Vụ việc vừa xảy ra tại bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines làm dấy lên các kêu gọi hoàn tất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc.
Việc Trung Quốc bị tố chặn tàu tiếp tế Philippines đến bãi Cỏ Mây vào hôm 5-8 là không mới và diễn ra không lâu sau khi ASEAN và Trung Quốc hoàn tất vòng đọc thứ hai văn bản đàm phán dự thảo COC.
Tính thời điểm của sự việc khiến nhiều người nghĩ đến chuyện cần phải hoàn tất COC. Kết thúc đàm phán sớm là tốt, song nội dung COC như thế nào mới là quan trọng.
COC chưa đụng đến phần gai góc nhất
Trong hội nghị ASEAN – Trung Quốc hôm 13-7 tại Indonesia, các ngoại trưởng ASEAN và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị xác nhận hai bên đã kết thúc vòng đọc thứ hai COC và thông qua tài liệu hướng dẫn thúc đẩy hoàn tất COC hiệu lực, thực chất.
Tuy vậy, đến nay chưa có thông tin chi tiết nào được chính thức công bố như lộ trình hoàn tất COC và các nội dung mà hai bên đã nhất trí.
Mặc dù các nhà ngoại giao hoan nghênh những tiến triển trong đàm phán COC, song những tiến bộ này thực tế rất ít, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.
Vòng đọc thứ hai bao gồm phần mở đầu (đã hoàn thiện năm ngoái) và một số tiêu chí, nguyên tắc cơ bản mà 11 bên đã đồng ý.
Trong đó có việc COC phải “phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”. Trước đó, các cuộc đàm phán của ASEAN và Trung Quốc chỉ mới có tiêu chí COC phải “hiệu lực, thực chất”.
Sự khác biệt chính giữa vòng đọc thứ hai và vòng đọc đầu tiên (tháng 7-2019) là hai bên đã đạt được thống nhất về câu chữ một vài đoạn trong số hàng chục đoạn dự thảo COC.
Tuy nhiên, những nội dung này, theo nguồn tin của nhà nghiên cứu Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Chính phủ Singapore), là không tạo ra sự thay đổi đáng kể với COC.
Phần gai góc nhất, theo ông Ian Storey, là phạm vi địa lý của COC và các hành vi bị cấm. Trung Quốc được cho là sẽ không từ bỏ cơ hội đàm phán với ASEAN để đưa vào COC và thúc đẩy yêu sách “đường chín đoạn” vô lý.
Đây là điều các nước ASEAN chắc chắn sẽ phản đối, bởi yêu sách này là không có cơ sở pháp lý và trái với UNCLOS 1982.
Thứ hai là vấn đề liệu COC có nên bao gồm danh sách các hoạt động bị cấm như cải tạo các thực thể, các hoạt động “vùng xám” và quân sự hóa các thực thể nhân tạo hay không.
Theo ông Ian Storey, một số nước Đông Nam Á rất muốn đưa một danh sách như vậy vào COC, nhưng Trung Quốc được cho là không muốn bởi như thế Bắc Kinh sẽ mất các công cụ thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Ràng buộc pháp lý hay tự nguyện?
Vấn đề nữa cũng gai góc không kém là tính pháp lý của COC. Nếu muốn ràng buộc pháp lý, COC cần bao gồm cơ chế phân xử giữa các bên và hình phạt với bên vi phạm.
Nhưng một vài nước e ngại vì cách tiếp cận này có thể quá đối đầu. Song nếu để các bên tự nguyện thực thi, COC sẽ không khác mấy so với Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông đạt được năm 2002.
“Các quốc gia ASEAN có biển muốn có một COC hiệu lực mạnh để bảo vệ các quyền chủ quyền của họ theo UNCLOS. Còn Trung Quốc chỉ muốn một COC yếu để làm xói mòn các quyền đó. Hai mục tiêu này chắc chắn không thể dung hòa”, nhà nghiên cứu Raymond Powell (Đại học Stanford, Mỹ).
Ngoài “đường chín đoạn”, Trung Quốc được cho là đã đưa ra một số yêu cầu trong hai vòng đọc COC vừa qua. Trong đó có việc các nước ven Biển Đông phải ngừng hợp tác với những công ty năng lượng đến từ các nước ở ngoài khu vực tại vùng biển “tranh chấp”.
ASEAN chắc chắn sẽ phản đối, đặc biệt là các nước ven Biển Đông. Song thật khó để hình dung Bắc Kinh sẽ loại bỏ yêu cầu này trong hoàn cảnh nào, theo ông Ian Storey.
“Các động thái của Trung Quốc nhằm mục đích tuyên bố với các bên tranh chấp khác rằng việc khai thác tài nguyên hydrocarbon trên biển chỉ có thể được thực hiện thông qua quan hệ đối tác hoặc sự đồng ý của Trung Quốc.
Đó chắc chắn là điều các nước sẽ không bao giờ dễ dàng nhượng bộ”, TS Lucio Blanco Pitlo III (nghiên cứu viên Quỹ Con đường tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương, Philippines) nhận định với Tuổi Trẻ. Theo ông, vấn đề này cần được nêu ra khi đàm phán về COC, với tiếng nói đi đầu của Việt Nam cũng như của Philippines và Malaysia.
Mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhà nghiên cứu Gregory Poling (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Mỹ) cho rằng ASEAN vẫn nên tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về COC. “Cần phải xem đây là một kênh hữu ích để tác động đến Bắc Kinh”, ông Poling nói.
Chiến thuật của Philippines
Các phản ứng của Philippines sau vụ bãi Cỏ Mây cho thấy một chiến thuật mới của Manila dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos.
Chỉ huy tuần duyên Philippines, tướng Jay Tarriela, từng nói về cách tiếp cận này hồi tháng 3 năm nay: “Cách tốt nhất để giải quyết các hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông là vạch trần nó”.
Chiến thuật này cũng cần sự phối hợp lên án với các bên khác nhằm thu hút sự chú ý và làm lộ rõ các hành vi của Trung Quốc.
Bằng cách sử dụng truyền thông, vận dụng phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài về Biển Đông và công khai các hoạt động của Trung Quốc, Philippines tin rằng Trung Quốc sẽ buộc phải “nói dối công khai” về những gì đã xảy ra, theo GS Jill Goldenziel thuộc ĐH Quốc phòng Mỹ.
Trong vụ việc ngày 5-8, Philippines đã vận dụng tất cả các điều trên. Sau khi công bố video và hình ảnh cả trên báo lẫn mạng xã hội, Manila đã nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Úc, Nhật Bản, Đức và Canada.
T.P