Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNguy cơ tiền Việt Nam mất giá vào cuối năm

Nguy cơ tiền Việt Nam mất giá vào cuối năm

Đồng nội tệ của Việt Nam đang tiếp tục chịu áp lực mất giá trước thực trạng Fed tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp ngay trong những ngày đầu tháng 8/2023. Tiền đồng mất giá còn bởi Chính phủ và NHNN cố gắng cứu vớt tăng trưởng bằng nới lỏng tiền tệ, đưa lãi suất về mức thấp. Tuy nhiên, chính sách nới lỏng tiền tệ như liều thuốc giảm đau đang dần hết tác dụng và có thể sớm bộc lộ hậu quả khôn lường.

Tiền trong hệ thống ngân hàng đang dư thừa (ngắn hạn) nhưng doanh nghiệp không muốn vay vốn.

Áp lực mất giá
So với đồng bạc xanh (USD) của Mỹ, đồng nội tệ của Việt Nam (VND) mất thêm 0,19% giá trị trong 30 ngày qua và mất giá 1,48% so cùng kỳ năm 2023, theo số liệu từ Trading Economics.

Mức độ mất giá VND so với đồng nội tệ của một số nền kinh tế trong khu vực và thế giới là rất thấp; ví dụ, so với USD đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 7,15% so cùng kỳ, trong khi đồng Yên của Nhật (JPY) mất giá nhiều hơn, tới 8,29%, đồng nội tệ của Đài Loan mất giá 5,59%, theo số liệu từ Trading Economics ngày 10/8/2023.

Tuy nhiên, áp lực đồng nội tệ Việt Nam tiếp tục mất giá trong 5 tháng cuối năm 2023 ngày một lớn, đến từ cả trong và ngoài nước. Theo phân tích của NTDVN, dự kiến đồng VND có thể mất giá thêm 2%, thậm chí nhiều hơn nếu chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng, hy sinh tỷ giá để đổi lấy lãi suất thấp hơn nữa như chủ trương của Chính phủ hiện nay. Nếu tiếp tục nới lỏng, Việt Nam có thể phải trả giá không chỉ là tỷ giá mà còn là lạm phát (đã bắt đầu xu hướng tăng trong vài tháng gần đây) trong khi không thể đổi lấy tăng trưởng như kỳ vọng.

Có một số dấu hiệu sau cho thấy đồng nội tệ sẽ tiếp tục mất giá nhiều hơn nữa trong 5 – 6 tháng tới.

Thứ nhất, hiện chưa phải là mùa vụ, thời điểm nhu cầu ngoại tệ tăng vọt để nhập khẩu thương mại và nhập khẩu đầu vào sản xuất phục vụ Giáng sinh, tiêu dùng năm mới. Nhu cầu USD sẽ tăng cao hơn trong quý IV hàng năm, dù cầu thế giới suy giảm thì điều này vẫn diễn ra, dù ở mức độ ít áp lực hơn.

Thứ hai, USD tăng giá và lãi suất cao hơn lãi suất VND là một rủi ro lớn cho dòng vốn ngoại vào/ra khỏi Việt Nam.

Việc Mỹ tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp thúc đẩy giá USD tăng (hoặc duy trì ở mức khá cao, chỉ số DXY duy trì ở quanh mức 102 điểm); điều này thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ về USD. Đây cũng không phải là khó khăn của riêng Việt Nam. Vấn đề ở chỗ, đây là thời điểm hiếm hoi trong lịch sử, lãi suất điều hành của VND thấp hơn lãi suất đồng USD của Mỹ. Thực tế, đây là điều chưa từng xảy ra.

Khi VND đứng trước rủi ro lạm phát gia tăng trong khi lãi suất thấp, cầu toàn thế giới suy giảm, tiêu dùng trong nước giảm mạnh thì dòng vốn ngoại hoàn toàn có thể đảo chiều, rời khỏi quốc gia từ các tài khoản vốn (của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam), tìm nơi trú ẩn an toàn hơn ở đồng USD hoặc ở mẫu quốc.

Bài học từ thất bại của Trung Quốc
Đây cũng là điều đã xảy ra với Trung Quốc. Các biểu hiện tương tự như vậy ở Việt Nam bộc lộ chậm hơn Trung Quốc khoảng 1 năm.

Nền kinh tế Trung Quốc buộc phải nới lỏng tiền tệ để cứu vớt thanh khoản, chấp nhận kết quả thua cuộc trong cuộc chiến tranh tiền tệ giữa CNY và USD để tránh đổ vỡ nội bộ. Nhưng thực tế chứng minh rằng Trung Quốc không thể tránh được các đổ vỡ nội. Chính sách nới lỏng tiền tệ hết mức có thể của Trung Quốc (bất chấp rủi ro tháo chạy USD) ban đầu đã thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng (nhờ đòn bảy nợ) và thị trường BĐS bớt lao dốc. Nhưng bản chất của chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc tăng trưởng khi nền kinh tế đuối sức không khác gì liều thuốc giảm đau, nó không hề có tác dụng trị bệnh; đặc biệt căn bệnh đến từ cấu trúc kinh tế, từ thể chế bất cập như của Trung Quốc. Cơ thể kinh tế Trung Quốc rất ốm yếu đến mức GDP thấp nhất trong nhiều thập kỷ (không kể giai đoạn Covid), thất nghiệp thanh niên chiếm 20,8%, thất nghiệp toàn quốc trên 5%.

Dù nới lỏng tiền tệ hết mức, Trung Quốc hiện đang đang phải đối mặt với thực trạng nợ xấu bùng phát, thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu tan vỡ, thị trường BĐS lao dốc không phanh, đồng nội tệ mất giá tệ hại (hiện 1 USD đổi lấy 7.25 CNY), dòng vốn ngoại tháo chạy trong khi tăng trưởng không hề tăng như mục đích của chính sách tiền tệ tuyên bố.

Ngay khi Việt Nam giảm mạnh lãi suất chính sách lần thứ 3 liên tiếp hồi tháng 5/2023, NTDVN bình luận rằng chính sách này có thể sẽ không mang lại kết quả như kỳ vọng về tăng trưởng vì hai nguyên nhân: (i) nợ xấu và (ii) doanh nghiệp xác sống (được định nghĩa là các doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế và lãi không đủ để chi trả lãi vay trong ít nhất 2 năm liên tiếp).

Có vẻ như, chính sách tiền tệ nới lỏng khi chưa khoanh vùng được nợ xấu và doanh nghiệp xác sống (tồn tại nhờ vay nợ) sẽ khiến dòng vốn giá rẻ đổ vào khu vực không tạo thêm giá trị gia tăng này. Chưa kể, do gánh nặng nợ từ nợ xấu và doanh nghiệp xác sống, NHTM không thể hạ lãi suất cho vay tương ứng với lãi suất huy động. NHTM cần phải lấy doanh thu từ các doanh nghiệp tốt để nuôi các doanh nghiệp ‘xác sống’, các khoản nợ xấu chôn vùi trong các dự án BĐS dở dang…. Chính sách tiền tệ “cào bằng” như vậy chỉ tạm thời giúp NHTM giảm bớt “đau đớn” về thanh khoản và tìm ra cách thức để không phải chuyển nhóm nợ cho các khách hàng “yếu kém” của họ.

Ngoài ra tiền tệ nới lỏng quá mức khi doanh nghiệp không dám vay vốn để hoạt động kinh doanh khiến nền kinh tế đã ốm yếu lại bị bội thực (tiền). Tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng khoảng 3,36% trong 6 tháng đầu năm. Doanh nghiệp có dấu hiệu không muốn vay vốn vì tiêu dùng suy yếu, không có hợp đồng sản xuất.

Sau khi liều thuốc “mở rộng cung tiền” hết tác dụng, rủi ro của nền kinh tế có thể lớn hơn. Nếu như vấn đề của nền kinh tế chỉ là “cảm cúm” thì thuốc giảm đau (sốt) hiển nhiên có tác dụng. Nhưng nếu bệnh của nền kinh tế là nan y, là các vấn đề bất cân đối lớn trong cơ cấu kinh tế thì khi thuốc giảm đau hết tác dụng, vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Tiền đang đổ vào chứng khoán: Tốt hay Xấu?
Giống như Trung Quốc, tiền lãi suất thấp hơn đã thành công thúc đẩy chứng khoán tăng trở lại, nhưng hoàn toàn là tăng dựa trên đầu cơ, đòn bảy nợ, không phải tăng trở lại nhờ hàng hoá trên thị trường (là các doanh nghiệp) hấp dẫn hơn, sinh lời tốt hơn.

Theo một bài báo trên CafeF ngày 10/8/2023, TTCK Việt Nam dường như đang được thúc đẩy bởi nợ; vay margin đầu cơ chứng khoán đang đạt đỉnh lịch sử. Theo bài báo này, tại thời điểm cuối quý 2/2023, chỉ số VN-Index có mức điểm tương đương với vùng đỉnh cuối quý 1/2018. Tuy nhiên, tỷ lệ margin/vốn hóa thị trường hiện đã gấp hơn 2 lần. cuối quý 2/2023, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước tính lên đến 150.000 tỷ đồng, tăng 27.000 tỷ so với cuối quý 1. Trong đó, dư nợ margin cũng tăng khoảng 24.000 tỷ sau một quý, ước đạt 142.000 tỷ đồng.

Đây là dấu hiệu không tốt của bất kỳ nền kinh tế nào. Nó có thể tiếp tục tạo ra lạm phát trong tương lai. Lúc đó, dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ không còn dồi dào để “tiêm giảm đau” cho nền kinh tế thì “nỗi đau” sẽ lớn hơn.

Hơn nữa, rủi ro kinh tế Trung Quốc và Mỹ cũng như EU chưa qua đi, Việt Nam cũng cần tính tới khả năng phơi nhiễm với rủi ro khủng hoảng kinh tế đến từ các quốc gia này. Lý do là Việt Nam là nền kinh tế có độ mở (tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP) cao nhất trong số các nền kinh tế có quy mô tương đương trong khu vực và thế giới.

Tiền Trung Quốc mất giá, tiền đồng ‘lao đao’
Thứ ba, số liệu lịch sử trong một thập kỷ qua cho thấy mỗi khi CNY mất giá, đồng VND thường phải mất giá theo, dù mất giá với tốc độ thấp hơn.

Đồ thị trên cho thấy xu hướng mất giá của VND luôn song hành của CNY. Kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Việt Nam chiếm tới 33% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; quan hệ thương mại lớn nhất với Trung Quốc khiến giá trị VND cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định của CNY.

Giai đoạn đồng CNY mất giá mạnh mà đồng VND mất giá với tốc độ ít hơn được ghi nhận trong thời kỳ Việt Nam bắt đầu có thặng dư thương mại; tức là nguồn dự trữ USD tăng tốt hơn, cung USD trong nước dồi dào hơn (từ năm 2017 cho tới hết 2021). Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc phải đương đầu với Hoa Kỳ trong cuộc thương chiến. Như vậy, giai đoạn cân đối vĩ mô của Việt Nam tốt hơn (thặng dư thương mại tốt, tăng trưởng ổn định, dòng vốn FDI, FII tăng mạnh nhờ thương chiến Mỹ – Trung) thì đồng VND vẫn mất giá khi CNY mất giá, nhưng ổn định hơn, mất giá ít hơn nhờ nội lực mạnh hơn.

Giai đoạn 2022 cho tới nay Việt Nam đã đánh mất lợi thế này. Việc copy chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc đã khiến Việt Nam phải trả giá nặng nề về thương mạị, tăng trưởng, đầu tư FDI, thu hẹp sản xuất, tiêu dùng…. Sự suy yếu trong các cân đối vĩ mô, sự bất ổn từ bên ngoài khi Fed tăng lãi suất liên tiếp khiến đồng VND mất giá sốc cùng tốc độ với CNY của Trung Quốc vào tháng 10/2022. Năm 2022, mặc dù thặng dư thương mại 10 tỷ USD (mức lớn chưa từng có) nhưng dòng tiền USD phi chính thức rời khỏi Việt Nam mà không thể ghi nhận được (trên tài khoản Lỗi và Sai sót của bảng BOP) lên tới 15 tỷ USD. Đây là lý do cho thấy Việt Nam suy yếu năng lực bảo vệ đồng nội tệ của mình.

Năm 2023, cân đối vĩ mô của Việt Nam không tốt hơn 2022, thậm chí xấu hơn ở nghĩa vụ trả nợ nước ngoài quốc gia. Cho tới nay, 7 tháng đầu năm, Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 15,23 tỷ USD, theo VnEconomy. Tuy nhiên, chỉ trong quý 1/2023, tài khoản Lỗi và Sai sót ghi nhận 7,5 tỷ USD rời khỏi Việt Nam. Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối mỏng hơn năm 2022, dòng vốn FDI, kiều hối giảm tốc độ tăng khiến nguồn cung USD giảm. Trả nợ công và trả nợ nước ngoài quốc gia (bằng USD) cũng rất cao năm 2023. Theo Bộ Tài chính, trong năm 2023, dự báo nhu cầu vay nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vẫn ở mức cao, dự kiến mức rút vốn ròng trung, dài hạn khoảng 7.300 triệu USD, tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 23% so với cuối năm 2022.

Với cân đối vĩ mô như vậy, tiền đồng của Việt Nam có thể phải chứng kiến cú sốc cuối năm lớn hơn cả dự báo của NTDVN nếu diễn biến kinh tế Trung Quốc hoặc Mỹ trở nên tệ hơn. Hiện tại, đồ thị trên cho thấy tốc độ mất giá đồng CNY đã bỏ xa VND.

Có vẻ như, vấn đề tỷ giá, lạm phát đã manh nha xuất hiện trong nền kinh tế; nó là kết quả tất yếu của chính sách tiền tệ nới lỏng không hiệu quả do không đồng bộ với chính sách xử lý nợ xấu, xử lý doanh nghiệp “xác sống”, xử lý các dự án BĐS dở dang… Rất có thể liều thuốc giảm đau đang dần hết tác dụng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới