Monday, January 13, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTác động với ngoại giao TQ khi 'thay tướng giữa dòng'

Tác động với ngoại giao TQ khi ‘thay tướng giữa dòng’

Quyết định miễn nhiệm ngoại trưởng Tần Cương chỉ sau 7 tháng mà không đưa ra lời giải thích có thể ảnh hưởng đến hình ảnh Trung Quốc cũng như quan hệ đối ngoại.

Ông Tần Cương tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 7/3.

Trung Quốc đến nay chưa đưa ra lời giải thích nào về lý do quốc hội ngày 25/7 miễn nhiệm ông Tần Cương chỉ 7 tháng sau khi ông trở thành ngoại trưởng trẻ nhất nước này. Chức Ngoại trưởng giờ đây được giao lại cho ông Vương Nghị, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương, người phụ trách lĩnh vực ngoại giao Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục né tránh câu hỏi của phóng viên nước ngoài về nguyên nhân ông Tần mất chức, nhưng tuyên bố chính sách ngoại giao của nước này “vẫn tiếp diễn bình thường”. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng quyết định “thay tướng giữa dòng” đầy bất ngờ này sẽ tạo ra những xáo trộn nhất định với quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.

Việc ông Tần, một “ngôi sao đang lên” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đột nhiên mất chức mà không rõ lý do đã gây ra nhiều đồn đoán cả trong và ngoài nước, đặc biệt là sau khi ông không xuất hiện trước công chúng trong suốt một tháng qua, dù là người vận hành cỗ máy ngoại giao hàng ngày.

Tuần trước, Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã quyết định hoãn chuyến thăm Bắc Kinh dự kiến vào cuối tháng này với lý do ông Tần vắng mặt. Ông Tần cũng dự kiến gặp người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đầu tháng này, nhưng Bắc Kinh đột ngột hủy chuyến công tác mà không nêu rõ lý do.

Nếu Trung Quốc không công bố lý do miễn nhiệm ông Tần, Alfred Wu, phó giáo sư Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh Trung Quốc trong mắt các đối tác nước ngoài.

“Nó có thể phần nào thể hiện sự không rõ ràng trong quá trình ra quyết định”, ông Wu nói, cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào tính minh bạch, đặc biệt là khi người liên quan lại là quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Giới phân tích đánh giá quyết định thay đổi nhân sự đột ngột như vậy cũng khó tránh khỏi gây xáo trộn trong hàng ngũ ngoại giao Trung Quốc.

“Ông Tần Cương là bộ mặt của Trung Quốc trên trường quốc tế và thật khó để cho rằng điều đó sẽ không tác động tiêu cực đến các nhà ngoại giao trên khắp thế giới”, Nicholas Bequelin, thành viên cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai thuộc Đại học Yale, nói.

Một trong những tác động đáng kể nhất là quá trình thảo luận để làm tan băng quan hệ Mỹ – Trung nhiều khả năng sẽ trở nên phức tạp hơn khi thiếu vắng ông Tần.

Quyết định miễn nhiệm ông Tần được đưa ra trong bối cảnh Mỹ gần đây liên tiếp cử các quan chức cấp cao tới Trung Quốc, trong nỗ lực cải thiện quan hệ và hướng tới sắp xếp chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến San Francisco, Mỹ để dự hội nghị APEC vào tháng 11.

“Hội nghị này chắc chắn là cơ hội mà lãnh đạo hai bên đều không muốn bỏ lỡ, bởi đó là dịp quan trọng để Mỹ và Trung Quốc cho các nền kinh tế khác trong APEC thấy rằng họ có thể quản lý tốt mối quan hệ”, Rorry Daniels, chuyên gia Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI), nhận định.

Trong giai đoạn quan trọng đó, việc ông Tần, quan chức đã quen thuộc với giới ngoại giao Mỹ và từng hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong 5 tiếng gần đây, mất chức có thể khiến nỗ lực đàm phán giữa hai bên trở nên trắc trở hơn.

“Tôi không nói rằng họ sẽ ngừng đàm phán, nhưng sau sự việc, họ có thể cảm thấy nhạy cảm hơn và không muốn đưa ra bất cứ nhượng bộ nào hoặc có những hành động cho thấy Trung Quốc đang thỏa hiệp trước Mỹ để nối lại quan hệ”, Dennis Wilder, chuyên gia Sáng kiến Đối thoại Mỹ – Trung về Các vấn đề Toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói.

Tuy nhiên, việc ông Tần mất chức sẽ không khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiến hành những thay đổi lớn trong chính sách, bởi đường lối đối ngoại của nước này vẫn do Chủ tịch Tập Cận Bình vạch ra.

Người đảm nhận chức Ngoại trưởng Trung Quốc hiện nay cũng không phải gương mặt mới, mà là ông Vương Nghị, vốn là ủy viên Bộ Chính trị và có cấp bậc cao hơn ông Tần.

“Việc miễn nhiệm ông Tần không gây ra quá nhiều xáo trộn về chính sách đối ngoại, bởi người ra quyết định không thay đổi”, Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, trụ sở ở Washington, nhận định. “Ông Vương Nghị là lựa chọn an toàn, giúp lèo lái con thuyền giữa thời điểm rối loạn”.

Quyết định bổ nhiệm khiến ông Vương trở thành một trong những ngoại trưởng quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ và là thành viên đầu viên của Bộ Chính trị giữ chức vụ này kể từ thời Tiền Kỳ Tham. Ông Tiền vừa giữ chức ngoại trưởng vừa là ủy viên Bộ Chính trị giai đoạn 1992-1998.

Động thái bất thường này cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc ưu tiên sự cấp bách trong bổ nhiệm nhân sự thay thế ông Tần để ổn định tình hình, thay vì bồi dưỡng, lựa chọn người kế nhiệm.

Ngoài củng cố vị thế của ông Vương như nhà ngoại giao cấp cao nhất Trung Quốc, quyết định bổ nhiệm nhấn mạnh ông “vẫn là trợ lý chính sách đối ngoại đáng tin cậy nhất của ông Tập”, theo phó giáo sư Wu.

Ông Vương Nghị đã tham dự nhiều hoạt động ngoại giao gần đây, như gặp cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry tại Trung Quốc tuần trước. Ông cũng dự cuộc họp của các cố vấn an ninh quốc gia và đại diện cấp cao về an ninh quốc gia thuộc khối BRICS tại Nam Phi tuần này.

Zhiqun Zhu, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell, nói quyết định bổ nhiệm ông Vương là nhằm ổn định tình hình và đảm bảo tính liên tục của chính sách đối ngoại Trung Quốc.

Trong mô hình mới, ông Tập là người định hướng chính sách đối ngoại, trong khi ông Vương được giao nhiệm vụ thực hiện chiến lược này, theo chuyên gia Nicholas Bequelin.

“Trung Quốc dường như đang tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định miễn nhiệm ông Tần Cương và thể hiện hình ảnh ổn định trong chính sách ngoại giao, bởi họ luôn coi mình là nhà kiến tạo đáng tin cậy của trật tự thế giới mới, thay thế cho trật tự mà Mỹ dẫn dắt”, Bequelin nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới