Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc “một số thế lực” đang cố gắng chính trị hóa sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Bắc Kinh, sau khi có thông tin Ý sắp rút.
Trong tuyên bố ngày 4-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh “một số thế lực” đang “thổi phồng và chính trị hóa” các hoạt động trao đổi kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc với Ý thông qua BRI.
Bắc Kinh không nêu đích danh những “thế lực” này, song cho rằng các nỗ lực như vậy chỉ nhằm “tạo ra sự chia rẽ và cản trở hợp tác”.
Ý bắn tiếng rút khỏi BRI
Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần Trung Quốc lên tiếng về hợp tác với Ý trong khuôn khổ BRI. Động thái diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Ý đã bắn tiếng về khả năng rút khỏi BRI, vốn sẽ tự động gia hạn vào năm 2024 nếu không có bên nào phản đối.
Trong cuộc phỏng vấn đăng tải hôm 30-7, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto phê phán quyết định gia nhập BRI của Chính phủ Ý hồi năm 2019. Theo ông Crosetto, đây là một quyết định “ngẫu hứng” và Ý không được hưởng lợi gì nhiều từ việc gia nhập.
Bộ trưởng Quốc phòng Ý cũng cho rằng vấn đề hiện nay là làm thế nào để rút khỏi BRI mà không gây tổn hại quan hệ với Trung Quốc. “Trung Quốc vừa là một đối thủ cạnh tranh, nhưng cũng là một đối tác. Đó là sự thật”, ông Crosetto nêu quan điểm.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng ám chỉ về khả năng “đi hay ở lại” BRI hồi tuần trước.
“Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định trước tháng 12”, bà Meloni nói với Đài truyền hình Fox News của Mỹ trong cuộc phỏng vấn được phát sóng ngày 30-7. Thủ tướng Ý cũng cho biết vấn đề này cần thảo luận với Chính phủ Trung Quốc và trong Quốc hội Ý.
Theo bà Meloni, có một “nghịch lý” là dù Ý là một phần của BRI, song lại không phải là quốc gia G7 có thương mại lớn nhất với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Ý kế đó lập luận rằng điều này cho thấy một nước có thể có quan hệ tốt với Bắc Kinh mà không cần tham gia BRI.
BRI là một sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được đưa ra vào năm 2013 với mục tiêu thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên sáng kiến này đã bị phương Tây chỉ trích là chiến lược “bẫy nợ”, trong đó Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng ở các khu vực bằng cách cho nhiều nước vay. Đến khi các nước này mất khả năng chi trả sẽ phải nhượng lại cổ phần hoặc quyền khai thác các dự án cho Trung Quốc.
Trong 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đã đưa ra một số sáng kiến “toàn cầu” để thúc đẩy ảnh hưởng, như Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) và gần đây nhất là Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI).
Trung Quốc nhắc khéo về hậu quả tiềm tàng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa trái) và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte (bìa phải) chứng kiến lễ trao bản ghi nhớ tham gia BRI nhân chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập đến Ý năm 2019 – Ảnh: CHINA DAILY
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa trái) và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte (bìa phải) chứng kiến lễ trao bản ghi nhớ tham gia BRI nhân chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập đến Ý năm 2019 – Ảnh: CHINA DAILY
Truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là các trang tiếng Anh, đã tập trung phản biện những cáo buộc của phương Tây về BRI trong tuần qua. Thời báo Hoàn Cầu nhận định hợp tác giữa Ý và Trung Quốc đã phát triển hơn kể từ khi Rome gia nhập BRI, đặc biệt là xuất nhập khẩu.
Một đồ họa của tờ báo này dẫn số liệu từ phía Ý cho biết trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu từ Ý sang Trung Quốc đã tăng 58% so với năm trước. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng liên tục trong 3 năm liên tiếp từ 2019.
Thời báo Hoàn Cầu cũng nhắc nhở Ý rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ý tại châu Á. Phần lớn thiết bị trong dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Ý do Trung Quốc cung cấp.
G7 đưa ra sáng kiến mới đối đầu 'Vành đai, con đường' của Trung Quốc
Úc hủy thỏa thuận 'Vành đai, Con đường', Trung Quốc nói gì?
Ông Biden nói cần có sáng kiến đấu với 'Vành đai - Con đường' của Trung Quốc
Trong một bài viết khác có trích dẫn ý kiến chuyên gia, Thời báo Hoàn Cầu bày tỏ cảm thông khi cho rằng Rome đang chịu các áp lực từ Mỹ và châu Âu phải rút khỏi BRI, nhưng cảnh báo “sẽ là sai lầm nếu Rome nghĩ rằng việc rời khỏi BRI sẽ đảm bảo nước này nhận được gì đó từ Mỹ và châu Âu”.
Năm ngoái, nhóm G7 mà Ý là một thành viên đã khởi động sáng kiến Đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu (PGII). Sáng kiến này đặt mục tiêu huy động 600 tỉ USD cho các nước có thu nhập trung bình và thấp trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
PGII được xem là một sáng kiến nhằm đối chọi với BRI, trong đó tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân với cam kết sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng “chất lượng cao” và minh bạch.
Thống kê của Tân Hoa xã công bố ngày 13-7 cho thấy hơn 150 nước đã ký bản ghi nhớ về việc tham gia BRI.
Ý hiện là quốc gia G7 đầu tiên và duy nhất tham gia BRI. Sự hiện diện của Rome cùng một số nước châu Âu đôi khi được diễn giải là “sự bảo chứng của phương Tây” và sức hấp dẫn của sáng kiến do Bắc Kinh khởi xướng.