Nga có thể trở thành nước đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công nhiệm vụ mà các quốc gia khác đều đánh giá là “rất phức tạp”.
Theo tờ Rossiyskaya Gazeta (Nga), 9 giờ 10 phút sáng 11/8 (theo giờ địa phương), tên lửa đẩy Soyuz-2 mang theo tàu thám hiểm Luna-25 đã được phóng đi từ sân bay vũ trụ Vostochny ở Vùng Amur. Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã phát sóng trực tiếp vụ phóng. Thời gian để Luna-25 di chuyển tới quỹ đạo Mặt trăng là gần 5 ngày.
Ông Alexander Bloshenko – một quan chức cấp cao của Roscosmos nói với tờ Rossiyskaya Gazeta rằng tàu thám hiểm Luna-25 sẽ ở lại trên Mặt trăng 1 năm để “lấy mẫu và phân tích đất”, cũng như “tiến hành các nghiên cứu khoa học dài hạn”.
“Vụ phóng lần này là nhiệm vụ đầu tiên trong chương trình Mặt trăng mới của Nga. Sứ mệnh đã được thực hiện bất chấp mối quan hệ đối tác suy yếu giữa Roscosmos và phương Tây” – ông Bloshenko cho hay.
Thực hiện điều ‘lần đầu tiên trong lịch sử’
Đưa tin về sứ mệnh lịch sử của Nga, hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc) nhấn mạnh tới sự phức tạp của nhiệm vụ lần này.
“Về phương diện hạ cánh, tàu Luna-25 có sự khác biệt với những mẫu tàu tiền nhiệm: Trong khi các tàu thám hiểm Mặt trăng của Liên Xô hạ cánh ở vùng xích đạo thì Luna-25 phải hạ cánh mềm ở quỹ đạo gần cực với địa hình phức tạp” – Xinhua cho hay.
Hãng thông tấn AFP của Pháp thì bình luận: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc đổ bộ sẽ được thực hiện ở cực nam của Mặt trăng. Trước đó, các phương tiện đều hạ cánh ở khu vực xích đạo”.
Cùng đề cao khía cạnh này, hãng tin Reuters (Anh) cho biết, Nga đang cố gắng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hạ cánh mềm xuống cực nam của Mặt trăng – khu vực được cho là ẩn chứa các túi nước đá đang được giới khoa học thèm muốn.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, ông Asif Siddiqi – Giáo sư lịch sử tại Đại học Fordham – nhận định, khao khát của Nga đối với Mặt trăng được liên kết với nhiều thứ khác nhau, trước nhất là thể hiện sức mạnh quốc gia trên trường quốc tế.
Nga hiện đang cạnh tranh với Ấn Độ sau khi quốc gia Nam Á phóng tàu thám hiểm Mặt trăng Chandrayaan-3 vào tháng trước. Xét ở phạm vi rộng hơn thì đối thủ của Nga còn có Mỹ và Trung Quốc – những quốc gia đang thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình thăm dò nhằm vào cực nam của Mặt trăng.
Tờ First Post cho biết, tàu Chandrayaan-3 cũng dự kiến hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng. Tuy nhiên, đại diện Roscosmos bày tỏ hy vọng tàu Luna-25 sẽ hạ cánh trước đối thủ Ấn Độ.
Trở lại đầy mạnh mẽ
Theo kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar, vụ phóng tàu thám hiểm Luna-25 của Nga đã “được thực hiện mà hoàn toàn không có sự trợ giúp của Cơ quan Vũ trụ châu Âu”, đồng thời lưu ý rằng trong quá khứ, mới chỉ có 3 quốc gia hạ cánh thành công trên Mặt trăng, bao gồm Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc.
Chia sẻ quan điểm trên kênh Al Jazeera, nhà báo Daniel Hawkins bình luận rằng sứ mệnh lần này đối với Nga “là sự trở lại mạnh mẽ về phía các chương trình không gian quy mô lớn sau quãng nghỉ ngơi khá dài”.
“Mọi người đều nắm rõ di sản to lớn mà Liên Xô đã để lại khi nói tới các sứ mệnh không gian” – Ông Hawkins nói.
“Tàu thăm dò Mặt trăng nên hạ cánh ở cực nam và tìm kiếm nước ở đó. Thông qua chuyến du hành vũ trụ với Luna-25, Nga muốn chứng minh mối liên hệ với thời Xô Viết” – Ấn phẩm Tagesschau của Đức nhận định.
Báo Pháp Le Figaro thì điểm lại thành công trước đây của hàng không vũ trụ Nga: “Lĩnh vực vũ trụ là nguồn tự hào lớn của Nga. Bằng cách phóng vệ tinh, Liên Xô đã đưa con vật đầu tiên (chó Laika), nam phi hành gia (Yuri Gagarin) và nữ phi hành gia (Valentina Tereshkova) đầu tiên vào quỹ đạo Trái Đất”.
Hãng tin CNN (Mỹ) dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) Bill Nelson chúc “mọi điều tốt đẹp nhất” đến với sứ mệnh của Nga, và lưu ý rằng NASA vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác với các đối tác Nga từ thời Liên Xô.
Ed Bloomer, nhà thiên văn học từ Đài quan sát Hoàng gia Anh ở Greenwich, cho biết: “Tàu thám hiểm Luna-25 cần lấy được mẫu đá và bụi trên Mặt trăng bởi chúng rất quan trọng trong việc tìm hiểu môi trường tại đây, nhất là trước khi con người tiến hành xây dựng bất kỳ căn cứ nào trên Mặt trăng. Nếu không, chúng ta có thể sẽ xây thứ gì đó và 6 tháng sau lại phải bỏ đi”.
T.P