Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLại “nóng” cuộc chiến công nghệ

Lại “nóng” cuộc chiến công nghệ

Washington vừa ký sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao, nhạy cảm ở Trung Quốc. Với động thái này, cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung có thể nóng trở lại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Sắc lệnh được ông Biden ký vào ngày 9/8, còn nóng hôi hổi. Theo đó, quyền của bộ trưởng tài chính Mỹ bỗng chốc phình to hơn nhiều: có quyền cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể Trung Quốc trong ba lĩnh vực gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Khổ cho bà Janet Yellen – bộ trưởng Tài chính Mỹ – người mà mới đầu tháng 7 vừa qua có chuyến công du tới Bắc Kinh 4 ngày với sứ mệnh “đặt mối quan hệ Mỹ – Trung vào một nền tảng vững chắc hơn”. Nhiều người còn nhớ, trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Bắc Kinh, dù thừa nhận “Mỹ và Trung Quốc có những bất đồng đáng kể”, tuy nhiên, bà Yellen đã vẫn tự tin và hào hứng nói: “Nhưng chúng tôi tin rằng thế giới đủ lớn để cả hai nước chúng ta cùng phát triển.”

Vậy mà bây giờ, cũng người phụ nữ quyền lực này lại phải làm việc bất đắc dĩ, có thể khiến không chỉ Bắc Kinh, mà dư luận quốc tế nói chung quy cho tội “nói một đằng, làm một nẻo” với thẩm quyền vừa được ông chủ Nhà trắng trao cho.

Thực ra, sắc lệnh nêu trên của ông Binden không phải mở ra một cái gì mới mẻ. Nó chỉ là sự kế tiếp những ngón đòn mà Washington nhằm vào Bắc Kinh từ thời ông Trump còn là chễm chệ trong Nhà trắng. Chỉ có điều, khác với sự cân nhắc thận trọng của vị tổng thống kế nhiệm nho nhã là ông Biden, ông Trump hành xử giật cục, thô lỗ hơn nhiều. Nói cách khác, đúng như có người ví von, ông Trump điều hành quốc gia như điều hành doanh nghiệp của nhà mình: thích là làm; thất thường, khó lường, khó đoán… Thế nên, thời ông Trump, cuộc chiến thương mại, rồi công nghệ với Trung Quốc từng có lúc căng như dây dàn. Cộng thêm vào đó những hậm hực, cay cú nhau về chuyện Biển Đông, chuyện Đài Loan, nhiều chuyên gia chính trị quốc tế đã không khỏi lo lắng nghĩ tới một thế giới bất an đến nơi rồi bởi hai ông lớn Mỹ và Trung Quốc xô xát, ẩu đả nhau là điều khó tránh.

May sao, vẻ như chính Washington “ngấm” những đòn trả đũa mạnh đến không ngờ của Bắc Kinh, cùng đó, là việc ông Trump ra khỏi Nhà trắng, đã khiến câu chuyện có chiều dịu lại.

Thì nay, lại tới lượt ông Biden…

Nói cho cùng, ông Biden cũng không thể hành xử khác được, nếu không muốn Mỹ mất địa vị cường quốc số 1 vào tay Trung Quốc. Có điều, hình thức nho nhã cùng cách hành xử kiệm lời, giàu hàm lượng văn hóa hơn hẳn so với người tiền nhiệm, đã khiến nhiều người nghĩ ông Biden yếm thế. Sau đó, sự nhầm lẫn này mới được hóa giải khi nhiều người choàng nhận ra rằng: ông Biden có thể ngã, có thể vấp đâu đó, nhưng trong cuộc đấu với Bắc Kinh, ông tỏ ra là một cao thủ với những bước đi chắc nịch.

Biết Trung Quốc có bước tiến vượt bậc về công nghệ, nhưng tới nay vẫn tụt hậu; tụt hậu nên thèm muốn nắm được hoàn toàn công nghệ bán dẫn và sản xuất chip bán dẫn, tháng 10 năm 2022, Washington xiết các quy định kiểm soát xuất khẩu mới, ngăn Trung Quốc có thể tiếp cận, mua các loại chip bán dẫn chế tạo bằng thiết bị của Mỹ trên toàn cầu – động thái khiến Bắc Kinh giãy lên đành đạch.

Biết Trung Quốc ranh mãnh, có thể len lỏi, lén lút “thuổng” công nghệ từ đâu đó, ngay đầu năm nay, Mỹ đã chủ động lôi kéo, thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản – những quốc gia nắm giữ các máy móc công nghệ cao về sản xuất chíp bán dẫn – phong tỏa xuất khẩu các loại máy móc này cho Trung Quốc…

Khi Trung Quốc định chơi đòn đất hiếm, biến tài nguyên mà Trung Quốc có trữ lượng lớn nhất thế giới thành vũ khí đối lại với Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến công nghệ, Mỹ lập tức lặng lẽ tìm kiếm các nguồn đất hiếm khác để tránh phụ thuộc vào Bắc Kinh…

Có lẽ vì thế, chữ ký mới nhất ban hành sắc lệnh hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao, nhạy cảm ở Trung Quốc đã lập tức nhận được sự hưởng ứng của chính giới Mỹ. Đến mức, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer đã ca ngợi sắc lệnh của Biden, rằng “trong một thời gian dài, tiền của Mỹ đã giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc”. “Hôm nay, Mỹ đang thực hiện bước đầu tiên mang tính chiến lược để đảm bảo đầu tư của Mỹ không dùng để tài trợ cho sự tiến bộ của quân đội Trung Quốc”.

Nói cách khác, dư luận Mỹ vốn phân tán quan điểm trong nhiều vấn đề, nhưng riêng những việc mà chính quyền Washington cho là cần làm để kiềm chế Bắc Kinh, thì người dân “xứ cờ hoa” lại thường rất tập trung và thuận lòng ủng hộ.

Phản ứng trước quyết định này, Bắc Kinh, thông qua cơ quan Đại sứ Trung Quốc tại Washington, nói, Bắc Kinh “rất thất vọng” với quyết định nói trên của Mỹ; đồng thời nhận định: quy định hạn chế này sẽ làm giảm một cách nghiêm trọng lợi ích của các công ty và nhà đầu tư của cả Mỹ và Trung Quốc.

Những lần trước, Trung Quốc thường sẵn sàng chơi kiểu “tất tay”, “ăn miếng trả miếng” luôn với Mỹ. Do vậy, cảnh báo trên của Bắc Kinh phát qua miệng một quan chức ngoại giao hạng tôm tép của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, chắc chắn chưa thể coi là cách phản ứng cuối cùng. Chính thế, sau sắc lệnh trên của Nhà trắng, đồ rằng, Trung Nam Hải đang đau đầu tìm cách đối phó.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới