Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao TQ thúc đẩy sáng kiến Phát triển Toàn cầu?

Vì sao TQ thúc đẩy sáng kiến Phát triển Toàn cầu?

Trong khi sáng kiến Vành đai, con đường (BRI) đang có phần mờ nhạt thì sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) của Trung Quốc lại đang thu hút sự chú ý.

Ảnh minh họa

Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố lần đầu tiên tại kỳ họp lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2021 nhằm “định hướng sự phát triển toàn cầu hướng tới một giai đoạn mới của tăng trưởng cân bằng, phối hợp và bao trùm”. Để hỗ trợ việc thực hiện sáng kiến này, năm 2022, Trung Quốc đã công bố 32 hành động cụ thể và đến nay một nửa trong số đó đã được hoàn thành.

Tính đến nay, có hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế thể hiện sự ủng hộ với GDI và gần 70 quốc gia đã tham gia Nhóm những người bạn của GDI. Trung Quốc cũng đã ký các Biên bản ghi nhớ về hợp tác với gần 20 quốc gia và tổ chức quốc tế trong vấn đề này. Hiện GDI có gần 200 dự án và đang được tiếp tục mở rộng. Trung Quốc cũng đã thành lập Quỹ Hợp tác Nam-Nam và Phát triển Toàn cầu, đồng thời tăng số vốn lên 4 tỷ USD.

Tạp chí Diplomat đánh giá, trong bối cảnh GDI gây chú ý thời gian qua thì sáng kiến Vành đai, con đường (BRI) dường như lại đang dần lu mờ, nếu không muốn nói là đang dần bị thay thế. Vì sao Trung Quốc lại thúc đẩy GDI?

Bối cảnh ra đời và phát triển của GDI và BRI

Một là, bối cảnh kinh tế quốc tế tại thời điểm sáng kiến BRI và GDI được đưa ra là khá khác nhau. BRI ra đời năm 2013, vào cuối thời kỳ bùng nổ hàng hóa khi thương mại với các nước đang phát triển đạt đến đỉnh cao trong khi phần còn lại của thế giới đang vật lộn để phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự sụt giảm sau đó của giá hàng hóa đã làm suy yếu đòn bẩy kinh tế mà Trung Quốc đã sử dụng để tiếp cận nguyên liệu thô và phát triển thị trường cho các sản phẩm sản xuất của mình. Do đó, BRI là phương tiện để Bắc Kinh vun đắp mối liên kết với khu vực Nam bán cầu.

Ngược lại, GDI được triển khai vào thời điểm đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, dịch bệnh không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn khiến nhiều dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến BRI bị đình trệ. Theo một cuộc khảo sát vào giữa năm 2020, 20% dự án BRI được báo cáo là bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Vào năm 2021, các khoản đầu tư liên quan đến BRI đã giảm xuống còn 56,5 tỷ USD từ mức 60,5 tỷ USD vào năm 2020. Trong bối cảnh BRI bị mất đà, Trung Quốc đã kịp thời triển khai GDI – một sáng kiến phát triển mới theo một cách tiếp cận hoàn toàn khác, ít phụ thuộc vào xây dựng cơ sở hạ tầng hạng nặng.

Hai là, bối cảnh địa chính trị cũng thay đổi rõ rệt giữa thời điểm ra mắt hai sáng kiến. BRI được khởi động trong bối cảnh Mỹ triển khai chiến lược “xoay trục sang châu Á” với việc chuyển sự chú ý từ Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, GDI được thành lập trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt và sau khi Mỹ công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hơn nữa, Mỹ và đồng minh đã “để mắt” tới BRI và tìm ra các sáng kiến để đối trọng với BRI như sáng kiến B3W và Cổng Toàn cầu nhằm khẳng định sức mạnh của Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu.

Ba là, BRI và GDI cũng xuất hiện từ những cân nhắc khác nhau chính trong nội tại Trung Quốc. GDI xuất hiện vào thời điểm vấn đề thâm hụt ngân sách của chính phủ Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn, với mức nợ tăng từ 2,1% GDP năm 2013 lên 8,6% GDP năm 2020 trước khi giảm nhẹ xuống 6,1% GDP năm 2021. Thâm hụt ngân sách gia tăng đã cản trở khả năng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI.

Nói rộng hơn, GDI nằm trong khuôn khổ Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, trong đó kêu gọi chuyển từ đầu tư tài sản cố định vào các dự án đầu cơ và không bền vững sang các dự án bền vững hơn và có lợi nhuận hơn, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng đổi mới, thông tin và tích hợp. Do đó, việc Trung Quốc chuyển hướng sang nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế bền vững trong nước và theo đuổi tiêu dùng nội địa cao hơn theo chiến lược kinh tế “Tuần hoàn kép” cũng như các tác động từ vấn đề tài chính ngày càng trầm trọng đã tạo ra động lực để nước này triển khai GDI.

Bốn là, địa điểm khởi động 2 sáng kiến khác nhau về mặt biểu tượng. Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa được đề xuất ở Kazakhstan và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 lần đầu tiên được nêu ra ở Indonesia – cả hai quốc gia này đều đang phát triển. Ngược lại, GDI đã được ông Tập Cận Bình công bố tại kỳ họp lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Có thể thấy, việc Liên Hợp Quốc trở thành cơ sở ban đầu cho GDI thể hiện mong muốn của Bắc Kinh – ít nhất là theo giá trị bề ngoài – nhằm biến sáng kiến này thành một thỏa thuận đa phương, nhất là trong bối cảnh các nước đẩy mạnh hội nhập như hiện nay. Điều này đặc biệt quan trọng vì BRI thường bị chỉ trích là lấy Trung Quốc làm trung tâm, ưu tiên chủ nghĩa song phương.

Cơ chế hoạt động khác nhau

Một là, GDI khác với BRI không chỉ về nền tảng mà còn về cách thức vận hành của nó. Trong khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tham gia vào hầu hết các chính sách liên quan đến BRI thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại đi đầu trong việc xây dựng các tài liệu liên quan đến GDI.

Đối với BRI, mặc dù Ban Thư ký điều phối BRI nằm trong Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, nhưng có nhiều tổ chức tham gia. Chính điều này đã khiến cho BRI không có sự phối hợp thống nhất, việc triển khai chính sách bị rời rạc, không mang tính hệ thống, dẫn đến nhiều bất cập.

Đối với GDI, theo danh sách các dự án đợt đầu của Nhóm dự án GDI, Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các dự án liên quan đến GDI về giảm nghèo, ứng phó với đại dịch, an ninh lương thực, hành động khí hậu và kinh tế kỹ thuật số. Mặc dù Cơ quan này vốn được thành lập năm 2018 để giúp thúc đẩy BRI, nhưng lại hoạt động chưa hiệu quả. Hiện nay, Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc đang thể hiện vai trò nổi bật trong việc triển khai các dự án GDI.

Hai là, chủ nghĩa đa phương và sự tham gia của xã hội dân sự được đánh giá cao hơn trong các dự án liên quan đến GDI. Điều này có thể được phản ánh trong sự hợp tác rộng rãi với các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc trong việc thực hiện các dự án hoặc thiết lập các nền tảng đa phương để phát triển hay Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ quốc tế về hợp tác giảm nghèo.

Ba là, GDI và BRI tập trung vào các lĩnh vực vấn đề riêng biệt. Bắc Kinh đã trở nên thận trọng hơn về tài chính cho cơ sở hạ tầng do những khó khăn kinh tế của chính họ, các vấn đề liên quan đến trả nợ và lợi nhuận kinh tế thấp từ các dự án BRI cũng như việc quản trị và tham nhũng từ các đối tác tham gia sáng kiến này. Tuy nhiên, trái ngược với BRI, GDI cho đến nay đang tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy phát triển, tức là giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó với đại dịch, biến đổi khí hậu và phát triển xanh, công nghiệp hóa, kinh tế kỹ thuật số và kết nối.

Bốn là, kế hoạch tài trợ cho cả hai sáng kiến đều khác nhau. Trong khi BRI được tài trợ bởi một loạt các bên bao gồm ngân hàng chính sách Trung Quốc, ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển đa quốc gia và quỹ đầu tư quốc gia, GDI dường như chủ yếu dựa vào Quỹ Hợp tác Nam-Nam và Phát triển Toàn cầu (GDSSCF), một phiên bản nâng cấp của Quỹ hỗ trợ SSC trước đây hợp tác với Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).

Theo Báo cáo tiến độ năm 2023 về GDI, GDSSCF có số vốn lên tới 4 tỷ USD. Ngoài ra, nguồn tài chính cho BRI liên quan đến sự kết hợp của các khoản tài trợ, khoản vay không lãi suất và/hoặc ưu đãi, trong khi nguồn tài trợ từ GDSSCF có hình thức tài trợ. Các chuyên gia cho rằng, GDSSCF có thể giải quyết những chỉ trích liên quan đến viện trợ nước ngoài truyền thống của Trung Quốc cho các nước đang phát triển, đó là tham nhũng, thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Có thể thấy rằng, BRI vẫn tiếp tục tồn tại trong thời gian ngắn bởi đã được đưa trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời đã, đang và sẽ phục vụ các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trong việc vươn tầm ảnh hưởng toàn cầu. Trong khi đó, sự phát triển và mở rộng của GDI có thành công được hay không và liệu rằng nó có thể thay thế được BRI hay không vẫn cần phải theo dõi và kiểm chứng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới