Vấn đề trên được đặt ra trong một báo cáo mới đây của Công ty phân tích Moody’s, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody’s, một trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới.
Hiện thực của Trung Quốc
Theo báo cáo trên, các thách thức mà kinh tế Trung Quốc đang đối mặt là tăng trưởng tín dụng ở mức cao trong nhiều năm dẫn đến tình trạng nợ nần và khiến cho doanh nghiệp hạn chế đầu tư ngay cả khi lãi suất thấp. Việc thúc đẩy tiêu dùng của người dân không có nhiều tiến triển, khiến nền kinh tế Trung Quốc dễ bị tổn thương khi đối mặt thách thức bên ngoài, do nội tại chưa đủ mạnh. Kích thích kinh tế hiện chủ yếu cho phía cung. Trung Quốc chưa ở trong tình trạng suy thoái về cân đối tài chính nhưng tình hình lại khá tiệm cận nguy cơ này.
Cụ thể, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại, trong khi thị trường bất động sản nước này chuyển từ bùng nổ sang đóng băng, doanh nghiệp gặp khó vì tỷ lệ nợ cao. Các hộ gia đình và doanh nghiệp không muốn tăng cường chi tiêu dù lãi suất thấp và nguy cơ giảm phát đang hiện hữu.
Vì thế, để giảm lệ thuộc vào xuất khẩu, các nhà hoạch định chính sách đã phản ứng bằng cách nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài chính để ngăn chặn suy thoái kinh tế và tăng cường nhu cầu trong nước. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính dẫn đến tăng trưởng mạnh nhưng cũng thúc đẩy cơn sốt đầu cơ khiến giá cả nhiều loại tài sản tăng chóng mặt, đặc biệt là bất động sản và cổ phiếu.
Quá khứ của Nhật Bản
Đó cũng chính là những điều mà kinh tế Nhật Bản đã đối mặt hồi đầu thập niên 1990. Quay lại hơn 30 năm trước, sự phát triển bùng nổ của Nhật Bản đã bị “hãm” mạnh do tiền tệ nước này tăng giá sau thỏa ước Plaza vào năm 1985. Việc yên Nhật tăng giá đã đặt dấu chấm hết cho phép màu xuất khẩu đã giúp đất nước phục hồi nhanh chóng sau Thế chiến 2.
Sự bùng nổ của bong bóng giá tài sản ở Nhật Bản vào đầu những năm 1990 đã để lại hậu quả nhiều ngân hàng gặp khó khăn và nợ công ty tăng vọt. Giá cổ phiếu và bất động sản đạt đỉnh vào năm 1989 và đầu năm 1991, rồi giảm và cho đến giờ vẫn chưa quay lại đỉnh cũ. Năm 1989, chứng khoán Nhật Bản chiếm hơn một nửa vốn hóa thị trường chứng khoán toàn thế giới, nhưng giá trị vốn hóa của thị trường tài chính Nhật Bản đã giảm gần 50% trong vòng chưa đầy một năm. Việc định giá tài sản sụt giảm đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngân hàng thầm lặng suốt những năm 1990. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng hạn chế vay để tập trung trả nợ, ngay cả khi lãi suất xuống gần bằng 0 vào giữa thập niên 1990.
Vẫn còn lối thoát
Giờ đây, giống như Nhật Bản và các nền kinh tế châu Á khác trước đó, Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm trước nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Nhưng với nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, việc dựa vào xuất khẩu trở nên ít khả thi hơn.
Không những vậy, khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng tình trạng này có thể lan rộng sang nhiều lĩnh vực. Tương tự kịch bản này, vào những năm 1990, khi tập trung vào việc trả nợ, các tập đoàn của Nhật Bản đã hạn chế chi tiền cho đầu tư phát triển và lao động. Hiện tượng này làm giảm nhu cầu tổng thể. Khi chu kỳ cắt giảm ngày càng lớn hơn sẽ dẫn đến suy thoái. Bên cạnh đó, lạm phát chạm mức 0% vào tháng 6 và đang trên bờ vực giảm phát cũng là những chỉ dấu đáng lo.
Dấu hiệu khả quan cho Trung Quốc lúc này là dù hoạt động vay nợ của doanh nghiệp chậm lại đáng kể từ năm 2017 – 2018, nhưng chưa hiển hiện nguy cơ về tài chính như sau khi bong bóng giá tài sản của Nhật Bản vỡ. Và không giống như Nhật Bản trong những năm 1980, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến, tạo cơ hội cho tăng trưởng bắt kịp thông qua đầu tư vào con người và công nghệ cũng như thay đổi chính sách.
Ngoài ra, từ cuối những năm 1980, tỷ trọng xuất khẩu của Nhật Bản trên thế giới giảm dần. Nhưng Trung Quốc hiện nay thì tỷ trọng xuất khẩu vẫn chưa đạt đỉnh, dù đối mặt nhiều khó khăn. Từ bài học cũ, Trung Quốc cũng có thể rút ra kinh nghiệm hỗ trợ kích cầu tốt hơn, điển hình như gói kích thích mà nước này đưa ra gần đây, bao gồm cắt giảm thuế đối với việc mua ô tô điện và kéo dài thời hạn trả nợ đối với một số khoản vay bất động sản.
Đó chính là những yếu tố có thể giúp kinh tế Trung Quốc thoát khỏi “vòng xoáy” như Nhật Bản ngày trước.
T.P