Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThôn tính lãnh thổ bằng… phim!

Thôn tính lãnh thổ bằng… phim!

Để thôn tính Đài Loan, Trung Quốc đã có nhiều kế sách. Bắc Kinh nửa kín nửa hở rằng, chóng hay chầy thì cũng phải thu hồi Đài Loan trong thập niên thứ ba thế kỷ XXI.

Tăng cường diễn tập, cho máy bay, tàu chiến xâm phạm lãnh thổ Đài Loan là hành động thường xuyên. Nhưng “mưa dầm thấm lâu” là đòn chiến tranh thông tin mà Bắc Kinh đang tiến hành. Mới đây Đại lục có hẳn một bộ phim tài liệu nói về việc quân đội Trung Quốc (PLA) chuẩn bị tấn công Đài Loan.

Trong mấy năm qua, các phương tiện truyền thông Nhà nước và Quân đội Trung Quốc thường xuyên phát hành các tài liệu tuyên truyền, thúc đẩy hiện đại hóa quân đội, cũng như các video về các cuộc tập trận chung quanh eo biển Đài Loan.

Cứ công chiếu rộng rãi cho bàn dân thiên hạ mục sở thị, biết đâu đấy, Đài Bắc sẽ bớt ngông ngênh, bớt dựa Mỹ, ngang bướng với… Triều đình. Như thế là giải pháp của Lão Tử (280 – 233 TCN), đề cao tư tưởng “vô vi”, “cai trị bằng cách không cai trị”, “không đánh mà thắng”, sẽ có sức sống mới trong thời hiện đại.

Chuyện là, Đại lục vừa tung lên sóng một bộ phim tài liệu mới toanh về sự chuẩn bị của quân đội tấn công hòn đảo. Trong phim có những chi tiết thật hot: một số chiến sĩ cam kết từ bỏ mạng sống vì đại cục, vì hòa bình thống nhất.

Tên phim là “Theo đuổi ước mơ”, nội dung gồm tám phần. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc phát sóng vào đầu tháng 8/2023 nhân kỷ niệm 96 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Hình ảnh tập trung trong các tập phim là các cuộc tập trận và lời chứng thực của nhiều sĩ quan, binh sĩ. Kịch tính của phim là ở chỗ, một số “nhân tố anh hùng” ở các đơn vị khác nhau bày tỏ sẵn sàng chiến đấu hy sinh trong cuộc “tấn công tiềm năng” này.

Một nội dung quan trọng trong phim là cuộc tập trận “Kiếm chung” của PLA, mô phỏng các cuộc tấn công sát tình huống chiến đấu nhắm vào Đài Loan. Các cuộc tập trận công bố nhiều hình ảnh tư liệu vào dịp tháng 4 vừa qua, sau chuyến thăm của Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tới Mỹ.

Chiến sĩ Zuo Feng, người nhái của đơn vị quét mìn thuộc lực lượng Hải quân Trung Quốc, sẵn sàng quyết tử. Ông nói: “Nếu chiến tranh nổ ra, nếu như các điều kiện gỡ mìn quá khó khăn, chúng tôi sẽ sử dụng chính cơ thể của mình để dọn đường an toàn cho lực lượng (đổ bộ) của chúng tôi !”. Còn Li Peng, một phi công thuộc Phi đội Wang Hai, thuộc lực lượng Không quân nói rằng: “Máy bay chiến đấu của tôi sẽ là phi đạn cuối cùng lao về phía kẻ thù nếu trong một trận chiến thực sự, tôi đã sử dụng hết đạn dược của mình!”.

Toàn là những lời sấm sét.

Người chỉ huy đơn vị chiến thuật đặc biệt, ông Fan Lizhong, cho biết, dù mất đi đồng đội là điều đau đớn, nhưng ông phải giữ bình tĩnh để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, sẵn sàng chiến đấu cao nhất, hiệu quả nhất.

Trong bộ phim tài liệu này cũng có cảnh tàu Sơn Đông – một trong ba tàu sân bay của Trung Quốc – di chuyển theo đội hình với một số tàu chiến khác. Trong mấy tháng qua PLA đã nhiều lần điều động tàu Sơn Đông đến eo biển Đài Loan, nhằm dằn mặt Đài Bắc. Đường trung tuyến của eo biển Đài Loan là một khu vực phân định ranh giới không chính thức giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Các tốp máy bay phản lực của Không quân cũng vượt qua đường trung tuyến của eo biển tương đối thường xuyên trong thời gian qua, nhất là thời điểm Đài Loan và Mỹ có những hoạt động ngoại giao “khiêu khích”, khiến Bắc Kinh tức giận.

Trong xã hội công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, sức mạnh của tri thức và thông tin có vai trò quyết định đến việc quản lý xã hội, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế, an ninh, quốc phòng. Khai thác và phát huy thế mạnh của các phương tiện truyền thông, Trung Quốc tỏ ra khá nhanh nhạy. Họ không chỉ chọn lọc thông tin do các tổ chức truyền thông cung cấp, mà còn tự sản xuất, tự xây dựng và thực hiện, đóng luôn vai trò là người bình luận và nhà phân phối.

Thao túng chính trị bởi những người điều khiển truyền thông, nói như thế để đổ lỗi cho các nhà truyền thông, ở đây là các nhà làm phim tài liệu, nhưng thực chất “nhà truyền thông” chỉ là kẻ làm thuê, giơ đầu chịu báng.

Hằng ngày có hàng nghìn, hàng triệu sự kiện trong nước và thế giới diễn ra, song các phương tiện truyền thông, thông tin sẽ chỉ chọn lọc đưa ra một phần nào đó, rất nhỏ. Cái phần rất nhỏ đó đương nhiên phải có lợi cho nhà cầm quyền, tạo nên sự hiểu sai và tạo sự đồng tình, ủng hộ. Ở đây là việc ủng hộ thôn tính Đài Loan bằng vũ lực.

Công nghệ thông tin hiện đại trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi gần như mọi lĩnh vực hoạt động của con người, trong đó có việc tạo ra một cuộc cách mạng trong chiến tranh.

Tăng cường “Chiến tranh thông tin”, Mỹ và Trung Quốc đang khai thác mạnh mẽ nguồn sức mạnh mềm này. Và bộ phim tài liệu có cái tên rất văn nghệ “Theo đuổi ước mơ” lại mang trong mình sức mạnh ghê gớm. Cách dùng truyền thông thao túng chính trị của Trung Quốc kể cũng là một chiêu mà thế giới đáng nể.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới