Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Bố con” ông Hun Sen và “người anh”

“Bố con” ông Hun Sen và “người anh”

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 23/7 ở Campuchia đã xác định được kết quả tạm thời. Vượt lên 18 đảng phái khác tham gia tranh cử, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) với 6.398.311 phiếu ủng hộ, chiếm 82,3% trong tổng số hơn 7,7 triệu phiếu hợp lệ trong cuộc bầu cử ngày 23/7.

Ông Hun Sen (trái) sẽ chuyển giao quyền lực cho con trai Hun Manet trong tháng 8-2023.

Trong trường hợp không phát sinh khiếu kiện, ý kiến phản đối, dự kiến kết quả chính thức sẽ được Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia công bố ngày 5/8.

Dù vậy, câu chuyện chính trị liên quan cuộc bầu cử Quốc hội “xứ Chùa Tháp” coi như đã an bài, với phần thắng thuộc bề bố con ông Hun Sen – đương kim Thủ tướng, cùng con trai ông là đại tướng Hun Manet – người giữ chức vụ Phó tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Hoàng gia và là Tư lệnh Lục quân Hoàng gia.

Chức vụ đó quá quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là “thái tử” Hun Manet, trước cuộc bầu cử, đã được CPP chọn là ứng viên thủ tướng tương lai của Campuchia. 38 năm làm thủ tướng, ông Hun Sen đủ lọc lõi để biết, đâu là thời điểm thích hợp chọn làm “điểm rơi”, đưa người con trai được đặt nhiều kỳ vọng vào ghế thủ tướng quyền lực. Việc chỉ sau khi kết quả cho thấy sự thắng thế của CPP, ông mới tuyên bố từ giã chức vụ, là bằng chứng cho thấy sự tính toán khôn ngoan đó, nhằm bảo đảm CPP sẽ phát huy triệt để lợi thế chính trị.

So với ông Ferdinand Marcos Jr (còn gọi là Marcos con) tái xuất chính trường Philippines, ông Manet có phần ít huyên náo hơn trong vận động tranh cử.

Điều này dễ hiểu. Ông Marcos Jr là ứng viên tổng thống, nên chương trình tranh cử không thể không đề cập những điều to tát, đại sự quốc gia. Còn ông Manet, trước bầu cử, được CPP chỉ định là một trong 12 ứng viên chính thức của đảng tranh ghế Quốc hội, nên vai trò, vị thế, tiếng nói phải khác ông Marcos về cung bậc. Dễ thấy, người con trai được cưng chiều của ông Hun Sen ít thể hiện quan điểm cụ thể về đối nội, đối ngoại; chỉ một mực thuyết phục cử tri Campuchia rằng: “Lịch sử cho thấy chỉ có CPP mới có khả năng mang lại an toàn và hòa bình cho Campuchia”, đồng thời, cáo buộc “các nhóm cực đoan” đang dùng chiêu trò bẩn để phá bĩnh bầu cử… Cái kiệm lời, khiêm nhường của ông Manet ngược hẳn với sự bạo miệng của ông Marcos Jr, rằng: nếu trúng cử tổng thống, ông sẽ tiếp tục đường lối đối ngoại với Trung Quốc người tiền nhiệm là ông Duterte. Sự cam kết này khiến Bắc Kinh mừng rơn, cảm ơn rối rít.

Dễ hiểu cho cái mừng của Bắc Kinh về thông điệp thân thiện của ông Marcos Jr trong quá trình tranh cử. Tham vọng bành trướng toàn cầu khiến Trung Quốc cần thêm những đồng minh trung thành. Cũng thế, một khi muốn độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc cần những đồng minh theo nghĩa “huynh đệ” chí cốt ủng hộ họ, hoặc chí ít, là làm thinh, không phản đối yêu sách “đường 9 đoạn”. Mục tiêu đó, với Philippines coi như bất thành. Bất thành do xung đột dữ dội về lợi ích. Nhưng với Campuchia – quốc gia vô can trong câu chuyện Biển Đông – thì còn nhiều hy vọng.

Tại sao lại hy vọng, trong khi ông Hun Sen chẳng đã là người bạn tốt, từng được thử thách nhiều với Bắc Kinh đó sao?

Đúng vậy, không nhắc lại chuyện xa, như chuyện Campuchia, đối tác thân cận nhất của Trung Quốc tại ASEAN, đã phản đối Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tổ chức tại Lào, tháng 7/2016 đề cập Phán quyết của PCA, khiến Hội nghị không ra được Tuyên bố. Cũng không nhắc lại chuyện trước đó, năm 2012, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN do Campuchia đăng cai, cũng không thể ra được tuyên bố chung vì quốc gia chủ nhà khăng khăng đòi gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi văn bản…. Chỉ liên hệ tới việc Campuchia đang ưu ái cho Trung Quốc biến quân cảng Ream thành bàn đạp nhằm rộng cửa hơn trong việc bành trướng ra Biển Đông và các đại dương, đủ thấy, Phnom Penh là người bạn thực dụng, thực dụng nên tốt, đến mức nào với Bắc Kinh.

Nhưng đó là thời ông Hun Sen. Còn bây giờ, sau bầu cử, khi ông này chính thức tuyên bố rút khỏi vị trí Thủ tướng để giao nó lại cho con trai, vốn đa nghi, Bắc Kinh sao khỏi không lăn tăn rằng, ông Manet có chịu nghe lời bố. Rất có thể, vì sự hoài nghi đó mà từ ngày 27/7, ông Tập Cận Bình đã có lời ca ngợi “sự lãnh đạo đúng đắn của chính phủ do Hun Sen đứng đầu”.

Động viên “ông bố” tốt bụng (với Trung Nam Hải) đã đành, “một mũi tên trúng hai đích”, bằng lời khen đó, ông Tập có thể còn định nhắc khéo “ông con” rằng: hãy lấy bố làm gương để mà ăn ở sao cho “phải đạo” với Trung Quốc!

Bắc Kinh hóa ra đã lo xa. Bố con nào vẫn là bố con. Ngày 26/7, ông Hun Sen tuyên bố mình sẽ từ chức thủ tướng Campuchia từ ngày 22/8; và Đại tướng Hun Manet – con trai cả của ông – sẽ là thủ tướng kế nhiệm.

Như đoán được sự nóng ruột của Bắc Kinh, ngay sau đó, ông Hun Sen đã có thư cho “người anh” đồng cấp Trung Quốc Lý Cường. Bức thư hẳn là khá dài, và có thể lâm ly nữa, khi tri ân những gì Bắc Kinh đã hỗ trợ Campuchia và bản thân ông trong những năm cầm quyền. Tuy nhiên, với Bắc Kinh, điều quan trọng nhất là trước khi lui vào hậu trường vũ đài chính trị, ông Hun Sen đã khẳng định một điều rằng: “chính sách của chính phủ mới đối với Trung Quốc dựa trên (tình hữu nghị) truyền thống, niềm tin và sự hợp tác cùng có lợi sẽ không thay đổi”.

Bắc Kinh, thế là yên tâm nhé. Ông Hun Sen, dù thoái, vẫn còn là bố ông thủ tướng mới kia mà. Còn các nước ASEAN, nhất là các nước liên quan trực tiếp vấn đề Biển Đông, lo xa các tình huống khó khăn, nan giải đi thì vừa.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới