Nhiều năm trước, khi lần đầu sang Australia du học, tôi phải hoàn tất nhiều thủ tục để xin thị thực (visa), trong đó rắc rối nhất là công đoạn khám sức khỏe và lấy thông tin sinh trắc học.
Phải vào TP HCM đặt lịch hẹn khám sức khỏe, rồi đặt một lịch khác để lấy thông tin sinh trắc học, vừa tốn thời gian vừa tốn tiền, tôi đã không khỏi buồn vì hộ chiếu Việt Nam “yếu” quá.
Bây giờ, một số bạn bè, người thân – biết tôi chuyên nghiên cứu chính sách ngoại giao và sự vụ Đông Nam Á – thỉnh thoảng vẫn nhờ tôi hướng dẫn thủ tục xin visa (phải nói rõ là tôi chỉ nghiên cứu chính sách, chứ không phải là chuyên viên về thủ tục di trú). Có người hỏi quan hệ Việt – Australia ngày càng phát triển, tại sao Australia vẫn chưa miễn visa cho Việt Nam. Qua các cuộc trao đổi, tôi nhận thấy chuyện xin visa, chuyện “sức mạnh” của hộ chiếu Việt Nam, là vấn đề gây thắc mắc, thậm chí gây bức xúc cho nhiều người.
Trong các bảng xếp hạng phổ biến về “sức mạnh” của hộ chiếu, chẳng hạn Henley Passport Index hoặc Arton Passport Index, hộ chiếu Việt Nam thường không được xếp hạng cao. “Sức mạnh” của hộ chiếu thường được hiểu là khả năng người mang hộ chiếu được tự do đi lại mà không phải xin visa hoặc chỉ cần thủ tục đơn giản. Người mang hộ chiếu Việt Nam, theo xếp hạng mới nhất của Henley, có thể đi được 55 nước mà không cần visa (Henley tính cả visa điện tử và visa ngay khi nhập cảnh).
Không ít người, trong đó có cả các chuyên gia, thường cho rằng lý do chính là người Việt hành xử kém văn minh, vi phạm pháp luật sở tại khi ra nước ngoài. Điều này có phần đúng, nhưng vấn đề phức tạp hơn nhiều. Yêu cầu về visa, bao gồm việc miễn hoặc giảm thủ tục, là kết quả trực tiếp của những thỏa thuận song phương và đa phương liên quan đến visa. Những thỏa thuận này có được lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố tương quan dưới đây. Từ góc nhìn của mình, tôi có thể khẳng định Việt Nam có đủ cơ sở để thương lượng những thỏa thuận visa có lợi hơn cho công dân.
Quan hệ ngoại giao là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Các quốc gia có mối quan hệ ngoại giao mạnh hoặc lịch sử ngoại giao lâu dài thường cho phép công dân của họ đi lại mà không cần visa. Ví dụ các quốc gia trong Liên minh châu Âu, khối Thịnh Vượng Chung và ASEAN có thỏa thuận cho phép công dân tự do di chuyển giữa các quốc gia thành viên trong một thời gian nhất định. Vị thế ngoại giao của Việt Nam ngày càng cao. Các quan hệ song phương và đa phương như quan hệ Việt – Australia đang phát triển mạnh. Đây là tiền đề quan trọng, có lợi cho Việt Nam khi thỏa thuận thủ tục visa.
Yếu tố thứ hai là vấn đề an ninh và an toàn. Trong bối cảnh quốc tế hiện tại, đây là vấn đề có vai trò cốt lõi đối với các thỏa thuận visa. Các quốc gia có thể áp dụng hoặc thay đổi chính sách visa dựa trên những lo ngại về tội phạm, khủng bố hoặc nhập cư bất hợp pháp. Việc một số công dân Việt Nam nhập cư bất hợp pháp vào Anh, Australia hay Hàn Quốc mấy năm vừa qua là vấn đề lớn. Việt Nam có thể cải thiện vấn đề này bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về thông tin và kỹ thuật dành cho hộ chiếu. Việc Việt Nam gắn chip sinh trắc vào mẫu hộ chiếu mới là một bước đi đúng và hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng sự cố thiếu thông tin nơi sinh lại gây trở ngại không cần thiết với một số nước. Việc dễ dàng tiếp cận và trao đổi thông tin về người mang hộ chiếu sẽ giúp ích cho thủ tục hải quan, cũng như giúp phòng chống tội phạm và nhập cư bất hợp pháp.
Minh bạch thủ tục visa cũng là một điểm cộng. Việt Nam có thể xây dựng một cổng thông tin chính thức về thủ tục visa để tạo điều kiện cho công dân nước ngoài khi cần xin visa Việt Nam. Việc cung cấp thông tin một cách minh bạch, có tổ chức cũng giúp tăng uy tín của Việt Nam trong mắt các quốc gia khác.
Các yếu tố kinh tế có tác động đáng kể đến thỏa thuận visa. Các quốc gia phát triển, giàu có thường đạt được nhiều thỏa thuận miễn visa hơn vì công dân những nước này thường không bị xem là tìm cách nhập cư bất hợp pháp. Hơn nữa, công dân của các quốc gia giàu có thường được coi là khách du lịch mong muốn, có thể đóng góp cho nền kinh tế của quốc gia điểm đến. Vì vậy, hộ chiếu của những nước như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Anh và Đức luôn được xếp hạng cao, đi được nhiều nước. Với Việt Nam, đây chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Kinh tế ngày càng phát triển, người Việt du lịch, đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều thì càng có lợi cho việc nâng “sức mạnh” của hộ chiếu Việt Nam.
Tính đối ứng, tương hỗ là vấn đề có qua có lại, hai bên cùng có lợi. Đây là một nguyên tắc cơ bản trong các thỏa thuận visa. Nói một cách đơn giản, việc Việt Nam chưa miễn visa cho Australia (công dân Australia phải xin visa điện tử) cũng có tác động đến việc Australia chưa nới lỏng chính sách visa cho Việt Nam. Tất nhiên là cả hai bên còn phải cân nhắc những yếu tố quan trọng như an ninh, nhưng cũng cần chú trọng nguyên tắc có qua có lại.
Chính trị cũng là yếu tố được xem xét. Bất đồng về chính trị hoặc những lo ngại về bất ổn chính trị có thể khiến một quốc gia quyết định áp đặt, thay đổi chính sách visa với một quốc gia khác. Liên minh Châu Âu vốn có thỏa thuận xúc tiến visa với Nga, nhưng do vấn đề Ukraine mà thỏa thuận này đã bị tạm ngưng, khiến công dân Nga gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn xin visa vào các nước thuộc Liên minh. Đáng chú ý là khác biệt về thể chế chính trị không hẳn là lý do gây khó khăn cho chính sách visa. Ví dụ: Công dân của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất có thể đi lại tự do đến 180 nước, mặc dù có thể chế chính trị khác biệt với nhiều nước.
Cải thiện “sức mạnh” của hộ chiếu là một quá trình lâu dài, chịu tác động của nhiều yếu tố. Quốc gia nào cũng có những công dân thiếu ý thức, vi phạm pháp luật. Lý giải độ mạnh yếu của tấm hộ chiếu theo chiều hướng chỉ đổ lỗi cho hành vi xấu của một số công dân là chưa đầy đủ và công bằng. Quá trình nâng cao quyền lực tấm hộ chiếu còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của chính phủ, từ những vấn đề vĩ mô như cải thiện vị thế quốc gia cho tới những nhiệm vụ cụ thể như đàm phán những thỏa thuận có lợi hơn cho công dân.
T.P