Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Cây muốn lặng, gió chẳng đừng”

“Cây muốn lặng, gió chẳng đừng”

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tấn công Ukraine đã qua một năm rưỡi. Các mục tiêu quân sự của cả hai bên đều không đạt được. Thế nhưng con đường hòa bình thông qua đàm phán vẫn bế tắc.

Moscow nhiều lần nêu quyết tâm đàm phán để chấm dứt chiến tranh nhưng đều bị Kiev từ chối. Kiev từ chối và mở đợt tổng phản công từ ngày 1/6, rất tiếc, không đạt kết quả như mong muốn, thậm chí thiệt hại nặng nề về người và vũ khí, khí tài.

Một nguyên nhân cơ bản khiến cho cuộc chiến kéo dài là do NATO đứng đằng sau Ukraine, cung cấp tài chính và vũ khí. Vì thế Kiev vẫn còn chỗ dựa và không chấp nhận đàm phán, vì theo họ, đàm phán có nghĩa là thất bại (!). Nga cho rằng, việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev chỉ làm gia tăng các hành động thù địch và khiến các nước phương Tây hậu thuẫn can dự sâu hơn vào cuộc chiến.

Mới đây, hôm 29/7 , khi trao đổi ý kiến với các nhà báo, bình luận về khả năng đối đầu trực tiếp giữa quân đội Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: Moscow không muốn xung đột với NATO, nhưng luôn sẵn sàng cho mọi kịch bản.

Tuyên bố này liên quan đến câu hỏi về chuỗi các cuộc chạm trán giữa máy bay Mỹ và Nga ở Syria. Ông Putin nhấn mạnh: “Không ai muốn kịch bản đó xảy ra. Nếu ai đó muốn – và đó không phải là chúng tôi – thì chúng tôi đã sẵn sàng”. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng, đối với Sáng kiến hòa bình châu Phi, cũng như sáng kiến của Trung Quốc có thể là cơ sở cho hòa bình.

Kịch bản mà ông Putin nói đến là gì thì ai cũng có thể dự đoán, đó là khả năng sử dụng phương án cuối cùng – vũ khí hạt nhân. Nếu như thế thì khó tránh khỏi nguy cơ xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ ba, một thảm họa của loài người.

Đương nhiên, đó không phải là một tuyên bố dễ dàng. Ông Putin cho biết, các đường dây liên lạc nhằm ngăn ngừa các xung đột hiện có cho phép các sĩ quan Nga và Mỹ nói chuyện trực tiếp trong “bất kỳ tình huống khủng hoảng nào”. Thực tế thời gian qua, những đường dây này vẫn hoạt động thông suốt, cho thấy không bên nào muốn để xảy ra xung đột. Trò chơi “tổng bằng 0” (bên này thắng, bên kia thua) sẽ không xảy ra.

Theo Chuẩn Đô đốc Oleg Gurinov, Giám đốc Trung tâm Hòa giải của quân đội Nga tại Syria, quân đội Nga đã báo cáo, kể từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 23 sự cố nguy hiểm liên quan đến máy bay Nga và máy bay của liên minh do Mỹ đứng đầu, trong đó hầu hết các sự cố diễn ra vào tháng 7.

Thông tin từ Nga cho hay, Ukraine đang thiệt hại nặng nề, đã mất 415 xe tăng và khoảng 1.300 xe bọc thép kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch phản công hồi tháng 6. Thế nhưng, theo tin từ Hãng Reuters, chưa thể kiểm chứng con số do phía Nga đưa ra.

Ở trên chúng tôi đã trình bày quan điểm của Tổng thống Nga Putin. Thật ra không phải tất cả các nước trong khối NATO đều ủng hộ sự phản công của Ukraine. Không như giới lãnh đạo châu Âu, dư luận của những quốc gia mà Tổng thống Ukraine đến thăm hồi tháng 2/2023 gần như không hề muốn ủng hộ những dự án quân sự của Kiev.

Kết quả thăm dò ý kiến của Ipsos (một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực Nghiên cứu thị trường) cho hay: khoảng 45% số người được hỏi ở Italy phản đối ý tưởng gửi vũ khí cho Ukraine, chỉ có 34% ủng hộ. Tại Đức, 67% số người được hỏi muốn có đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Còn ở Pháp, do vấn đề cải cách tuổi nghỉ hưu đang đè nặng lên vai người dân, cho nên phần lớn người được thăm dò bày tỏ không quan tâm vấn đề khác.

Tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen (Đan Mạch) tổ chức hồi tháng 5, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lưu ý quan điểm của hầu hết các nước phương Tây: “Tôi hiểu rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Tổng thống Zelensky sẽ nêu câu hỏi về tư cách thành viên của Ukraine và những đảm bảo an ninh cho Ukraine. Mục tiêu chính của NATO phải là đảm bảo cho Ukraine sẽ giành chiến thắng, bởi vì đó là cách duy nhất để có một cuộc thảo luận đầy ý nghĩa về tư cách thành viên tương lai của Ukraine”. Và kết cục, NATO đã không đồng ý kết nạp Ukraine vào tổ chức này.

Với tư cách một cường quốc, luôn “khách quan” trong cuộc chiến này, Mỹ chưa khi nào công khai lên án những cuộc tấn công của Ukraine. Liệu có phải Mỹ và phương Tây muốn gửi tín hiệu đến Kiev rằng, họ sẽ hỗ trợ quân sự cho Ukraine, với điều kiện không lôi kéo NATO vào cuộc xung đột.

Một giả thuyết khác, có thể Washington đang cố gắng tránh xa những ý tưởng mà Ukraine đề xuất, để chứng minh rằng Kiev đang “tự mình lấy đá ghè vào chân”. Nhưng đấy chỉ là giả thuyết. Chính quyền các nước châu Âu, dưới cây gậy của Washington, luôn sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Kiev, bất chấp hậu quả có thể xảy ra. Tổng thống Ukraine Zelensky đã tới Italy, Đức, Pháp và Anh sau khi phương Tây hứa sẽ trang bị thêm nhiều vũ khí và thiết bị mới cho Ukraine.

“Cây muốn lặng, gió chẳng đừng” – một thành ngữ quen thuộc của Việt Nam. Ai là cây, ai là gió, chỉ có người trong cuộc hiểu rõ hơn ai hết. Vì một thế giới hòa bình, hi vọng kịch bản xấu nhất sẽ không xảy ra.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới