Tuesday, November 5, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCampuchia đã thao túng Asean như thế nào? Kỳ II - “Át...

Campuchia đã thao túng Asean như thế nào? Kỳ II – “Át chủ bài” của TQ trong việc thao túng ASEAN

Trung Quốc hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, bên cạnh những thành tựu đã đạt được quan hệ ASEAN – Trung Quốc cũng đã xuất hiện những thách thức mà nguyên nhân chính là do vấn đề về tranh chấp Biển Đông.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Về vấn đề Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào tháng 11/ 2002 tại Phnom Penh – Campuchia. Tháng 11/2012, Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 diễn ra. Vào ngày 25/7/2016, thông qua tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc về triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC.

Gần đây nhất, tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 24 diễn ra vào ngày 26/10/2021, các nước đã cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố DOC, nỗ lực thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông sao cho hiệu quả thực chất và phù hợp nhất với luật quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Biển Đông vốn là khu vực nhiều dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng, vì tầm quan trọng của Biển Đông mà nhiều năm qua Trung Quốc lúc âm thầm, lúc trắng trợn thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông bằng nhiều thủ đoạn và chiến thuật. Bắc Kinh có âm mưu xác định đường chủ quyền phần lớn trên Biển Đông bằng cách vẽ ra cái gọi là bản đồ chín đoạn hay còn được gọi là “đường lưỡi bò” để chiếm trọn khoảng 75% Biển Đông, bất chấp nó chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Và đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc không chỉ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước đang có tranh chấp bờ Biển Đông, mà còn không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận.

Trong suốt thời gian qua, nhiều học giả nổi tiếng quốc tế đã lên án và phê phán kịch liệt “đường lưỡi bò” không có căn cứ pháp lý của Trung Quốc. Trong tình trạng đuối lý và thiếu căn cứ, để xác lập chủ quyền trên phần lớn Biển Đông nhưng nhất quyết không chịu buông tay, Trung Quốc đã tìm nhiều cách thức từ sự bất chấp dư luận như: liên tục phát triển hạ tầng và quân sự hóa trái phép các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng đang bị nước này chiếm đóng trái phép, hạ đặt các giàn khoan trái phép như trường hợp của giàn khoan Hải Dương 981, đưa tàu thuyền đến khai thác trong khu vực tranh chấp quấy nhiễu tàu bè đối phương … Điều này càng khiến cho tình hình ở Biển Đông ngày càng thêm căng thẳng. Song song với đó còn là việc đi đường tắt vào các nước thành viên ASEAN nhằm dễ bề có đối sách.

Nhìn chung mục đích cuối cùng mà Trung Quốc muốn vẫn là chiếm trọn Biển Đông, nếu chiếm được Biển Đông Trung Quốc sẽ có khả năng khống chế cả khối ASEAN thậm chí cả những nước bên ngoài khu vực này.

Hiện nay, Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia và thậm chí là cả vùng lãnh thổ Đài Loan. Bắc Kinh hiểu rất rõ nếu phải đối diện với một hiệp hội ASEAN thống nhất như EU thì nước này khó có khả năng đạt được mong muốn ở Biển Đông.

Những toan tính của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng khi họ muốn phân nhỏ các mối quan hệ, để có thể dễ dàng giải quyết những tranh chấp của mình một cách riêng lẻ với từng nước thành viên ASEAN. Để làm được điều đó Bắc Kinh đã tìm đến những điểm huyệt yếu của tổ chức này.

Với sức mạnh kinh tế thuộc top đầu thế giới Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng kinh tế của mình để thiết lập quan hệ mật thiết với các nước ASEAN đang có nhu cầu phát triển kinh tế cao. Điều này được thể hiện rất rõ qua trường hợp của Campuchia và những con số đã đề cập ở phần trên, đã phần nào cho thấy mức độ chịu chi của quốc gia tỷ dân, không phải vô cớ mà giờ đây số người Campuchia học tiếng Trung Quốc tăng vọt ở đâu đâu trên đất nước này người ta cũng thấy treo những dòng chữ những biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc, điều này cũng đủ để thấy sức ảnh hưởng về mọi mặt của Bắc Kinh lên quốc gia Đông Nam Á này.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Chính các chính sách mang tính lấy kinh tế đổi lấy chính trị mà Trung Quốc áp dụng vào Campuchia đã tác động lớn đến khu vực. Bởi khi kinh tế phụ thuộc vào nước khác thì vấn đề an ninh và chính trị sẽ bị chi phối cũng như mất đi tính chủ động trong quyết định các quyết sách của một chủ thể quốc gia. Đằng sau những dòng tiền ồ ạt đổ vào xứ sở Chùa Tháp là một tham vọng lớn hơn rất nhiều, Trung Quốc là nước viện trợ lớn cho Campuchia hiển nhiên xuất phát từ ý nghĩa chiến lược, nhằm biến quốc gia này trở thành đại diện về lợi ích của Bắc Kinh trong nội bộ ASEAN, dễ dàng can thiệp vào tác động đến các quyết định của Campuchia và hơn hết đây là một trong những động thái nằm trong chiến lược chia rẽ các nước nhằm phân tán sức mạnh đoàn kết của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Hiện tranh chấp Biển Đông được xem là một thách thức to lớn khi nó có thể dẫn đến chia rẽ khối ASEAN, bởi một khi bị chia rẽ và không coi Biển Đông là vấn đề chung của hiệp hội mà chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN nào đó, thì Trung Quốc có thể dễ dàng đạt được các thỏa thuận có lợi nhất về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc với tư cách là nước lớn, nước mạnh nếu giải quyết song phương trực tiếp với từng nước một, thì họ chắc chắn sẽ giành lợi thế hơn việc phải đối mặt với một hiệp hội nơi có các nước thành viên thống nhất về quan điểm. Chẳng hạn như trường hợp của Campuchia, nếu như Trung Quốc đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao thì nền kinh tế của Campuchia sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nhưng với tư cách là một nước lớn thì nền kinh tế của Trung Quốc gần như không chịu ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, khi đối đầu với một ASEAN thống nhất, với GDP lên tới hơn 3.000 tỷ USD và hầu hết nguồn năng lượng nhập khẩu cũng như hàng hóa của Trung Quốc phải đi qua khu vực này, thì nó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cũng từ đây mà có nhiều ý kiến cho rằng phải chăng Campuchia chính là “con Át chủ bài” của Trung Quốc trong việc thao túng ASEAN khi mà dường như nước này đã giúp Trung Quốc gặt hái được nhiều lợi ích trong vấn đề Biển Đông, bất chấp mình đang là một nước thành viên của hiệp hội.

Năm 2012, khi Campuchia là Chủ tịch luân phiên ASEAN không biết là có hay không có sự tác động của Trung Quốc, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 Campuchia đã không đồng ý đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào Tuyên bố chung của ASEAN. Ngoại trưởng Campuchia là Hor Namhong đã tuyên bố, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN không phải là nơi để giải quyết các tranh chấp và khẳng định lập trường của Campuchia như sau: “Tranh chấp trên Biển Đông là chuyện song phương giữa một nước ASEAN với Trung Quốc chứ không phải là của cả khối. Vì vậy, các bên tự giải quyết với nhau theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không thể biến hội nghị này thành nơi phán quyết bên nào đúng, bên nào sai”. Hội nghị khi đó đã không có một tuyên bố chung nào được đưa ra liên quan đến việc chỉ trích Trung Quốc.

Trong khi dư luận đánh giá đây là một nhiệm kỳ Chủ tịch chưa thành công của Campuchia, thì Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lại tuyên bố ghi nhận sự nỗ lực của Campuchia khi giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN và ủng hộ Campuchia trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhiều chuyên gia nhận định Campuchia đóng vai trò rất lớn khi có thể giúp Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, và nước này đã thành công trong việc thuyết phục Campuchia loại vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, khi chi phối được Campuchia, Trung Quốc còn có thể sử dụng các căn cứ quân sự của quốc gia này để can dự vào nội bộ ASEAN, nhằm đạt được mục đích của nước này và Biển Đông chính là một trong số đó.

Nằm ở trung tâm của Đông Nam Á lục địa, cảng Sihanoukville của Campuchia được mệnh danh là một căn cứ có vị trí chiến lược quan trọng để triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực Vịnh Thái Lan và eo biển Malacca. Có thể triển khai căn cứ hậu cần để kiểm soát vùng Biển Đông – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, các căn cứ không quân và sân bay của Campuchia cũng có thể phát huy vai trò trong trường hợp Trung Quốc thiếu khả năng tiếp dầu trên không, để kiểm soát vùng trời trên biển.

Ngoài ra, khi Trung Quốc hiện diện quân sự ở Quân cảng Ream nước này còn có thể kết hợp các cơ sở trên cùng với các cơ sở phi pháp tại các thực thể ở Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, nhằm hình thành một mạng lưới căn cứ trải rộng từ đảo Hải Nam đến sát Ấn Độ Dương, và việc sở hữu một căn cứ quân sự ở Campuchia sẽ có thể mang lại rất nhiều lợi thế cho Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, giữa nước này với một số nước thành viên ASEAN trong đó có Việt Nam.

Có thể nói, những động thái của Trung Quốc tại Campuchia trong nhiều năm qua đã khiến Mỹ cùng nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam quan ngại sâu sắc. Dù tình hình Biển Đông tương đối phức tạp, nhưng với Việt Nam quan điểm nhất quán trong vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, cũng như giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOC -1982).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới