Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHậu quả 5 dự án “24 tỉ USD” ở Lào do TQ...

Hậu quả 5 dự án “24 tỉ USD” ở Lào do TQ tài trợ – vị thế Việt Nam ở Lào

Cũng như Campuchia, hiện Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào. Bắc Kinh đã bơm hàng tỷ USD vào các lĩnh vực thủy điện, nông nghiệp, khai thác mỏ và xây dựng tại Lào nhằm tạo nền tảng cho chiến lược “Con đường Tơ lụa”, đang được quốc gia này triển khai trong khi GDP năm 2022 của Lào chỉ là 15,3 tỷ USD, năm 2019 là 18,77 tỷ USD.

Khu công nghiệp Kali vốn đầu tư 4,31 tỷ USD

Đây là dự án công nghiệp mà Bắc Kinh đầu tư vào Lào gần đây nhất Phân kali là một trong ba loại phân chính trong ngành nông nghiệp. Trung Quốc phụ thuộc khá nhiều và nhập khẩu loại phân này. Theo một báo cáo vào năm 2021, tiết lộ mức tiêu thụ phân kali của nước này là khoảng 13,84 triệu tấn và hơn một nửa nguồn cung tới từ nhập khẩu. Nhu cầu ngày càng tăng cao, Bắc Kinh phải tìm kiếm những quốc gia có nguồn nguyên liệu dồi dào và gần, để đầu tư xây dựng nhà máy nhằm giải quyết vấn đề nguồn cung và giá thành Lào chính là một ví dụ điển hình.

Ngày 27/03, bản ghi nhớ được ký kết giữa chính phủ Lào và Công ty Kali Quốc tế SINO-AGRI (công ty con của Công ty Đầu tư Quốc tế Asia-Potash), nhà cung cấp phân kali hàng đầu thế giới có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác xây dựng Khu công nghiệp tuần hoàn thông minh quốc tế Asia-Potash tại tỉnh Khammuane, có tổng diện tích khoảng 2.000ha. Dự án sẽ chia thành ba khu, gồm khu công nghiệp phân kali; khu công nghiệp phi kali và làng Asia-Potash.

Khu công nghiệp phân kali, sẽ được sử dụng để phát triển ngành công nghiệp này dựa trên nguồn quặng muối kali dồi dào tại địa phương. Dự kiến, công suất sản xuất đạt 3 triệu tấn vào năm 2023 và 5 triệu tấn vào năm 2025 sẽ đưa khu vực này trở thành nhà sản xuất và chế biến phân kali hàng đầu của châu Á. Từ đó giúp Lào trở thành một trong những cơ sở sản xuất phân kali lớn trên thế giới.

Khu công nghiệp phi kali, sẽ tận dụng các nguồn tài nguyên liên quan đến mỏ kali cũng như mỏ than và bôxit của Lào, nhằm mở rộng chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng tận dụng tài nguyên thông qua xúc tiến đầu tư. Trong khi đó, làng Asia-Potash được xây dựng như một khu phức hợp đô thị hiện đại, đa chức năng bao gồm các cơ sở y tế, giáo dục, thương mại, thể thao và dịch vụ, để thu hút các nhà đầu tư và nhân tài nhằm đẩy nhanh quá trình đô thị hóa của Lào.

Theo bản ghi nhớ được ký kết thì công ty này sẽ có quyền khai thác khoảng 35 km2 mỏ muối kali tại tỉnh Khammuane của Lào, khu vực có tổng trữ lượng kali hơn 1 tỷ tấn. Đồng thời, dự án trên dự kiến sẽ mang lại cho Lào một khoản thu nhập tài chính bằng khoảng 320 triệu USD/năm, tạo ra khoảng 30.000 đến 50.000 việc làm tại địa phương, bằng 10% dân số của tỉnh Khammuane.

Đường sắt cao tốc Lào-Trung Quốc vốn đầu tư 6 tỷ USD

Tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung Quốc được khởi công xây dựng vào năm 2016 bởi Tập đoàn đường sắt quốc gia Trung Quốc; hoàn thành vào cuối năm 2021, với hàng trăm đường hầm xuyên núi và hơn 300 cây cầu. Các đoàn tàu điện động lực phân tán chạy trên tuyến có thể chở tới 720 người và đạt tốc độ 160km/h, toàn bộ tuyến đường sắt này dài 1035 km nối thành phố Côn Minh của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với thủ đô Viêng Chăn của Lào. Riêng phần trên lãnh thổ Lào dài 422 km, nối thủ đô nước này đến Boten khu vực nằm ngay biên giới Lào – Trung Quốc.

Tính đến ngày 25/02/2023, tuyến này đã vận chuyển được gần 1,9 triệu lượt khách nội địa ở Lào, gần 2,9 triệu tấn hàng hóa, chủ yếu là nông sản xuyên biên giới hai nước. Ngày 13/4 khi Trung Quốc mở cửa du lịch thì mới bắt đầu có dịch vụ vận chuyển khách xuyên biên giới từ Côn Minh đi Viêng Chăn và ngược lại.

Vào tháng 2/2023, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động tuyến đường sắt khứ hồi đầu tiên kết nối ba nước là Trung Quốc, Lào, Thái Lan dài 1.830 km là phần mở rộng của tuyến đường sắt Lào – Trung. Tàu chở hàng sẽ khởi hành từ thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đi qua Lào đến điểm cuối là Thái Lan và ngược lại, với hình thức vận chuyển này thời gian rút ngắn đi được một ngày và chi phí giảm hơn 20%. Từ tháng 6/2023, dự kiến mỗi ngày sẽ có một chuyến khứ hồi từ Trung Quốc đến Thái Lan thông qua Lào, và có thể trong thời gian tới tuyến đường sắt này sẽ còn được thiết kế với nhiều khu vực khác.

Tuy nhiên, bên cạnh viễn cảnh tươi sáng, đã có nhiều ý kiến lo ngại về lợi ích thực sự của tuyến đường này, cũng như hệ lụy lâu dài có thể có mang lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã từng cảnh báo rằng, dự án có thể đe dọa đến khả năng trả nợ của Lào khi giá trị công trình này tương đương với khoảng 1/3 GDP của quốc gia này. Ngoài ra, những thỏa thuận phức tạp cũng khiến nhiều người hoài nghi, bởi thực chất trong 6 tỷ USD tiền đầu tư thì chỉ có khoảng 40% là do chính phủ hai nước góp, 60% còn lại vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc; riêng chính phủ Lào góp 730 triệu USD trong đó trích 250 triệu USD từ ngân sách nhà nước 480 triệu USD còn lại vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc với lãi suất 2,3% kỳ hạn 35 năm.

Bên cạnh đó, dự án này được ký kết theo dạng Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), theo thỏa thuận nhà đầu tư sẽ khai thác tuyến đường sắt Trung- Lào trong vòng 50 năm, sau đó sẽ được bàn giao cho chính phủ Lào.

Nhìn chung, nguồn tài trợ của dự án chủ yếu đến từ phía Trung Quốc, vì khoản đóng góp của Lào chỉ vỏn vẹn 250 triệu USD, chiếm khoảng 4% giá trị của dự án. Vì vậy, tuyến đường sắt có thể không mang lại lợi ích lâu dài cho Lào do nước này phải liên tục trả nợ và lãi cho Trung Quốc, trong khi phải tới 50 năm sau thì đất nước hơn 7 triệu dân này mới nhận được 100% lợi nhuận. Khi đó thì không rõ là nó còn khai thác, hay không, hay phải bỏ thêm hàng tỷ USD để sửa chữa công trình cũ kỹ đó.

Một lo ngại khác mà các chuyên gia nêu ra, là tác động của tuyến đường sắt tới môi trường sống cũng như những danh lam thắng cảnh của đất nước này, như di sản thế giới Louangphabang hay Vang Vieng, khi cả hai nơi đều có ga dừng chân trên tuyến này.

Đặc khu kinh tế Boten vốn đầu tư 10 tỷ USD

Đặc khu kinh tế Boten (Boten Special Economic Zone hay Boten Beautiful Land) rộng khoảng 1.640ha ở tỉnh Luang Namtha, là dự án phát triển cơ sở hạ tầng tốn kém nhất ở Lào, Boten là một khu vực nằm sát biên giới Lào – Trung Quốc. Năm 2003, Boten đã được chính quyền Lào chỉ định để trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của đất nước và trở thành đầu tàu của cả nước trong việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài. Cụ thể là thu hút các công ty Trung Quốc vào thuê đất xây dựng nhà xưởng và phát triển các ngành công nghiệp.

Nhưng trong suốt 5 năm đầu, nơi đây vẫn là một tiền đồn thương mại nhỏ. Nó chỉ thay đổi vào năm 2007, khi công ty Phúc Hinh Travel & Entertainment Group một công ty phát triển và đầu tư của Hồng Kông, được nhượng quyền để thuê đặc khu kinh tế này trong vòng 30 năm. Ngay sau đó, họ đã biến Boten từ một thị trấn biên giới hẻo lánh trở thành một thiên đường cờ bạc với các khách sạn, sòng bạc, quán bar và tiệm massage mọc lên như nấm. Trong thời kỳ đỉnh cao nhờ chính sách miễn thị thực khi vào Lào, Boten đã thu hút hàng nghìn người mỗi ngày, chủ yếu là người Trung Quốc là công nhân lao động, khách du lịch, khách chơi bài. Nhưng đi đôi với sự phát triển nhanh chóng này là những hoạt động tội phạm leo thang trong khu vực, cùng với đó là việc các chủ sòng bạc thường xuyên bắt giữ trái phép, đánh đập, thậm chí đã giết người khi con nợ không có khả năng chi trả.

Vào năm 2011, trước những áp lực từ chính phủ Trung Quốc, Lào đã phải thắt chặt kiểm soát biên giới cũng như cắt nguồn cung cấp điện cho Boten. Đặc khu Boten một lần nữa trở nên im hơi lặng tiếng do những sòng bạc bị đóng cửa, được ví như một thị trấn ma, khi mà phần lớn người dân đã rời đi.

Với sáng kiến vành đai và con đường, cùng với việc xây dựng tuyến đường sắt Lào – Trung, khu vực biên giới này một lần nữa đã được hồi sinh. Tập đoàn Công nghiệp Vân Nam Hi Chang đã giành được quyền xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế Boten trong 99 năm, với hợp đồng trị giá 10 tỷ USD, với tham vọng đưa khu vực này trở thành trung tâm hậu cần, thương mại, du lịch, đồng thời là một khu công nghiệp hiện đại hàng đầu tại Lào.

Bắt đầu được xây dựng vào tháng 12/2016, dự kiến đặc khu này sẽ hoàn thành trong vòng 10 đến 15 năm tới, đã thu hút 369 công ty đầu tư vào khu vực này, trong đó có 360 công ty của Trung Quốc. Dự kiến khi đi vào hoạt động thì đặc khu kinh tế Boten thiên đường cờ bạc năm nào sẽ vươn lên trở thành một trong những đầu tàu thu hút đầu tư, cũng như là trung tâm phát triển kinh tế lớn nhất.

Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng vốn đầu tư 2 tỷ USD

Đây là một trong những đặc khu kinh tế nổi tiếng khác của Lào thuộc huyện Tonphong, tỉnh Bokeo, nằm trong khu vực Tam giác vàng – ngã ba khét tiếng của Đông Nam Á, nơi ba nước là Lào, Myanmar và Thái Lan tiếp giáp trên sông Mê Kông.

Nếu như xưa kia, tam giác vàng được biết đến là một trong những trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất nhì trên thế giới, thì giờ đây, bên cạnh chất cấm, đặc khu kinh tế Tam giác vàng với trái tim là sòng bài King’s Roman, thuộc quyền sở hữu của ông trùm Triệu Vỹ nổi lên như một đế chế cờ bạc quyền lực.

Vào năm 2007, Tập đoàn King’s Roman Group đã ký thỏa thuận với chính phủ Lào để hợp tác phát triển một khu du lịch ở chính khu vực tam giác vàng. Ba năm sau, Thủ tướng Lào đã ký sắc lệnh chính thức thành lập “Đặc khu kinh tế Tam giác vàng” và cho Triệu Vỹ thuê 3.000 ha đất với hiệu lực trong 99 năm. Thỏa thuận quy định rằng, đặc khu sẽ được phép tự điều hành từ quy hoạch đô thị, đến hệ thống tài chính và thậm chí là cả an ninh trong một số trường hợp nhất định.

Kể từ đó, các doanh nhân Trung Quốc đã đổ xô tới tam giác vàng để kinh doanh và cho tới hiện tại thì đã có sự hiện diện của 495 đơn vị đầu tư ở khu vực này, 90% trong số đó thuộc sở hữu của người Trung Quốc.

Theo thông tin trên tài khoản WeChat chính thức của đặc khu kinh tế tam giác vàng, thì tổng vốn đầu tư kể từ khi dự án này bắt đầu vào năm 2007 đến năm 2020 đã lên tới 2 tỷ USD. Trong hơn 10 năm phát triển dòng tiền đổ vào chủ yếu để kiến tạo cảnh quan đô thị bao gồm cầu, đường, bờ kè, trung tâm thương mại, khách sạn, khu dân cư và các tiện ích công cộng, nổi bật là một loạt các khách sạn 5 sao và một bệnh viện.

Vào năm 2020, một sân bay quốc tế cách đó không xa đã được khởi công với chi phí xây dựng khoảng 175 triệu USD và dự kiến hoàn thành trong năm 2023, sân bay mới này có thể tiếp nhận khoảng 1,5 đến 2 triệu hành khách mỗi năm.

Năm 2020, dự án cảng Balmom với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD đã được xây dựng tại đây, nhằm mục đích thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ ở Lào, đặc biệt là khu vực tam giác vàng. Tại đây còn có khu Chinatown với giờ giấc và thời gian sinh hoạt được điều chỉnh theo giờ của Trung Quốc; hầu hết cửa hàng dịch vụ đều từ chối thanh toán bằng đồng Kíp của Lào, mà bắt buộc phải là đồng Nhân dân tệ.

Cho đến nay điểm thu hút nhất và là động lực kinh tế của đặc khu kinh tế tam giác vàng vẫn là Kings Romans, một sòng bạc khổng lồ được mệnh danh là “viên ngọc quý” của đặc khu này theo đúng nghĩa đen.

Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy, khi mà bên trong đặc khu phía Tây Bắc của Lào lại đầy rẫy những bất ổn. Ngoài việc không phù hợp với văn hóa địa phương, đế chế cờ bạc này còn là sinh sôi nảy nở của một loạt các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Văn phòng Liên hiệp quốc về Ma túy và Tội ác tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, từng phát đi cảnh báo với nạn tội phạm hoành hành ở các đặc khu kinh tế trong khu vực.

Tháng 1/2018, Bộ Tài chính Mỹ đưa Triệu Vỹ vào danh sách cấm vận, với cáo buộc dùng bức bình phong doanh nghiệp để che giấu hoạt động tội phạm, bao gồm vận chuyển ma túy, buôn người, mại dâm, rửa tiền, đưa hối lộ và buôn lậu động vật hoang dã. Nói cách khác thì Kings Romans Group là một tập đoàn tội phạm có tổ chức.

Các quan chức quốc tế đặc biệt là Mỹ đã tỏ ra quan ngại rằng Lào có thể đã ký một thỏa thuận với “quỷ”, khi cho phép ông trùm ma túy kiểm soát một phần khu vực biên giới cực kỳ nhạy cảm để đổi lấy tăng trưởng kinh tế.

Mỹ cũng cáo buộc ông chủ Kings Romans là người đứng sau dự án cảng Balmom. Nếu đúng là trùm ma túy khét tiếng như cáo buộc của chính phủ Mỹ, thì bất kỳ động thái nào của ông ta cũng có thể dẫn tới sự gia tăng hoạt động sản xuất và xuất khẩu ma túy bất hợp pháp từ khu vực tam giác vàng. Điều này là nguy cơ lớn khi những kẻ buôn lậu ma túy dường như đang sử dụng Lào như một hành lang cho hoạt động buôn bán ma túy tổng hợp ra nước ngoài.

Ngoài ra, lo ngại tiếp tục dấy lên ở một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, sau khi phát hiện nhiều trường hợp công dân bị lừa sang đây, để làm những công việc bất hợp pháp tại các sòng bài hoặc cơ sở game online. Tại Việt Nam, trong khi tình trạng mua bán người trái phép sang Campuchia lao động vẫn chưa kịp lắng xuống, gần đây nạn mua bán người sang Lào tiếp tục nổi lên với nhiều diễn biến phức tạp. Từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022, cơ quan chức năng Lào đã giải cứu 477 người nước ngoài là nạn nhân của các vụ mua bán người đang làm việc tại đặc khu kinh tế tam giác vàng trong đó có nhiều công dân Việt Nam.

Về phía Lào dường như đã có sự ngó lơ trước những vấn đề trên mà bằng chứng là mối quan hệ giữa ông trùm Kings Roman và các cán bộ cao cấp của nước này vẫn rất êm đềm, giới chức Lào vẫn dành nhiều sự quan tâm cho khu vực này khi nhiều chuyến thăm và thị sát đã diễn ra.

Dự án đập Sanakham vốn đầu tư 2,073 tỷ USD

Xây dựng thủy điện hiện là trọng tâm trong kế hoạch phát triển của quốc gia không giáp biển này, để kiếm lợi nhuận từ việc xuất khẩu điện cho các nước láng giềng vào năm 2030. Nhưng do tiềm lực còn hạn chế nên Trung Quốc đã nhân cơ hội này để rót không ít tiền cho các dự án thủy điện tại Lào.

Một trong những dự án quan trọng nằm trong mục tiêu của chính phủ Lào nhằm đưa nước này trở thành thỏi pin của Đông Nam Á, đó chính là dự án xây dựng đập Sanakham với sự hợp tác từ Trung Quốc trị giá 2,073 tỷ USD trên sông Mê Kông. Con sông có ảnh hưởng đến sinh kế, an ninh lương thực và kết cấu dân cư, văn hóa xã hội của sáu quốc gia, trong đó có Việt Nam ở hạ lưu con sông này.

Dự án này là đập thủy điện thứ 6 nằm trong kế hoạch xây dựng 9 đập thủy điện trên chính dòng sông Mê Kông của chính phủ Lào, chỉ cách biên giới Thái Lan khoảng 2 km về phía thượng lưu, nằm trên ranh giới của tỉnh Xayaburi và tỉnh Vientiane, công trình do công ty Da Tang của Trung Quốc xây dựng.

Theo kế hoạch, nhà máy thủy điện Sanakham có 12 tổ máy với tổng công suất 684 MW, dự kiến vận hành từ năm 2028. Sau khi đi vào hoạt động phần lớn lượng điện tạo ra sẽ được bán sang Thái Lan. Dự án Sanakham đã được chính phủ Lào để trình tới Ủy ban Sông Mê Kông vào ngày mùng 9/9/2019, kèm theo một bộ tài liệu kỹ thuật và nghiên cứu khả thi kỹ thuật, bao gồm các đánh giá tác động xã hội và môi trường của dự án thủy điện Sanakham, nghiên cứu phù sa và nghề cá. Bộ tài liệu này đã được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác của MRC, bao gồm Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Tuy nhiên đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của nhiều nước bao gồm cả Việt Nam, nhưng gay gắt nhất là Thái Lan, vì họ lo ngại việc xây dựng con đập sẽ gây ra cản trở lớn cho dòng chảy của dòng sông Mê Kông, một động mạch quan trọng của Đông Nam Á vốn đã bị tắc nghẽn trong nhiều năm nay. Nó có thể làm phức tạp thêm tình trạng lũ lụt và hạn hán ở khu vực hạ lưu, vốn là kế sinh nhai của hơn hàng chục triệu người dân dọc theo con sông này.

Quá trình tiền tư vấn được coi là một phần của quy tắc sử dụng nước trên sông Mê Kông, mọi dự án xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông đều phải tham vấn với MRC và ủy ban có thể điều chỉnh một số đề xuất, nhưng không có quyền phủ quyết trong việc xây dựng. Do đó, mà Lào vẫn kiên quyết xây đập ngăn dòng Mê Kông và đang trong giai đoạn xây dựng con đập gây tranh cãi này, mà không lắng nghe ý kiến của người dân ba nước còn lại là Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Hệ lụy của những dự án thiếu bền vững mà Trung Quốc đổ vào Lào.

Giống như Campuchia, dòng tiền đầu tư ồ ạt của Trung Quốc và các tỉnh của Lào đã giúp cho quốc gia này có thể thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, song cũng làm dấy lên nhiều mối quan ngại về những hệ lụy có thể gây ra đối với người dân địa phương và môi trường.

Đầu tiên, phải kể đến việc Lào dùng đất đổi tiền từ Trung Quốc với những đặc khu kinh tế 99 năm, như trường hợp của đặc khu kinh tế Tam giác vàng. Nhiều sòng bài và tụ điểm ăn chơi xô bồ đã mọc lên như nấm, kéo theo hàng loạt các tệ nạn xã hội nguy hiểm tại khu vực. Thống kê cho thấy lượng khách du lịch Trung Quốc đã đến Lào tăng từ 400.000 trong năm 2014 lên 800.000 trong năm 2018, trong số khách du lịch phần nhiều là các con bạc hướng đến các sòng bạc nổi tiếng nằm trong những khu vực được cho thuê 99 năm.

Lượng khách du lịch tăng nhưng có vẻ như lợi lộc chỉ đổ dồn vào các chủ nhà hàng và sòng bạc do người Trung Quốc thành lập. Những cơ sở này cũng có xu hướng thuê nhân viên Trung Quốc, không thuê người dân bản địa do họ không biết tiếng Trung. Đến cả việc thanh toán cũng rất bất cập khi mặc dù đang trên đất Lào, nhưng đồng Kíp tại một số khu vực lại bị hạn chế, thay vào đó là đồng nhân dân tệ rất phổ biến.

Thứ hai, việc Trung Quốc đổ tiền vào đầu tư ngành điện tại Lào đã để lại nhiều hệ lụy tiềm ẩn ở tiểu vùng Sông Mê Kông. Điển hình như dự án đập thủy điện Sanakham. Trong hơn 2 tỷ USD tiền đầu tư, chỉ có khoảng 28 triệu USD, tương đương 1,4%, được dùng để phát triển các biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường và xã hội.

Mục tiêu trở thành “cục pin” của Đông Nam Á đã khiến Lào đẩy mạnh xây dựng các nhà máy điện và đường truyền tải. Bên cạnh các tác hại nghiêm trọng đối với môi trường, đã khiến Lào quốc gia gần như nghèo nhất khu vực chìm vào nợ nần.

Là một trong những quốc gia nghèo nhất ở Đông Nam Á với GDP bình quân đầu người vào năm 2022 chỉ là 1.860 USD, Lào đang có nguy cơ trở thành một trong những quốc gia đứng đầu trong sổ nợ của Trung Quốc khi liên tục thiên vị cho các dự án liên quan đến “Vành đai và con đường”, riêng năm dự án kể trên, đã lên đến gần 24,4 tỷ USD gấp 1,6 lần GDP năm 2022 của quốc gia này.

Trong những năm gần đây, Lào đã trải qua thâm hụt ngân sách liên miên dẫn đến việc tích lũy nợ công khá lớn. Tới cuối năm 2022, nợ công đã lên tới gần 95% GDP của quốc gia ở mức mà các nhà kinh tế nhận định là quá cao và nguy hiểm, khiến Lào trở thành một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất và có khả năng vỡ nợ cao nhất Châu Á.

Đối với Lào, các chuyên gia nhận định quốc gia này bắt buộc phải chấp nhận ba yêu cầu cơ bản của Trung Quốc. Đó là ủng hộ chính sách của Trung Quốc về các vấn đề tại Đài Loan và Tây Tạng; công nhận đất nước tỷ dân là nhà đầu tư lớn nhất của đất nước này và các công ty của họ sẽ được phép khai thác tài nguyên tại Lào; đồng thời xây dựng các tuyến đường xuyên suốt từ Lào đến Thái Lan. Nếu các khoản nợ đến hạn mà họ không có khả năng chi trả, thì giống với những trường hợp Sri Lanka, Lào có thể phải nhượng bộ một vài khu vực quan trọng cho Bắc Kinh. Đây chính là bẫy nợ, bành trướng kinh tế để phục vụ nhiều mục đích chính trị. Nghiêm trọng hơn, khi dính vào những khoản “vay dễ, trả khó”, thì quốc gia đi vay không thể tiếp cận nguồn tài chính nào khác khi chỉ số tín nhiệm rớt xuống mức thấp do nợ, nó cũng giống như bạn đi vay tín dụng ở các tổ chức tài chính vậy.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Lào và vị thế của Việt Nam

Là một nước không có biên giới biển và tiếp giáp với 5 quốc gia, từ lâu, Lào luôn tìm cách giữ cân bằng giữa các nước láng giềng của mình. Từ xưa, Lào luôn được biết đến là hàng xóm thân thiện của Việt Nam. Sự liên kết chặt chẽ giữa các lãnh đạo Lào và Việt Nam vẫn tiếp tục được giữ gìn từ những năm tháng chiến tranh.

Tuy nhiên, khi cải cách kinh tế vào cuối những năm 1980 và sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Lào cũng bắt đầu nhìn rộng và xa hơn dần giảm sự phụ thuộc vào Việt Nam. Điều đó giúp Lào có nhiều không gian trong việc củng cố quan hệ với Trung Quốc, quốc gia láng giềng to nhất nằm ở phía bắc, và Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Lào
Kể từ năm 2013, thương mại song phương Lào – Trung đã có sự phát triển vượt bậc. Riêng năm 2021, thương mại song phương giữa hai nước lên tới 4,15 tỷ USD, cho thấy Trung Quốc coi Lào là một trong những cánh cổng vào Đông Nam Á. Nhìn chung sự ảnh hưởng của Trung Quốc lên Lào là một điều không thể chối cãi.

Còn Việt Nam vẫn luôn coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện với Lào, và ngược lại. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, hợp tác đầu tư giữa hai nước đã có sự phát triển không ngừng, Lào luôn đứng đầu trong số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 209 dự án có tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD. Việt Nam cũng luôn nằm trong top 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào. Đáng chú ý là sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào là 118,3 triệu USD tăng 33,3% so với năm 2020, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào vào năm 2022 cũng đạt hơn 1,7 tỷ USD.

Ngày 8/8/2021, Việt Nam cũng nghiệm thu và bàn giao tòa nhà Quốc hội mới cho Lào, có tổng vốn đầu tư gần 112 triệu USD là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành tặng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Công trình gồm một tầng hầm, 5 tầng nổi được xây dựng với diện tích 7.000 m2 trên nền nhà Quốc hội cũ ở trung tâm thủ đô Viêng Chăn.

Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất của tình hữu nghị Việt Nam – Lào có lẽ là cảng Vũng Áng. Ngày 24/5/2011, Công ty cổ phần cảng Vũng Áng Việt – Lào, sau này là Công ty cổ phần cảng Quốc tế Lào – Việt, được thành lập với 4 cổ đông, trong đó thì Công ty Liên hợp Lào phát triển cảng Vũng Áng của phía Lào chiếm 20% vốn điều lệ.

Để hỗ trợ Lào phát triển lâu dài, Việt Nam đã tạo điều kiện để nước láng giềng sử dụng cầu cảng Vũng Áng 1,2,3, qua đó giúp Lào trở thành một đất nước từ không có biển trở thành một nước có đường ra biển. Cùng với hệ thống cầu cảng tại Vũng Áng, Việt Nam và Lào đang thúc đẩy và tìm kiếm một đầu tư để triển khai các dự án kết nối giao thông giữa hai nước, như đường cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội, tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng… Các dự án trên không chỉ được xem là biểu tượng cho sự hợp tác thiết thực nhất của hai nước, mở ra cơ hội không chỉ cho Việt Nam và Lào có thể khai thác tối đa thế mạnh của mỗi nước, mà còn tăng cường kết nối giữa hai nước với các nước trong khu vực, đồng thời đem lại lợi ích nhiều nhất cho nhân dân hai nước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới