Nếu như những người lính Trường Sa thường ví đảo Trường Sa lớn như một thủ đô của quần đảo Trường Sa, đảo Đá Tây lại là thành phố của những đảo chìm. Vì sao lại có tên gọi này? Thực thể này có gì đặc biệt?
Đá Tây là một rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Hiện Việt Nam đang quản lý thực thể này như một phần của thị trấn Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, Đá Tây cùng với đá Đông, đá Châu Viên và giá san hô chứa đảo Trường Sa Đông hợp thành cụm đá ngầm mà các nhà hàng hải quốc tế thường gọi là cụm Đá London. Đảo Đá Tây có vị trí chiến lược rất quan trọng về cả kinh tế lẫn quốc phòng.
Đá Tây nằm cách bán đảo Cam Ranh khoảng 460 km về phía Đông Nam, cách đá Chữ Thập – thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép – khoảng 100km về phía Tây Nam, cách đảo Trường Sa lớn khoảng 36 km về phía Đông Bắc, cách đá Đông khoảng 33 km về phía Tây và chỉ cách đảo Trường Sa Đông khoảng 10km về phía Tây Nam.
Trải dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, Đá Tây có chiều dài khoảng 10km và chiều rộng nhất khoảng 5,7 km. Tổng diện tích của Đá Tây vào khoảng 37 km2 tương đương 3.700 ha. Về bản chất, Đá Tây là một dạng san hô không khép kín với thềm san hô bị gián đoạn ở cả bốn phía nên có thể chia Đá Tây thành 4 bãi riêng biệt, giới hạn ngăn cách giữa các bãi là những luồng nước dẫn vào hồ; độ cao trung bình của bãi đá này vào khoảng 0,2 đến 0,3 m so với mực nước biển. Ở phía đông của Đá Tây có một bãi cát nổi lên khi thủy triều xuống thấp, độ cao cao nhất đạt khoảng 0,7 m. Tại bãi cát này, Việt Nam cũng đã xây dựng một số nhà kiên cố. Cấu tạo của các dải san hô thường là hình bầu dục có vành đai ở phía ngoài, cao ở giữa lõm, tạo thành hồ sâu từ vài chục tới cả trăm mét thành nơi trú ẩn tự nhiên rất an toàn và thuận lợi cho các tàu bè và tránh trú khi gặp bão gió.
Đối với Đá Tây, lòng hồ có chiều dài khoảng 6km, chiều rộng khoảng 3,5 km và có diện tích vào khoảng 14 km2. Mặc dù hồ này có độ sâu không đồng đều với độ sâu dao động từ 18 đến 35m, nhưng nó lại rất thuận tiện cho việc neo đậu tàu thuyền để vào tránh trú bão; có tiềm năng thích hợp để quy hoạch trở thành khu nuôi trồng thủy sản xa bờ, đem lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế trong tương lai.
Về thời tiết ở Đá Tây cơ bản chỉ có hai mùa là mùa khô và mùa mưa. Trong đó mùa khô kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa thì kéo dài từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau, nhiệt độ trung bình hàng năm khá cao, dao động từ 26 cho đến 30°C; độ ẩm trung bình hàng năm từ 76 cho đến 80%, việc độ ẩm cao và mang theo nhiều sương muối khiến cho nhiệm vụ đóng quân của các chiến sĩ tại đảo gặp khá khó khăn. Nó làm cho trang bị vũ khí và khí tài nhanh chóng xuống cấp, cũng như là lương thực, thực phẩm nhanh chóng bị hư hỏng. Mỗi năm ở đây có tới hơn 130 ngày có gió mạnh cấp 6 trở lên, với đặc điểm gió Đông Bắc thổi từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau và gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 10. Tháng 4 là tháng ít có gió mạnh nhất bởi đây là thời điểm chuyển tiếp từ gió mùa Đông Bắc sang gió mùa Tây Nam, còn từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm thường có bão đi qua khu vực đảo gây khó khăn cho tàu neo đậu và làm nhiệm vụ tại đảo.
Quá trình xây dựng Đá Tây như một thành phố hiện nay bắt đầu từ tháng 10/1987.
Sau một thời gian lao động khẩn trương, quân Việt Nam đã hoàn thành khu nhà ở và nhà trực canh gác. Sau đó, các đơn vị chỗ giữ Đá Tây tổ chức canh gác và bảo vệ đảo. Do địa hình đặc thù cho nên Hải quân Việt Nam đã đóng quân tại 3 điểm trên Đá Tây được đặt tên là Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C. 3 điểm này cách nhau từ 3 – 7km, với việc triển khai lực lượng đóng giữ tại 3 điểm trên Đá Tây. Có thể nói Việt Nam đã xây dựng được thế trận quốc phòng liên hoàn vững chắc tại đảo Đá Tây.
Đối với Đá Tây A, đây là điểm đảo được Việt Nam chú trọng bồi đắp nhất ở Đá Tây. Năm 2005 ngoài 2 tòa nhà kiên cố là nơi đóng quân của lực lượng Hải quân xây dựng ở đây, một công ty Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã khánh thành Trung tâm Dịch vụ Hậu cần Đảo Đá Tây cách điểm đóng quân khoảng 230m về phía bắc, nhằm cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá như là nước ngọt, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, sửa chữa, cứu hộ tàu thuyền gặp nạn, sơ cấp cứu cho ngư dân Việt Nam bị tai nạn khi khai thác hải sản thuộc vùng biển Trường Sa.
Trung tâm được xây dựng trên một bể bê tông có diện tích 3.000 m2, với trang bị hiện đại và luôn có phông tông chứa dầu cùng 8 tàu dịch vụ túc trực tuần tra khu vực quanh đảo Đá Tây tham gia cứu nạn, lai dắt và hướng dẫn tàu cá của ngư dân neo đậu an toàn khi vào tiếp nhận các dịch vụ hậu cần. Bên cạnh hoạt động cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông còn thu mua hải sản trong ngư dân tạo điều kiện để bà con bám biển dài ngày, làm giảm chi phí, tăng thu nhập cho từng chuyến ra khơi. Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá cũng triển khai kế hoạch vận hành và khai thác nhà máy sản xuất nước đá để cấp đá cây cho tàu của ngư dân đánh bắt trên biển dài ngày, và là kho đông, kho lạnh. Tới đây Trung tâm cũng triển khai thực hiện nhiều mô hình thí điểm nuôi thủy sản với nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao, như là cá chim trắng, cá chẽm, cá mú và có triển vọng mở rộng quy mô đại trà phục vụ xuất khẩu.
Đến cuối năm 2011, đầu năm 2012, Việt Nam xây dựng thêm một nhà văn hóa đa năng ở điểm đóng quân của Đá Tây A, và cả 3 tòa nhà này đều được kết nối lại với nhau bằng cầu bê tông.
Nằm cách Đá Tây khoảng 7km về phía tây nam là Đá Tây B, với tổ hợp hai nhà kiên cố và một nhà văn hóa đa năng được kết nối với nhau bằng hai cây cầu bê tông. Cách đó khoảng 65m về phía tây, Công ty Bảo đảm Hàng hải Việt Nam đã xây dựng một ngọn hải đăng vào ngày 21/06/1994, có thân màu xám sẫm, chiều cao tâm sáng là 22m và chu kỳ chớp của ngọn đèn này là 10 giây. Có thể nói là công trình này góp phần đảm bảo an ninh hàng hải giúp các tàu thuyền qua lại có thể tránh đâm va vào các bãi đá ngầm.
Còn Đá Tây C nằm về phía bắc của bãi san hô. Trước năm 2011 ở đây chỉ có một nhà kiên cố, Năm 2012, nó đã được xây dựng thêm một nhà văn hóa đa năng kết nối lại với nhau bằng cầu bê tông.
T.P