Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhật-Hàn tìm cách giảm phụ thuộc nguồn cung từ TQ

Nhật-Hàn tìm cách giảm phụ thuộc nguồn cung từ TQ

“Thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc” đặt ra thế tiến thoái lưỡng nan đối với Hàn Quốc, Nhật Bản vì Bắc Kinh là thị trường rất quan trọng đối với hai nền kinh tế này.

Hàn Quốc đang chứng kiến chuỗi thâm hụt thương mại với Trung Quốc lần đầu tiên trong năm nay, đánh dấu một bước chuyển lịch sử kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 31 năm.

Mối bất hoà ngày càng tăng

Điều này xảy ra khi Bắc Kinh đang tập trung vào sản xuất tự túc nhằm cắt giảm nhập khẩu từ Hàn Quốc. Song song với đó, ngày càng có nhiều công ty Hàn Quốc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi thị trường Trung Quốc. Sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một nhân tố chính tiếp tục định hình các động lực địa chính trị ở Đông Bắc Á.

Trung Quốc không giấu giếm sự thất vọng trước việc Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng nghiêng về phía Washington, nhiều lần đổ lỗi cho Mỹ vì đã làm xấu đi đáng kể mối quan hệ với hai đối tác thương mại quan trọng của họ.

Tuy nhiên, các liên kết thương mại và đầu tư giữa Bắc Kinh với hai đồng minh của Mỹ đã bắt đầu trải qua giai đoạn chuyển đổi từ rất lâu trước khi xảy ra xích mích gia tăng trong những năm gần đây.

Các nhà phân tích cho biết khoảng cách ngày càng lớn về sức mạnh kinh tế và bối cảnh công nghiệp quốc tế đang thay đổi là một trong những chất xúc tác lớn nhất cho sự bất hòa ngày càng tăng giữa ba quốc gia châu Á.

Theo SCMP, các mối quan hệ có thể trở nên căng thẳng hơn khi Trung Quốc tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và thách thức vị thế của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Zhu Feng, giám đốc điều hành của Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), cho biết việc Trung Quốc nâng cấp lĩnh vực công nghệ cao đã khiến thị phần và lợi nhuận của nước này đối với các sản phẩm của Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu giảm. Ông nhấn mạnh đây là một trong những yếu tố chính khiến quan hệ của Trung Quốc với cả hai nước này bước vào “giai đoạn căng thẳng mới”.

Ngoài ra, theo ông Zhu, “sự đàn áp toàn diện” của Mỹ đối với Trung Quốc đã khiến Tokyo và Seoul không có nhiều thời gian để cân bằng các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với Washington và Bắc Kinh.

Trớ trêu thay, sự trỗi dậy kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc lại đi theo quỹ đạo tương đồng nhau. Cả ba nước đã liên tiếp tạo ra những phép màu tăng trưởng của riêng mình sau Thế chiến II thông qua các con đường định hướng xuất khẩu do nhà nước dẫn dắt.

Hầu hết các ngành nghề đều phát triển từ thâm dụng lao động sang các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, với một số ngành có giá trị gia tăng thấp, chẳng hạn như lắp ráp và chế biến. Xu hướng này ban đầu di chuyển từ Nhật Bản sang Hàn Quốc, sau đó đến Trung Quốc, làm nổi bật mối liên kết chặt chẽ giữa ba nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự tương đồng này cũng dẫn đến mức độ chồng chéo cao trong cơ cấu công nghiệp và xuất khẩu của các nước, gây ra sự cạnh tranh và chạy đua chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Năm 2004, Hàn Quốc đã soán ngôi Nhật Bản trở thành nhà sản xuất màn hình lớn nhất thế giới, chỉ 5 năm sau khi giành vị trí nhà đóng tàu số một. Trong thập niên 90, dưới sự dẫn đầu của gã khổng lồ công nghệ Samsung và SK Hynix, Hàn Quốc đã đánh bại Nhật Bản trong cuộc đua chip nhớ và hiện nắm giữ hơn một nửa thị phần toàn cầu.

Tuy nhiên, tranh chấp thương mại kéo dài 4 năm giữa Seoul – Tokyo kết thúc vào tháng trước đã phơi bày sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào thiết bị, nguyên liệu của Nhật Bản để sản xuất chip tiên tiến. Hàn Quốc cũng đang phải vật lộn với thách thức để vượt qua Nhật Bản trong chuỗi giá trị.
Về phía Trung Quốc, quốc gia này đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế số 2 thế giới vào năm 2010, một kỳ tích được coi là đã châm ngòi cho sự thay đổi cấu trúc trong quan hệ song phương.

Trong quý đầu tiên của năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới nhờ nhu cầu ngày càng tăng đối với các phương tiện sử dụng năng lượng mới.

Tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Wu Jianghao nói với các đại diện doanh nghiệp ở Tokyo rằng mô hình hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước đã xoay trục từ dọc sang ngang.

Cụ thể, ông Jianghao đề cập đến sự thay đổi từ hệ thống phân cấp thượng nguồn – hạ nguồn trong chuỗi cung ứng sang chế độ mà các quốc gia có trình độ phát triển tương tự nhau có thể tự do buôn bán những hàng hóa giống nhau.

Sự phụ thuộc lẫn nhau không tránh khỏi

Những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc – Hàn Quốc cũng trở nên rõ ràng hơn trong lĩnh vực thương mại với việc Bắc Kinh hiện là nguồn thâm hụt thương mại lớn nhất đối với Hàn Quốc. Theo dữ liệu chính thức của Hàn Quốc, nước này đã ghi nhận mức thặng dư thương mại tụt đáng báo động vào tháng 6/2023, đánh dấu tháng thâm hụt thứ 9 liên tiếp với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, mức gia tăng đáng kể trong nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc bao gồm sợi, máy móc, máy tính, pin ô tô và thậm chí cả chất bán dẫn – những lĩnh vực mà Hàn Quốc từ lâu đã có lợi thế – đang khiến vị thế của Seoul trên thị trường thương mại bị đe doạ. Các sản phẩm của Hàn Quốc cũng tiếp tục mất vị thế trên toàn cầu trước các sản phẩm thay thế do Trung Quốc sản xuất.

Kang Jun-young, giáo sư nghiên cứu vấn đề Trung Quốc tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, cho biết việc các công ty Hàn Quốc mất khả năng cạnh tranh về công nghệ đã dẫn đến khó khăn trong thương mại và kinh doanh với Trung Quốc. Ông cho rằng, điều này tạo nên những thay đổi dài hạn “không thể tránh khỏi” trong cấu trúc của mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

“Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm do hậu quả của suy thoái kinh tế toàn cầu và chính sách ‘Zero-COVID’ (Không COVID) của nước này đã kéo theo nhu cầu đối với hàng hóa trung gian do Hàn Quốc cung cấp giảm mạnh”, ông Kang nói.

Theo Cho Young-nam, giáo sư nghiên cứu lĩnh vực quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul, Trung Quốc và Hàn Quốc đã chuyển từ mối quan hệ “đối tác bổ sung” sang “đối thủ cạnh tranh” về lĩnh vực kinh tế. Theo ông, việc Bắc Kinh vượt Hàn Quốc trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới trong nhiều ngành công nghiệp đã khiến quan hệ song phương hiện nay trở nên ngày càng mong manh hơn.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế trị giá gần 18 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã vượt xa Hàn Quốc hơn 10 lần vào năm 2022. Con số đáng kinh ngạc so với mức vượt 20% vào năm 1992 – thời điểm hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ chính thức.

Trong đó, sự khác biệt về chi tiêu quân sự là rõ ràng nhất. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh đã tăng vọt lên hơn 6 lần so với Seoul vào năm ngoái.
Trước mối đe doạ bị bỏ xa trong cuộc đua kinh tế, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang dẫn đầu nỗ lực đa dạng hóa thương mại của Hàn Quốc khỏi Trung Quốc và xây dựng “các liên minh chuỗi cung ứng”, đặc biệt là liên quan đến chip bán dẫn tiên tiến.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington vào tháng 4, ông Yoon cho biết Seoul sẽ tăng cường hơn nữa liên kết kinh tế với Mỹ theo Đạo luật CHIPS và Khoa học cùng với Đạo luật Giảm lạm phát. Bên cạnh đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là thành viên của Sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) do Mỹ lãnh đạo nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Washington và các đối tác trong khu vực.

Chuỗi cung ứng công nghệ cao

Cả ba sáng kiến đều nhằm xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng bằng cách giảm nguồn cung từ Trung Quốc và kiềm chế ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các công ty Hàn Quốc hoạt động tại Trung Quốc vẫn chứng kiến doanh số giảm khoảng 13% từ năm 2016 đến năm 2022.

Vào năm 2021, Trung Quốc đã soán ngôi thống trị của Hàn Quốc với tư cách là nhà sản xuất màn hình lớn nhất thế giới sau 17 năm. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng vượt qua Hàn Quốc để trở thành nhà đóng tàu lớn nhất thế giới vào năm 2010. Trung Quốc giờ đây cũng bắt đầu theo đuổi các đối thủ Hàn Quốc trong các loại tàu có giá trị gia tăng cao như tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Trong các lĩnh vực chính ngoài sản xuất tàu và màn hình – chẳng hạn như hóa dầu, thiết bị gia dụng và chip bộ nhớ – hàng xuất khẩu của Hàn Quốc cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc vào nửa cuối năm 2023, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết.

Về thị phần xe điện, với nhu cầu ngày càng tăng, sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào nhập khẩu pin sạc và các nguyên liệu thô liên quan từ Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng, điều này đang “hạn chế về mặt cấu trúc” cán cân thương mại với Bắc Kinh.

Về thị phần điện thoại di động, Samsung đã rút khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2019 và chuyển sản xuất sang Việt Nam giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ địa phương và chi phí lao động tăng cao.

Về sản xuất ô tô, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, các thương hiệu xe hơi Hàn Quốc, dẫn đầu là Hyundai và Kia, đã chứng kiến thị phần của họ tại Trung Quốc giảm từ gần 10% cách đây một thập kỷ xuống chỉ còn 1,4% trong tháng 5/2023.

Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho biết việc các công ty Hàn Quốc chuyển hướng sang các nước khác là “lẽ tự nhiên” do những thay đổi về lợi thế cạnh tranh và nhu cầu giảm “sự phụ thuộc quá mức” vào thị trường Trung Quốc.

Song, ông cho rằng Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” trong thương mại với Trung Quốc. “Chúng tôi có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa, nhưng kết quả của việc đa dạng hóa sẽ làm tăng khối lượng thương mại, khối lượng chuyên gia và thặng dư thương mại của Hàn Quốc”, ông Moon cho hay.

“Thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Nằm giáp ranh với một thị trường lớn như vậy có thể là một thách thức lớn đối với Hàn Quốc, nhưng cũng là một điều may mắn nếu chúng ta biết tận dụng lợi thế của sự gần gũi về địa lý”, ông nói thêm.

Ông Moon khẳng định, mặc dù Hàn Quốc đang dần nghiêng về phía Mỹ trên mặt trận kinh tế và chuỗi cung ứng, song “luôn có những hạn chế về thị trường”.

“Hàn Quốc không thể dễ dàng rời bỏ thị trường Trung Quốc, ngay cả khi nước này nhấn mạnh đến các lý do chính trị và an ninh”, cố vấn cựu tổng thống Hàn Quốc nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới