Du lịch quốc tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng nguồn du khách từ Trung Quốc đang hồi phục khá chậm so với đà tăng trưởng chung.
Công ty phân tích Moody’s, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody’s, một trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới, vừa công bố báo cáo mới về nguồn khách du lịch từ Trung Quốc đến các nước trong khu vực.
Phục hồi chậm
Vài tháng sau khi dỡ bỏ chính sách Zero-Covid (quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng), Trung Quốc vẫn hạn chế người dân ra nước ngoài du lịch, phải đến tháng 3.2023 thì mọi hạn chế mới được dỡ bỏ.
Đến tháng 5 vừa qua, lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến một số quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đã tăng trở lại so với xu hướng chung. Tuy nhiên, lượng khách Trung Quốc đến các nước ở khu vực chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức trước đại dịch, trong khi tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến khu vực đã phục hồi ở mức khoảng 2/3 so với năm 2019. Sự phục hồi chậm chạp nguồn khách từ Trung Quốc đã kìm hãm sự tăng trưởng của ngành du lịch nhiều nước.
Theo Công ty phân tích Moody’s, ngành du lịch đặc biệt quan trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước ASEAN. Đối với hầu hết các nước Đông Nam Á, du lịch đóng góp từ 5 – 25% GDP và từ 7 – 20% tổng số việc làm trước đại dịch, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2018. Đặc biệt, với hầu hết các nước ASEAN, trước đại dịch thì nguồn du khách từ Trung Quốc chiếm hơn 20% tổng số du khách, khiến Trung Quốc trở thành nguồn khách du lịch lớn nhất của các nước. Vì thế, việc nguồn khách từ Trung Quốc phục hồi chậm đã tác động đến nhiều lĩnh vực được hưởng lợi từ du lịch, bao gồm bán lẻ và khách sạn.
Người dân Trung Quốc muốn “ở nhà”
Trong khi đó, theo Công ty phân tích Moody’s, người dân Trung Quốc vẫn tiếp tục hạn chế xuất ngoại vì nhiều lý do.
Đầu tiên, các chuyến bay quốc tế đang rất đắt đỏ. Nguyên nhân là chi phí nhiên liệu cao hơn và tình trạng thiếu nhân viên cũng như máy bay gây nhiều khó khăn cho các hãng hàng không sau đại dịch.
Thứ hai, lịch trình các chuyến bay từ Trung Quốc vẫn còn đang trong quá trình hồi phục chứ chưa đạt như mức cũ, do Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc giới hạn số chuyến bay như một biện pháp kiểm soát Covid-19.
Thứ ba, việc chi tiêu của người dân Trung Quốc cũng đang hạn chế do lo ngại về kinh tế khó khăn sau các kết quả thống kê về tình hình kinh tế được công bố gần đây. Cụ thể, GDP Trung Quốc trong quý 2/2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, quý 2/2022, Trung Quốc vẫn còn áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt theo chính sách Zero-Covid nên nền kinh tế khi đó tăng trưởng rất chậm. Vì thế, dù tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kinh tế Trung Quốc quý 2 vừa qua chỉ tăng 0,8% so với quý 1. Trong khi đó, quý 1/2023 tăng 2,2% so với quý kế trước. Thực tế là tại Trung Quốc, chi tiêu của người tiêu dùng giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và ngày càng có nhiều bất ổn về quá trình hồi phục kinh tế.
Lý do sau cùng, theo nghiên cứu của Công ty phân tích Moody’s, sau khi sống dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt trong suốt đại dịch Covid-19, có một số người ngại đi du lịch nước ngoài. Người dân có xu hướng đi du lịch nội địa nhiều hơn, ưu tiên các điểm đến như Hải Nam – nơi có thể mua sắm miễn thuế cạnh tranh được cả với Hồng Kông, mà không cần xin thị thực. Trong nửa đầu năm 2023, số người đi du lịch nội địa Trung Quốc đã phục hồi 77,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Chính vì thế, nguồn du khách từ Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Nền kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng sẽ là chìa khóa quan trọng, nhưng dựa trên các chỉ số kinh tế gần đây thì quá trình đó còn dài.
T.P