Sunday, January 12, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNửa đầu năm 2023, kinh tế TQ đón nhiều tin xấu

Nửa đầu năm 2023, kinh tế TQ đón nhiều tin xấu

Theo các số liệu mới nhất từ Trung Quốc, xuất khẩu và nhập khẩu của nước này đều ghi nhận giảm mạnh, cho thấy sự suy thoái của nhu cầu tiêu dùng quốc tế và nội địa.

Nhu cầu toàn cầu giảm kéo theo sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc.

Xuất khẩu sụt giảm mạnh
Trong tháng 7-2023, xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm qua, Hãng tin AFP đưa tin theo báo cáo ngày 8-8 từ Trung Quốc.

Theo số liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 7 giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu của Trung Quốc giữ đà giảm từ tháng 10-2022, trừ hai lần có dấu hiệu phục hồi trong tháng 3 và tháng 4-2023.

Xuất khẩu giảm mạnh cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang phải chật vật khi nhu cầu toàn cầu trì trệ và kinh tế trong nước suy thoái.

Mức giảm này sâu hơn dự đoán, và giảm mạnh nhất kể từ mức 17,2% trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 2-2020 – thời điểm nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với những tuần đầu tiên của làn sóng dịch COVID-19.

Nguy cơ suy thoái ở Mỹ và châu Âu kết hợp với lạm phát cao góp phần khiến nhu cầu quốc tế với hàng hóa Trung Quốc suy yếu trong những tháng gần đây.

Theo đó, xuất khẩu sang Mỹ – thị trường lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc – giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu cũng giảm 20,6%.

Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm 12,4% trong tháng 7, giảm 9 tháng liên tiếp, cho thấy nhu cầu nội địa giảm mạnh.

Nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Trung Quốc – một trong những chỉ tiêu đo lường nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nước ngoài của quốc gia tỉ dân – giảm 25,1% trong tháng 7, mức giảm mạnh nhất trong 3 tháng qua.

“Các chỉ số thương mại yếu kém cho thấy nhu cầu tiêu dùng ngoài nước sụt giảm, trong khi các bên nhập khẩu cũng hạn chế giao dịch hàng hóa cho sản xuất và đầu tư trong nước”, Hãng thông tấn AFP dẫn lời nhà phân tích Ken Cheung Kin Tai của Ngân hàng Mizuho.

“Trong bối cảnh hiện nay, việc hạ giá đồng nhân dân tệ có thể là một công cụ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc, cũng như tạo điều kiện phục hồi nền kinh tế”, Cheung nói thêm.

Giá tiêu dùng giảm, doanh nghiệp lao đao
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khiêm tốn chỉ 0,8% trong quý 2 so với quý 1. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên được ghi nhận cao kỷ lục, lên đến hơn 20%.

Trái với dự đoán của nhiều nhà kinh tế, giá cả tại Trung Quốc đang trong giai đoạn hiếm hoi ghi nhận sụt giảm, theo nhận định của Bloomberg.

Hãng tin Reuters đưa tin ngày 9-8, số liệu chính thức cho thấy giá cả tiêu dùng của Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2-2021. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 10 liên tiếp, giảm 4,4% so với năm trước, và mức giảm của tháng 6 là 5,4%.

Không giống giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021, khi giá tiêu dùng giảm chủ yếu do giá thịt heo giảm, thời điểm hiện nay ghi nhận người tiêu dùng tại các thị trường lớn của Trung Quốc như Mỹ hay châu Âu đều cắt giảm chi tiêu. Cùng lúc đó, suy thoái của thị trường nhà đất tại quốc gia tỉ dân cũng khiến giá thuê nhà, nội thất và đồ gia dụng giảm – nhận định của Bloomberg.Nếu đà giảm giá tiếp tục đối với nhiều loại hàng hóa trong thời gian dài, có khả năng người tiêu dùng sẽ trì hoãn mua hàng, hạn chế hơn nữa các hoạt động kinh tế và buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục giảm giá.”Tôi đang dùng tiền tiết kiệm để duy trì công ty của mình, nhờ đó mà tôi vẫn có thể trả lương cho nhân viên”, báo SCMP dẫn lời Lou – chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng tại Thâm Quyến, Trung Quốc.”Nhưng tôi cũng hoang mang lắm. Tình trạng này khi nào mới kết thúc? Nó có như một cái hố không đáy?”, người này nói thêm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới