy ông Kim và Shoigu đi bộ gần một hàng tên lửa lớn đặt trên xe tải.
Một số vũ khí trong ảnh có vẻ là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Triều Tiên phóng thử nghiệm gần đây. Ông Kim và ông Shoigu có vẻ cũng đi ngang máy bay không người lái giám sát và tấn công mới mà Triều Tiên chưa công bố.
Ông Lee Sung Joon, phát ngôn viên của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, cho biết trong một cuộc họp ngắn rằng quân đội Hàn Quốc đang phân tích các tài sản quân sự trong những bức ảnh của Triều Tiên, nhưng không cho biết cụ thể.
Khi được hỏi về khả năng ông Shoigu thăm Triều Tiên để thảo luận về việc nhập khẩu vũ khí từ Triều Tiên, ông John Kirby – điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng – không trả lời trực tiếp, nhưng cho rằng có vẻ Nga đang tìm kiếm hỗ trợ từ các quốc gia khác để tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Ahn Eun-ju nhấn mạnh rằng tất cả và bất kỳ hình thức “mua bán vũ khí nào với Triều Tiên đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Các hoạt động kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Triều Tiên dự kiến diễn ra cuối ngày 27/7, bao gồm lễ duyệt binh mà Bình Nhưỡng có thể khoe những tên lửa hạt nhân mạnh nhất của họ.
Cơ hội
Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên coi sự đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga để cạnh tranh ảnh hưởng khu vực và cuộc xung đột ở Ukraine là cơ hội để Bình Nhưỡng thoát khỏi sự cô lập ngoại giao và tham gia một mặt trận thống nhất chống lại Washington.
Cả Mátxcơva và Bắc Kinh đều phản đối những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên sau hàng loạt vụ thử tên lửa kể từ năm 2022.
Lần gần đây nhất mà Triều Tiên mời đoàn khách nước ngoài dự lễ diễu binh là tháng 2/2018. Cuộc diễu binh khi đó diễn ra với quy mô giảm bớt, không có sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong bối cảnh Triều Tiên đang xúc tiến ngoại giao với Mỹ.
Theo các nhà phân tích, việc nhà lãnh đạo Kim đứng cùng khán đài trung tâm với ông Shoigu và Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lý Hồng Trung trong lễ duyệt binh năm nay sẽ trở thành thành tựu quan trọng để ông gửi thông điệp đến khán giả trong nước, đồng thời là một tuyên bố thách thức Mỹ.
T.P