Wednesday, November 6, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCuộc chiến ngũ cốc Nga - Ukraine, ai thiệt thòi nhất?

Cuộc chiến ngũ cốc Nga – Ukraine, ai thiệt thòi nhất?

Khoảng 100.000 tấn ngũ cốc của Ukraine đã bị Nga không kích phá hủy, 200.000 tấn ngũ cốc và phân bón của Nga vẫn bị chặn ở Biển Baltic. Cuộc chiến lương thực đang bước vào giai đoạn nguy hiểm.

Một kho ngũ cốc ở làng Pavlivka của Ukraine bị tên lửa hành trình Kalibr của Nga tấn công vào đêm 21-7.

Trong cuộc chiến ngũ cốc, cả Nga và Ukraine đều viện dẫn chính nghĩa “vì dân nghèo và vì an ninh lương thực toàn cầu”.

Trong khi Ukraine tiếc cho hàng trăm ngàn tấn ngũ cốc bị phá hủy, đủ để nuôi sống hơn vài trăm ngàn người nghèo trong một năm, thì Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng các công ty Nga sẵn sàng tặng khoảng 50.000 tấn ngũ cốc cho các khu vực nghèo ở châu Phi.

“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại!”

Nhìn vào thực chất ngành nông nghiệp của hai quốc gia đang trong xung đột, người ta thấy gì?

Theo báo Washington Post, Nga – một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới – đã rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vì họ cho rằng thực hiện thỏa thuận này chỉ có lợi cho Ukraine chứ không dẫn đến sự gia tăng đáng kể xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, do họ đang bị phương Tây trừng phạt.

Về phía Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres đã liên hệ với các chính phủ và Liên minh châu Âu (EU) để đảm bảo thực thi thỏa thuận. Tuy nhiên, cuối cùng Liên Hiệp Quốc cũng phải thừa nhận họ không thể đáp ứng những yêu cầu của Nga theo thỏa thuận.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ bác bỏ việc đổ lỗi cho biện pháp trừng phạt và cho rằng Tổng thống Putin đã và đang có hành động chiến lược cụ thể.

Để giải thích nhận định này, lãnh đạo Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) của Mỹ Samantha Power nhấn mạnh: “Nga không chỉ sử dụng ‘lương thực làm vũ khí chiến tranh’ mà dường như lương thực còn là một phần của chiến dịch hủy hoại nền kinh tế Ukraine”.

Nhiều nông dân Ukraine cũng phải đối mặt với nguy cơ hàng nghìn quả mìn chết người và các vật liệu chưa nổ khác đang nằm rải rác trên cánh đồng của họ.

Các chuyên gia ước tính, trong vụ mùa năm nay, tiềm năng xuất khẩu của Ukraine sẽ gia tăng, có thể đạt mức hơn 40 triệu tấn ngũ cốc, bao gồm 13,8 triệu tấn lúa mì, 2,4 triệu tấn lúa mạch và 24 triệu tấn ngô, chưa tính đến sản lượng còn lại của vụ thu hoạch trước.

Tạp chí phân tích Visegrad Insight – thuộc nhóm Visegrad (V4) gồm 4 nước Trung Âu Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia – đưa ra nhận định khá gay gắt: “Bị thúc ép trên chiến trường, Nga đã ném bom cơ sở hạ tầng ngũ cốc ở Odessa và các cảng khác của Ukraine nhằm tách nước này khỏi thị trường ngũ cốc toàn cầu, tái lập sự thống trị của mình ở châu Phi, hòng nhắm tới gây chia rẽ Kiev và một số nước phương Tây chủ chốt đang ủng hộ Ukraine”.

Tạp chí này kết luận: Trong thực tế ngành nông nghiệp của Nga không hề chịu các biện pháp trừng phạt trực tiếp nào.

Nhưng Matxcơva tuyên bố nhiều hạn chế khác cản trở các nhà sản xuất nông nghiệp của họ, chẳng hạn như thanh toán trở nên khó khăn. Đó là lý do tại sao Nga đề nghị khởi động lại sáng kiến ngũ cốc để Ngân hàng Rosselkhozbank tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Liên Hiệp Quốc đã chấp nhận một nhượng bộ như vậy nhưng đến nay phương Tây vẫn chưa đồng ý.

Để bảo vệ yêu sách của mình, Tổng thống Putin lưu ý rằng ngũ cốc của Nga chiếm 20% thị phần và của Ukraine chỉ 5% thị phần trên thế giới.

Nói chung, những yêu cầu của Nga bên cạnh thỏa thuận Biển Đen đã không được đáp ứng. Hòa không được thì chiến!?

345 triệu người đối diện cái đói
Cuộc chiến lương thực vẫn đang tiếp diễn vào thời điểm số người bị đói ở các khu vực nghèo trên thế giới đang tăng gấp đôi.

Trong lúc vài trăm ngàn tấn lương thực bị phá hủy bằng đủ mọi cách trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc khẩn thiết lên tiếng: “Quy mô của cuộc khủng hoảng đói và suy dinh dưỡng toàn cầu hiện nay rất trầm trọng”.

WFP ước tính – chỉ dựa trên 79 quốc gia mà WFP có dữ liệu đầy đủ – đã có hơn 345 triệu người phải đối mặt với tình trạng đói ở mức cao vào năm 2023. Con số này cao gấp đôi so với năm 2020.

Hiện nay, chi phí hỗ trợ lương thực cho các khu vực nghèo đang vượt lên mức cao nhất mọi thời đại, tăng 44% so với năm 2019, do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao.

Theo phân tích của WFP, 70% người đói sống ở các khu vực bị ảnh hưởng từ chiến tranh và bạo lực, kế tiếp là các cú sốc kinh tế, khí hậu cực đoan và giá phân bón tăng cao.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới