Giới phân tích nước ngoài cho rằng, động thái bổ nhiệm chỉ huy và chính ủy mới cho Lực lượng Tên lửa của ông Tập Cận Bình đồng nghĩa với việc “thanh trừng” đội quân này. Lực lượng Tên lửa là một lực lượng quan trọng của Trung Quốc, chịu trách nhiệm về tên lửa đạn đạo thông thường và tên lửa hạt nhân liên lục địa. Lực lượng này nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông Tập Cận Bình và cũng là át chủ bài để Bắc Kinh đấu với Mỹ.
Hôm thứ Hai (31/7), đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin về lễ thăng quân hàm cấp tướng của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã ban bố mệnh lệnh và gửi lời chúc mừng. Theo đó, Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Vương Hậu Bân và Chính ủy Lực lượng Tên lửa Từ Tây Thịnh đã được thăng lên cấp tướng.
Nhà nghiên cứu: Hàng ngũ lãnh đạo của Lực lượng Tên lửa đang được ‘đại cải tổ’
Ông Lyle Morris, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn “Viện Chính sách Xã hội Châu Á” ở New York, đã phân tích trên Twitter rằng, việc ông Vương Hậu Bân và ông Từ Tây Thịnh được thăng quân hàm lần này cho thấy, Bắc Kinh lần đầu tiên chính thức xác nhận rằng hàng ngũ lãnh đạo của Lực lượng Tên lửa đang được ‘đại cải tổ’.
Đồng thời, động thái này cũng khẳng định việc nguyên Chỉ huy Lý Ngọc Siêu và Chính ủy Từ Trung Ba đã rớt đài, “gần như chắc chắn (họ) đang bị điều tra tham nhũng”.
Ông Morris nói, ông Tập Cận Bình đã củng cố quyền kiểm soát quân đội của mình theo cách chưa từng có, nhưng điều đó không có nghĩa là hiện nay ông ấy đã hoàn thành việc chỉnh đốn quân đội.
Nhà nghiên cứu này chỉ ra, việc ĐCSTQ nói về chống tham nhũng trong quân đội là đang ám chỉ rằng ông Tập Cận Bình vẫn lo lắng vì “không nhận được sự trung thành tuyệt đối của quân đội đối với mình”.
Ông Morris viết: “Cuộc thanh trừng mới nhất này có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện: 1) Ông Lý Ngọc Siêu từng là một trong những tướng lĩnh đáng tin cậy nhất của ông Tập Cận Bình, phụ trách giám sát chương trình hạt nhân của Trung Quốc; 2) Trung Quốc đang trải qua một trong những thay đổi về chiến lược hạt nhân sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ; 3) Do đó, Lực lượng Tên lửa luôn nhận được các khoản tài trợ lớn của chính phủ, đi kèm với đó là các cơ hội tham nhũng. Trong khi một lượng tiền khổng lồ đang đổ vào các chương trình quân sự, thì đó cũng là giai đoạn mà tham nhũng sinh sôi”.
Ông cũng đề cập đến ông Hồ Vấn Minh (Hu Wenming), cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc – cơ quan phụ trách chương trình tàu sân bay của Trung Quốc, và cho rằng vấn đề của ông Lý Ngọc Siêu rất giống với ông Hồ Vấn Minh. Ông Hồ Vấn Minh đã bị buộc tội nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền vào tháng 1/2021.
Ông Morris nói: “Sự rớt đài của Lý Ngọc Siêu, cùng với sự ra đi của Tần Cương, là một trong những thách thức lớn nhất về mặt lãnh đạo mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt trong một thời gian dài”.
Tờ Deutsche Welle của Đức dẫn số liệu từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ cho biết, kể từ Đại hội 20 được tổ chức vào tháng Mười năm ngoái, có hơn 39 cán bộ quân sự và chính trị cấp cao đã bị bắt giữ.
Nhà phân tích: Ông Tập có ít niềm tin chính trị đối với Lực lượng Tên lửa
Ông Neil Thomas, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của “Viện Chính sách Xã hội Châu Á”, viết trên Twitter rằng, Chỉ huy Lực lượng Tên lửa mới được thăng chức Vương Hậu Bân đến từ Hải quân, còn Chính ủy mới Từ Tây Thịnh đến từ Lực lượng Không quân.
Ông viết: “Điều này gần như xác nhận việc ông Tập Cận Bình đang thanh trừng Lực lượng Tên lửa. Động thái bổ nhiệm hai ‘người ngoài’ của ông Tập là rất bất thường. Nó cho thấy [ông Tập giữ] niềm tin chính trị thấp [đối với Lực lượng Tên lửa], và cũng ám chỉ rằng trong hạng mục vũ khí hạt nhân/tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có một quy mô tham nhũng [động trời]”.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong dẫn lời nguồn tin cho biết vào ngày 28/7 rằng, 3 người gồm ông Lý Ngọc Siêu – Chỉ huy Lực lượng Tên lửa, ông Lưu Quang Bân – Phó chỉ huy Lực lượng Tên lửa, và ông Trương Chấn Trung – cựu Phó chỉ huy Lực lượng Tên lửa, nay là Phó tổng tham mưu trưởng của Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương đã bị bắt đi điều tra từ tháng Ba vì bị tình nghi tham nhũng.
Nhà nghiên cứu Neil Thomas cho rằng, cuộc điều tra này được bắt đầu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa rút khỏi Quân ủy Trung ương, hoặc cuộc điều tra này có liên quan đến cái chết của ông Ngô Quốc Hoa – cựu Phó chỉ huy Lực lượng Tên lửa. Trung tướng Ngô Quốc Hoa đã tự sát tại nhà vào hồi đầu tháng 7. Chính quyền đã che giấu tin tức về cái chết của ông Ngô trong khoảng một tháng trước khi công bố ra công chúng. Ngoại giới loan tin rằng việc ông Ngô tự sát có liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng.
Ông Thomas nói, bất luận thế nào, “tất cả những lý do kể trên đều đặt ra nghi vấn về tình trạng thực tế của chương trình tên lửa và kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc”.
Ông Stuart Lau, phóng viên chuyên về quan hệ Trung Quốc – Châu Âu của trang web tin tức chính trị Politico, viết trên Twitter rằng, vị trí chỉ huy tối cao của Lực lượng Tên lửa hiện đang nằm trong tay “người ngoài”, ông Tập còn đồng thời thay cả chính ủy.
Ông Lau nói: “Đây là một động thái rất bất thường. Đây là một lần điều chỉnh nhân sự lớn khác của ông Tập Cận Bình trong thời gian gần đây. Nhà ngoại giao từng được ông ấy yêu thích nhất – Tần Cương – cũng bị sa thải chỉ sau 7 tháng tại vị và 1 tháng vắng mặt bí ẩn”.
Ông Vương Hậu Bân vốn là Phó chỉ huy Hải quân kiêm Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải. Còn ông Từ Tây Thịnh mới gia nhập Lực lượng Tên Lửa vào năm 2020, hiện lại là nhân vật chính trị cốt lõi của đơn vị quân đội đầy tai tiếng này.
Tờ Financial Times cho rằng, cuộc thanh trừng Lực lượng Tên lửa là cuộc thanh trừng quy mô lớn nhất đối với giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc trong 10 năm qua. Đây là sự thay đổi bất thường lớn nhất trong hàng ngũ lãnh đạo của quân đội Trung Quốc kể từ khi hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là ông Từ Tài Hậu và ông Quách Bá Hùng bị cáo buộc tham nhũng vào năm 2014. Trong cuộc thanh trừng hai ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, ĐCSTQ đã tái khẳng định quyền kiểm soát tuyệt đối của đảng và của ông Tập Cận Bình đối với các lực lượng vũ trang.
Ngoại giới cho rằng, cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát quân đội của ĐCSTQ thường đi kèm với các cuộc đấu tranh bè phái tàn khốc ở giới lãnh đạo cấp cao nhất trong đảng.
T.P