Cơ quan khí tượng Liên Hợp Quốc và châu Âu cho biết tháng 7 dự kiến là tháng nóng nhất, thậm chí “chưa từng thấy” trong hàng nghìn năm qua.
Với ba tuần đầu tháng 7 ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn bất kỳ thời điểm nào, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc và Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của châu Âu (C3S) cho biết “rất có khả năng tháng 7/2023 sẽ là tháng 7 nóng nhất, đồng thời là tháng nóng nhất trong lịch sử” từng được ghi nhận.
Carlo Buontempo, giám đốc C3S, cho biết nhiệt độ trong tháng này cao tới mức các nhà khoa học tin rằng nó đã phá vỡ các kỷ lục từng được ghi nhận từ những năm 1940.
Ông cho biết những dữ liệu đại diện cho khí hậu như vòng gỗ và lõi băng cho thấy nhiệt độ trong giai đoạn này có thể là “chưa từng có trong lịch sử vài nghìn năm qua”, thậm chí là khoảng 100.000 năm.
Tháng nóng nhất trước đây từng được ghi nhận vào tháng 7/2019.
Nhiệt độ Trái Đất đã tăng khoảng 1,2 độ C so với cuối những năm 1800. Tình trạng ấm lên toàn cầu đã khiến các đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên hơn, cũng như gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và lũ lụt.
“Thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến hàng triệu người trong tháng 7, và cũng là thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu cũng như điềm báo cho tương lai”, Petteri Taalas, tổng giám đốc WMO, nói.
WMO dự đoán nhiệt độ toàn cầu nhiều khả năng tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng 5 năm tới. Các kỷ lục về nhiệt độ đã được ghi nhận trên khắp bán cầu bắc trong tháng này, khi nhiều khu vực trải qua nhiều tuần nắng nóng nghiêm trọng.
Tuần này, các nhà khoa học của nhóm nghiên cứu thời tiết World Weather Attribution cho biết những đợt nắng nóng ở châu Âu và Bắc Mỹ “gần như không thể xảy ra” nếu không có biến đổi khí hậu.
T.P