Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựVũ khí - Khí tàiLưỡng dụng hoá tên lửa VCM-01, Quân đội Việt Nam một công...

Lưỡng dụng hoá tên lửa VCM-01, Quân đội Việt Nam một công đôi việc…

Câu chuyện triển vọng của tên lửa hành trình VCM 01 do công nghiệp quốc phòng Việt Nam phát triển. Cho tới thời điểm này có thể khẳng định rằng dự án VCM 01 đang trong quá trình hoàn thiện phiên bản tổ hợp tên lửa bờ, với việc mới đây đài điều khiển hỏa lực của tên lửa đã lộ diện. Trong tương lai không xa có thể tổ hợp tên lửa VCM 01 sẽ được trang bị trên tàu chiến nội địa, và xa hơn nữa, có thể là sẽ tích hợp trên cả máy bay tiêm kích.

Tên lửa hành trình diệt hạm VCM-01 “Made in Vietnam”.

Tuy nhiên, câu chuyện ngày hôm nay chúng tôi muốn bàn luận với tất cả mọi người không phải là dự đoán các phiên bản của tên lửa VCM-01 mà sẽ là câu chuyện khai thác thêm chức năng của tên lửa ngoài vai trò chống hạm tàu mặt nước. Chúng tôi nghĩ tới điều này sau khi đọc được bài báo về xu hướng phát triển tên lửa tấn công mặt đất từ tên lửa hành trình chống hạm trong chuyên mục thông tin khoa học kỹ thuật quân sự của Tạp chí Kỹ thuật và Trang bị, một tạp chí chuyên ngành của Tổng cục Kỹ thuật số ra 271 xuất bản tháng 4/2023.

Thực sự là bỗng dưng quên mất chức năng đang ngày càng phổ biến trên thế giới: đúng theo câu nói “Một mũi tên trúng hai đích” tên lửa hành trình vừa làm nhiệm vụ chống tàu mặt nước, vừa có thể thực hiện đòn tấn công các mục tiêu giá trị cao nằm sâu trong đất liền của đối phương.

Đại tá Đặng Đồng Tiến, công tác tại Tạp chí Kỹ thuật và Trang bị, chia sẻ: Rất nhiều tên lửa chống tàu đang trở thành vũ khí uy lực trong tấn công các mục tiêu ven biển và trên đất liền. Mặc dù mục tiêu phát triển ban đầu đối với tên lửa này xuất phát từ yêu cầu tấn công tàu chiến ở bến cảng hay bờ biển, tên lửa chống tàu được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS), hỗ trợ định vị toàn cầu (GPS), đầu dò hồng ngoại và radar. Con đường phát triển của tên lửa chống tàu tương tự như hầu hết các thế hệ tên lửa hiện nay trên thế giới, cần hết sức lưu ý về mối nguy hiểm của tác chiến điện tử trong khi sử dụng tên lửa hành trình tấn công đất liền. Vì vậy, để tránh bị gây nhiễu hoặc mồi bẫy hệ thống GPS từ nguồn vệ tinh đơn lẻ, một số thiết bị thu trên tên lửa phải có khả năng khai thác tín hiệu từ hệ thống định vị khác.

Ngoài ra, một số quốc gia hiện đang phát triển công nghệ định vị vệ tinh có khả năng tác chiến trong môi trường bị chặn tín hiệu định vị toàn cầu. Thực ra, xu hướng này trên thế giới rất nhiều quốc gia đã triển khai các phương án như vậy được đánh giá là rất hiệu quả. Nổi bật trong xu hướng này là dòng tên lửa hành trình chống tàu Harpoon của Mỹ, được biết tới với vai trò là vũ khí chống hạm chủ lực trên hầu hết các chiến hạm của Mỹ cũng như Hải quân các nước đồng minh của Mỹ sử dụng hệ vũ khí chuẩn Mỹ. Nhưng ít ai biết rằng Harpoon còn được dùng để tấn công đối đất.

Ví dụ như thiết kế AGM-84E SLAM – phiên bản phóng từ trên không của tên lửa Harpoon – được phát triển và sản xuất từ đầu thập niên 90 cho nhiệm vụ tấn công mặt đất giá trị cao cũng như tàu đang đậu ở bến cảng. Để phục vụ cho vai trò này, SLAM được tích hợp các công nghệ dẫn đường thế hệ mới, bao gồm hệ thống định vị vệ tinh, đầu dò ảnh nhiệt hồng ngoại của tên lửa AGM-65F đã được sửa đổi, kênh liên kết dữ liệu với máy bay mô phỏng. Tuy nhiên, phiên bản này không thể tránh được chướng ngại vật trên hành trình tới mục tiêu, cho nên để đảm bảo độ chính xác, cần phải do thám kỹ càng hướng tiến công, đường đi của đạn, loại này nặng 627 kg, tầm bắn xa nhất 110 km, tốc độ 855 km/h. Có thể trang bị cho P-3C Orion, FA-18C.

Từ năm 2002 trở đi, các máy bay tiêm kích hải quân được trang bị thêm phiên bản AGM 84 HK SLAM R có khả năng tấn công hai nhóm mục tiêu mặt đất và mặt nước ở tầm bắn tới 270km. Nó được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh kết hợp với đầu dò ảnh nhiệt để định vị và điều khiển, SLAM R có thể được điều khiển từ xa khi đang trong hành trình có thể chuyển hướng tới mục tiêu khác nếu mục tiêu ban đầu đã bị tiêu diệt bởi đơn vị bạn hoặc không còn nguy hiểm. SLAM R được tuyên bố là thứ vũ khí vô cùng chính xác, chính xác nhất trong số các loại tên lửa đối đất mà hải quân Hoa Kỳ sử dụng.

Trên tàu chiến, từ phiên bản SLAM-ATA (Block 1G), loại tên lửa này có thể triển khai cho nhiệm vụ tấn công mặt đất với tính năng dẫn đường tương đương Tomahawk. Nó có thể so sánh hình ảnh mục tiêu với kho lưu trữ trong máy tính tích hợp để khóa mục tiêu ở khóa cuối. Ở Pháp họ đã phát triển thành công chức năng thứ hai với loại tên lửa ISOSET MM40 Block 3 từ năm 2004, nó tăng tầm bắn lên tới 180km so với 70km trước kia, có khả năng cơ động cao, hệ thống dẫn đường bao gồm đầu dò radar chủ động để giải quyết mục tiêu mặt nước và hệ thống dẫn đường vệ tinh cho phép tấn công các mục tiêu trên bộ, khiến nó đóng vai trò như một tên lửa hành trình đối đất.

Thụy Điển có phương án RBS 15MK3 cũng trải qua quá trình hiện đại hóa tương tự với việc trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp định vị toàn cầu, do đó nó có khả năng tấn công mục tiêu mặt đất với tầm bắn tới 200 km. Trên phương án RBS 15MK4 còn được trang bị hệ thống đối phó gây nhiễu tín hiệu GPS, nâng tầm bắn lên 300 km.

Phiên bản Teseo Evo thuộc dòng tên lửa hành trình chống tàu OTOMAT do Italia phát triển còn hay hơn nữa. Phiên bản này nâng tầm bắn lên 180km, được xếp vào loại vũ khí tiến công đất liền chiến lược khi mà nó được trang bị hệ thống dẫn đường kép bao gồm radar chủ động và đầu dò laser bán chủ động. Hệ thống sử dụng tín hiệu vệ tinh để tấn công mục tiêu cố định trong khi đầu dò laser cho phép nó tấn công mục tiêu cơ động như xe tăng, xe bọc thép hoặc các mục tiêu ngẫu nhiên trong trường hợp vị trí mục tiêu chưa được xác định ngay từ đầu. Dù vậy, lựa chọn này cần sự hỗ trợ khí tài chỉ thị mục tiêu laser để bắt bám, có thể triển khai bằng UAV hoặc bằng khí tài bổ trợ dưới mặt đất.

Tên lửa hành trình NSM của Na Uy cũng khá hay. Đây là ví dụ hoàn hảo với tên lửa thực hiện vai trò lưỡng dụng, tên lửa NSM khai thác đầu dò HR có làm lạnh lưỡng tần với phần mềm nhận dạng mục tiêu tự động, hệ thống dẫn đường pha giữa sử dụng định vị vệ tinh và định vị quán tính, đài đo độ cao laze, dữ liệu bản đồ số hóa lưu trên tên lửa. Trong quá trình thử nghiệm, độ chính xác đạt 0,6 m từ điểm ngắm, tầm bắn đến 200 km. Đó là của thế giới phương Tây.

Tháng 5/2022, quân đội Nga đã thành công trong việc sử dụng tổ hợp tên lửa hành trình P 800 Oniks tấn công mục tiêu mặt đất ở thành phố Oseta – Ukraine, qua đó chứng minh khả năng lưỡng dụng của tên lửa hành trình P 800 Oniks.

Dù vậy, theo một số phân tích, việc thiếu hệ thống dẫn đường vệ tinh ở pha giữa, phụ thuộc vào hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với radar chủ động ở khóa cuối, vốn không được tối ưu để tấn công mặt đất có thể dẫn tới việc nhầm mục tiêu. Sau đó, cần phải tính toán rất kỹ trước khi sử dụng.

Phương án BrahMos của Ấn Độ – thiết kế dựa trên P-800 – cũng có khả năng tấn công mặt đất và thực tế đã được trang bị trong các sư đoàn Pháo binh Lục quân bố trí trên hướng biên giới xung đột với Trung Quốc. Để thực hiện vai trò này, BrahMos được trang bị tổ hợp dẫn đường đa vệ tinh được thiết kế bởi Cục Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ. Mô-đun này khai thác các vệ tinh của Nga, Mỹ và của riêng Ấn Độ để hiệu chỉnh độ chính xác bên cạnh hệ thống định vị quán tính.

Sau cùng với loại của Trung Quốc, được biết một số tên lửa hành trình chống hạm của họ cũng có chức năng lưỡng dụng như kiểu C602 – trang bị cho tàu khu trục 052C – hay Ưng Kích-18 – trang bị cho tàu khu trục kiểu 052D và 055. Trong đó, Ưng Kích-18 là loại rất hiện đại, sử dụng hệ dẫn đường quán tính kết hợp định vị vệ tinh Bắc Đẩu để lấy dữ liệu và có nguồn tin cho rằng chúng có khả năng tấn công trạm radar ở cự ly ngắn.

Nhìn chung, từ các ví dụ trên có thể thấy, có ít nhất 3 phương án lưỡng dụng tên lửa hành trình chống tàu, tập trung chủ yếu vào việc sửa đổi hệ thống dẫn đường trong khi giữ nguyên thiết kế đạn bao gồm động cơ, bố trí cánh lái, đầu đạn:

Một đó là sử dụng thuần hệ thống định vị toàn cầu kết hợp định vị quán tính để xác định mục tiêu cần tấn công. Nói nôm na, nguyên lý của nó cũng như sử dụng bom định vị vệ tinh: tọa độ mục tiêu được tải vào đạn trước khi triển khai hoặc được nhập thông qua kênh liên kết dữ liệu từ phương tiện phóng tới tên lửa.

Hai là sử dụng kết hợp định vị quán tính – định vị toàn cầu ở pha giữa cùng hệ thống dẫn đường pha cuối sử dụng cảm biến hồng ngoại, cảm biến laser bán chủ động hoặc là hệ thống so sánh biến dạng địa hình. Càng kết hợp nhiều thứ thì càng tăng độ chính xác khi tấn công mục tiêu mặt đất. Phương án này có thể phù hợp với các nước sở hữu hệ thống định vị toàn cầu hoặc các nước được khai thác giới hạn hệ thống định vị toàn cầu GPS, cho nên sử dụng để hiệu chỉnh đường bay ở pha giữa. Pha cuối sử dụng thêm các biện pháp hiệu chỉnh.

Ba là sử dụng thuần hệ thống định vị quán tính có hoặc không có cảm biến hồng ngoại, laze và pha cuối. Ví dụ điển hình đó là khi Nga sử dụng hệ thống tên lửa hành trình chống tàu KH-22 cho nhiệm vụ tấn công đối đất ở Ukraine. Việc xác định mục tiêu mặt đất chỉ có thể dựa vào hệ thống định vị quán tính, khiến độ chính xác không thể tuyệt đối và được bù trừ bằng đầu đạn nặng 1 tấn chứa 600 kg thuốc nổ. Nhưng nó cũng gây ra những hậu quả không đáng có đối với khu vực xung quanh mục tiêu.

Về khái niệm, hệ thống định vị quán tính (IMS) là thiết bị sử dụng cảm biến chuyển động, gia tốc kế, cảm biến con quay hồi chuyển và máy tính để tính toán liên tục bằng cách tính toán chết vị trí, hướng, vận tốc của một đối tượng chuyển động mà không cần tham chiếu bên ngoài.

Trở lại với tên lửa hành trình VCM 01 của Việt Nam, lưỡng dụng hóa chức năng của chúng liệu có khả thi không? Đương nhiên là hoàn toàn khả thi bởi mấu chốt của vấn đề như đã nói ở trên chỉ là việc thay thế hoặc bổ sung hệ thống dẫn đường để phục vụ tấn công mặt đất. Tất nhiên, đây cũng là bài toán hóc búa đối với đội ngũ kỹ sư làm nhiệm vụ phát triển VCM 01 của Viettel.

Cần biết rằng tiềm lực của nước ta hiện nay, việc xây dựng hệ thống định vị toàn cầu khó khăn tựa như hái sao trên trời. Thực tế chỉ có Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc từng xây dựng được hệ thống định vị toàn cầu hoàn chỉnh. Nước Nga hiện nay kế thừa hệ thống định vị toàn cầu GLONASS của Liên Xô nhưng đang gặp vấn đề về kinh phí để duy trì, thay thế các vệ tinh hết hạn sử dụng. Thành ra mức độ sử dụng GLONASS hiện không rõ ràng. Cả Liên minh châu Âu mới xây dựng được một hệ thống gọi tắt là Galileo bao gồm 30 vệ tinh ở quỹ đạo tầm trung 23.222 km. Khác với Nga và Mỹ, Galileo được vận hành hoàn toàn theo tổ chức dân sự. Dĩ nhiên, chúng được cung cấp cho bên quân sự với yêu cầu về độ bảo mật, độ tin cậy cao.

Mặc dù các hệ thống như GPS của Mỹ cũng được cung cấp cho các tổ chức dân sự nhưng với sai số khá cao. Bên cạnh đó, việc ứng dụng cho mục đích quân sự mà không có sự cho phép từ Mỹ có thể dẫn tới khả năng họ khóa tín hiệu từ quốc gia đó cũng như thực hiện các biện pháp gây nhiễu. Vì vậy, chúng tôi tin rằng: Cơ chế dẫn đường của tên lửa hành trình chống tàu VCM 01 sẽ là sự kết hợp giữa hệ thống định vị quán tính và radar chủ động ở pha cuối. Tương tự, các tên lửa hành trình của ta hiện nay như UH35, P800 Oniks, P28M, P21 22 cũng sử dụng phương pháp tương tự.

Với tên lửa VCM 01, chúng tôi tin rằng giải pháp phù hợp nhất là việc sử dụng phù hợp chung hệ thống định vị quán tính ở pha giữa kết hợp một cảm biến hồng ngoại ở pha cuối. Hiện nay, đã ghi nhận việc nền công nghiệp quốc phòng nước ta có một số thành tựu trong việc phát triển các cảm biến hồng ngoại, đó có thể là cơ sở để phát triển phương tiện dẫn đường cho tên lửa hành trình. Hoặc cao cấp hơn là sử dụng hệ thống dẫn đường so sánh biên dạng địa hình Intercom, sử dụng bản đồ đường viền của địa hình với các phép đo được thực hiện trong chuyến bay bằng máy đo cao vô tuyến, hệ thống Intercom làm tăng đáng kể độ chính xác của tên lửa sử dụng INS. Độ chính xác tăng lên cho phép tên lửa bay gần chướng ngại vật ở độ cao thấp hơn, khiến nó khó bị phát hiện và khó bị đánh chặn.

Thứ hai là kết hợp với hệ thống nhận diện mục tiêu qua giao thức DMAC – so sánh ảnh quang học kỹ thuật số về vị trí mục tiêu mà nó tấn công. Tất nhiên, các hệ thống này đòi hỏi trình độ kỹ thuật công nghệ rất cao, với nhiều yêu cầu khắt khe, và việc làm được hay không cho tới nay còn chưa có thông tin cụ thể. Về tham số của VCM-01 thì cũng khó mà đoán được, nhưng nhìn chung thì việc phát triển phiên bản tên lửa hành trình đối đất từ tên lửa chống tàu hoặc tên lửa hành trình lưỡng dụng là xu thế phát triển tất yếu. Chúng tôi tin rằng, với khả năng cập nhật công nghệ mới theo phương châm “đi tắt – đón đầu”, Viettel nói riêng và Quân đội ta nói chung sẽ nghiên cứu cả giải pháp này.

Khi nhập khẩu tàu ngầm Kilo, chúng ta đã trang bị tổ hợp tên lửa hành trình Kalib với phương án tên lửa hải đối đất 3M-14e, tầm bắn 290-300 km. Rõ ràng ta đã có sự nghiên cứu chi tiết trước khi đặt bút ký hợp đồng. Thành thực mà nói, cuộc chiến hải quân hiện nay không chỉ ở trên mặt biển mà cả trên đất liền. Tên lửa hành trình đối đất có thể vô hiệu hóa các tổ hợp tên lửa bờ, kho tàng, bến bãi, căn cứ hậu cần ven bờ hoặc mục tiêu như doanh trại, bộ chỉ huy nằm sâu trong đất liền. Có thể nói, bộ não chỉ huy có giá trị hơn cả một chiếc tàu khu trục, tàu tuần dương trong một trận quyết chiến. Mà để làm được điều đó, ngoài việc sử dụng máy bay có thể sử dụng các trận tập kích bằng tên lửa hành trình tầm xa. Giả định các tàu tên lửa của ta ngoài vai trò chống tàu mặt nước có thể đảm trách thêm vai trò tấn công mặt đất, đánh vào các mục tiêu trọng yếu trên các điểm đảo của đối phương vào các mục tiêu căn cứ quan trọng ở ven bờ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới