Tình thế Tam quốc cách đây gần 2 thiên niên kỷ
Trong lịch sử của Trung Quốc cũng đã từng có trạng thái “Thiên hạ tam phân”, đó là thời “Tam quốc”, với cuộc tranh chấp tay ba kéo dài cả trăm năm giữa Ngụy – Thục – Ngô (184-280 sau Công nguyên).
Người ta thường nói “vững như kiềng ba chân”, nhưng khi các chân kiềng đó mâu thuẫn với nhau, xung đột với nhau, triệt hạ thì trạng thái vững chãi cũng không còn.
Nếu như “Lưỡng vương tranh nhất quốc” thì các sự kiện dù có giằng co đến mấy thì cũng vẫn dẫn đến kết cục là một trong hai bên giành thắng lợi. Tuy nhiên, tình thế “Tam vương tranh nhất quốc” lại có rất nhiều biến số và cũng khó dự đoán hơn về kết cục.
Tình thế cân bằng là trạng thái ổn định lâu bền giữa ba cực của một tam giác đều, nhưng điều đó chỉ tồn tại trên lý thuyết.
Trên thực tế trong “kỷ nguyên thế giới chia rẽ” kéo dài từ nhiều thiên niên kỷ trước tới hiện nay, rất khó để các bên nhường “miếng bánh” cho đối thủ. Để chiến thắng một trong hai đối thủ, bên thứ ba thường sẽ buộc phải liên minh tạm thời với một trong hai đối thủ, để hạ gục đối thủ kia trước.
Tình thế Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc cách đây gần 2 thiên niên kỷ đã chứng minh điều đó. Trong khoảng thời gian gần 100 năm kể từ khi nhà Thục Hán ổn định lãnh thổ cho đến khi nhà Tấn lật đổ nhà Ngụy và đánh bại nhà Ngô giữa ba bên đã từng diễn ra nhiều lần liên minh giữa hai bên để chống lại bên thứ ba.
Đó là Liên minh Ngô – Thục chống tại nhà Ngụy, kết thúc bằng trận Xích Bích (năm 208) với thất bại của nhà Ngụy. Chỉ không đầy 10 năm sau, liên minh này tan vỡ khi nhà Ngô mở chiến dịch Hợp Phì chống lại nhà Ngụy, nhà Thục đã không trợ chiến mà đem quân chiếm Tây Xuyên, mở rộng lãnh thổ và đòi nhà Ngô trả lại Kinh Châu.
Năm 216, lần lượt Tào Tháo, Tôn Quyền và Lưu Bị đều lần lượt xưng vương. Hán Hiến đế chính thức trở thành một “hoàng đế bù nhìn”. Ba năm sau, nhà Ngô liên minh với nhà Ngụy tấn công nhà Thục, đánh chiếm Giang Lăng và Kinh Châu, giết chết đại tướng Quan Vân Trường (Quan Vũ) của nhà Thục.
Trong vụ này, Tào Tháo đã đi một nước cờ gian hùng, là làm lễ tang long trọng cho Quan Vũ, khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa nhà Ngô và nhà Thục.
Ở vào tình thế bị cô lập, nhà Thục vừa phải chiến đấu chống nhà Ngụy ở Hán Trung và vùng núi Kỳ Sơn, vừa phải phòng bị nhà Ngô ở hướng Đông. Mâu thuẫn trong triều đình nhà Thục xuất hiện và lên đến đỉnh điểm khi Lưu Bị quyết định xuất quân đánh nhà Ngô nhưng thừa tướng Khổng Minh lại không đồng tình và cho rằng vẫn còn cơ hội để nối lại Liên minh Ngô – Thục.
Sau thất bại của Lưu Bị tại mặt trận Giang Lăng, nhà Ngô lại liên minh với nhà Thục một lần nữa để chống lại nhà Ngụy. Tuy nhiên, liên minh lần thứ hai giữa hai nước này đã không còn như trước do những “sứt mẻ” không thể hàn gắn.
Bất luận nhìn từ góc độ lịch sử hay hiện thực, quan hệ giữa các nước đều tương đối phức tạp, cho dù giữa một số nước có thể có quan hệ đồng minh, song nhìn chung phần lớn các mối quan hệ này đều ở vào trạng thái cạnh tranh, hoặc cạnh tranh về chính trị hoặc cạnh tranh về kinh tế và cũng có thể cả hai.
Tuy nhiên, cạnh tranh trong quan hệ ba nước Mỹ -Nga – Trung là điều hết sức đặc biệt, có tác động vô cùng lớn đến sự phát triển của thế giới.
Có thể hình dung mối quan hệ giữa ba cường quốc hàng đầu thế giới hiện đại trên một bản đồ địa chính trị sẽ tạo thành một tam giác, song đó không phải là một tam giác đều.
Nếu trong ba nước Mỹ, Trung, Nga tồn tại một hình tam giác giả định dựa trên các yếu tố về chính trị và ngoại giao mà độ dài các cạnh tam giác đại diện cho mức độ thân sơ giữa các nước, thì đó càng không thể là một tam giác đều.
Hơn nữa, mức độ hữu hảo cũng sẽ thay đổi cùng với sự thay đổi của tiến trình lịch sử. Ví dụ, Mỹ và Liên Xô trước đây đã xuất hiện nhu cầu hợp tác trong Chiến tranh thế giới thứ 2 khi họ đều có những lợi ích chung là chống chủ nghĩa phát xít.
Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, về mặt thể chế, đặc biệt là các ràng buộc về ý thức hệ, Liên Xô đã mở rộng nhanh chóng ảnh hưởng ở châu Âu, Mỹ – Tây Âu và Liên Xô – Đông Âu lần lượt thành lập tổ chức NATO và Hiệp ước Warsaw, từ đó xuất hiện cục diện Chiến tranh Lạnh do Mỹ và Liên Xô dẫn đầu.
Dù không có “chiến tranh nóng” nhưng cả hai bên đã đồng thời triển khai một cuộc chiến khốc liệt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chạy đua vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ trụ, khiến cho dư luận toàn cầu có cảm giác rằng một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi lên nắm quyền đã thực hiện chính sách đối ngoại “nghiêng về Liên Xô”, quan hệ Mỹ – Trung – Xô trở thành tam giác không đều, Trung – Xô là bạn đồng minh cùng phe xã hội chủ nghĩa, trong khi Mỹ – Trung lại trở thành đối thủ khi cả hai bên đều tham chiến chống lại nhau trong cuộc chiến ở Triều Tiên.
Cựu Thủ tướng Anh Wilston Churchill từng nói rằng trên thế giới không có kẻ thù vĩnh viễn, cũng không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn.
Khi quan hệ Trung Quốc – Liên Xô xấu đi vào những năm 1960, thì Trung – Mỹ lại xây dựng quan hệ vào năm 1970. Đặc biệt sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa với Mỹ và phương Tây, quan hệ Mỹ – Trung – Xô vẫn là một tam giác không đều. Theo đó, Liên Xô ở vào tình thế có hai đối thủ mạnh là Trung Quốc và Mỹ.
Trên thế giới không có kẻ thù vĩnh viễn, cũng không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”
Cựu Thủ tướng Anh Wilston Churchill
Cùng với tiềm lực của Trung Quốc được nâng lên, sức mạnh quốc gia của Liên Xô yếu đi, quan hệ thương mại Mỹ – Trung tăng cường thì xét về khía cạnh chính trị trong tam giác kể trên, chiều dài của cạnh quan hệ Mỹ – Trung bị thu ngắn lại trong khi đó chiều dài quan hệ Trung – Xô đã bị kéo giãn ra.
Sự kiện Liên Xô sụp đổ và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng. Thế “tam phân thiên hạ” không còn. Liên minh Mỹ – Trung vốn rất lỏng lẻo đã suy tàn và cuối cùng, chấm dứt bằng việc người Mỹ triển khai cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc cũng như tăng cường yểm trợ cho Đài Loan.
Gió đã đổi chiều
Sau khi bước vào thế kỷ mới, một số nhân vật chính trị và học giả Mỹ đưa ra quan điểm “Mỹ – Trung cùng cai trị thế giới” (?). Bergsten, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson tại Washington đã sử dụng các khái niệm G8, G20 để đưa ra khái niệm G2 (tức nhóm hai nước Mỹ và Trung Quốc).
Trong khi đó, giáo sư nổi tiếng thuộc Đại học Harvard còn đưa ra một từ mới là Chimerica (tên ghép của từ China – Trung Quốc và America – Mỹ). Quan hệ Trung – Mỹ xem ra có phần nồng ấm, song Trung Quốc vẫn rất cảnh giác và chưa bao giờ công nhận cách gọi G2 hay “nước Chimeria” (nước Mỹ – Trung).
Tuy nhiên, gần đây, do ảnh hưởng về ý thức hệ và lợi ích địa chiến lược, địa chính trị, do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và hơn nữa, Nga đã lấy lại vị thế cường quốc quân sự thứ hai sau Mỹ, Washington tự nhận thấy vai trò bá chủ thế giới của mình đang bị đe dọa nghiêm trọng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không dưới một lần lên tiếng cảnh báo rằng, “Nước Mỹ phải dẫn đầu. Quyết không chịu đứng vị trí thứ hai”.
Vì vậy, Mỹ dần chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang châu Á, đưa ra “Chiến lược tái cân bằng châu Á”. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gia tăng, áp lực mà Trung Quốc gặp phải cũng ngày càng lớn.
Trong bối cảnh trên, về tư duy logic đơn giản, có thể thấy rằng đứng trước chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải cần đến Nga nhiều hơn.
Cũng vì lẽ đó, mọi người có thể lý giải được chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc là nước Nga.
Trong khi đó, những kiến nghị xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới được Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra khi gặp Tổng thống Mỹ Obama đã không có gì tiến triển. Từ đây, mọi người có thể dự báo rằng mối quan hệ Nga – Trung cần phải được tăng cường.
Thế tam phân thiên hạ Mỹ – Nga – Trung: Gió đã đổi chiều – 4
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama
Tuy vậy, Trung Quốc ngày nay sẽ có những tính toán kỹ hơn, điều này được thể hiện trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Bắc Kinh đã thông qua một cách tiếp cận phù hợp.
Trong bối cảnh đứng trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, Trung Quốc vẫn luôn duy trì sự kiềm chế tối đa, vừa không bày tỏ ủng hộ rõ ràng trong việc Nga sáp nhập Crimea hay mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đồng thời, Trung Quốc cũng không đồng tình, nhưng tránh bình luận nhiều về các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu áp đặt lên nước Nga.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Bắc Kinh năm 2016, mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện quan hệ tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình, song Trung Quốc cũng dành sự đón tiếp trịnh trọng cho Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Trung Nam Hải.
Điều này cho thấy rõ là Trung Quốc đã có sự tính toán kỹ trong mối quan hệ Mỹ – Nga – Trung, tức là chưa muốn rút ngắn chiều dài của cạnh Nga – Trung trong tam giác, đồng thời cũng không muốn kéo giãn khoảng cách giữa Bắc Kinh và Washington.
Tuy nhiên, bước ngoặt đã xảy ra khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định gác lại vấn đề Ukraine và bán đảo Crimea, giảm sự có mặt ở Trung Đông để thực hiện tái bao vây Trung Quốc từ Tây Thái Bình Dương đến Bắc Ấn Độ Dương.
Động thái này đã tạo cho Nga có một khoảng thời gian thuận lợi để tăng cường tiềm lực kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh đặc biệt là việc phát triển vũ khí mới và cải tổ quân đội.
Cuộc xung đột Ukraine đã dẫn đến hàng nghìn lệnh trừng phạt kinh tế khiến cho kinh tế Nga lại rơi vào tình cảnh khó khăn, tuy nhiên, sức mạnh của Nga vẫn được duy trì. Trong bối cảnh như vậy, các nhà nghiên cứu đều cho rằng Nga sẽ ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong các lĩnh vực ngoại giao và kinh tế.
Nếu Trung Quốc cứ đứng nhìn để Nga sụp đổ mà không ra tay giúp đỡ, tất yếu sẽ dẫn đến kết quả là Mỹ sẽ càng đưa trọng tâm chiến lược kiềm chế áp sát vào Trung Quốc, khiến cho mong ước thực hiện quan hệ nước lớn kiểu mới Mỹ – Trung chỉ dừng lại ở ý tưởng trong khi cạnh tranh Nga – Mỹ cũng ngày càng quyết liệt hơn, đồng nghĩa với việc Trung Quốc và Nga sẽ xích lại gần nhau hơn và hợp tác chặt chẽ hơn.
Các diễn biến chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như sự thống nhất của hai nước tại các hội nghị thượng đỉnh SCO, EAEU, các diễn đàn kinh tế Bác Ngao, Saint Petersburg, Viễn Đông cũng như các thỏa thuận song phương về năng lượng và công nghệ cao giữa Nga và Trung Quốc là minh chứng cho thấy “gió đã đổi chiều”
Và cũng như thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, liên minh tay đôi chỉ xuất hiện giữa Trung Quốc với Mỹ hoặc với Nga mà không bao giờ thấy xuất hiện Liên minh Xô – Mỹ hoặc Nga – Mỹ, ngay cả khi quan hệ Xô – Mỹ “ấm áp” một cách giả tạo dưới thời Nikita Khrushov làm Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô hay Mikhail Gorbachov là Tổng bí thư.
Điều này cho thấy một khi quan hệ giữa người Mỹ và người Nga đã “xuống đến đáy” thì rất khó khôi phục, trừ khi có những biến cố lớn trong hệ thống chính trị của hai nước này. Cạnh tranh Mỹ – Nga – Trung sẽ tiếp tục phức tạp, khó đoán định.