Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững bức tường mang tính biểu tượng

Những bức tường mang tính biểu tượng

Triều Tiên ngày càng xích lại gần Nga và Trung Quốc nhằm đối đầu với phương Tây, đó là một lẽ tự nhiên trong quan hệ quốc tế.

Lâu nay các nước lớn luôn luôn coi bán đảo Triều Tiên như một quân cờ trong nỗ lực thống trị Đông Bắc Á. Từ đây xuất hiện cuộc giằng co trong nhiều thế kỷ. Không phải đợi sang thế kỷ XXI mà từ hàng nghìn năm nay đã có sự giằng co này, với sự tham gia của các triều đại nhà Thanh, nhà Minh, Đế chế Nga, Đế chế Nhật Bản và Mỹ, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, và Liên Xô.

Thế nhưng, trong mấy năm trở lại đây, theo các nhà phân tích, không rõ vì sao cả Trung Quốc và Triều Tiên đều cùng tập trung xây dựng các bức tường rào kiên cố tại biên giới hai nước. Trung Quốc còn coi đây như là “Vạn lý Trường thành” thời hiện đại để giữ vững hòa bình, an ninh.

Thông tin mà chúng tôi nắm được, Triều Tiên đã và đang xây dựng hàng trăm km hệ thống tường rào, bốt canh ở biên giới phía bắc giáp với Trung Quốc và Nga. Những bức tường này không chỉ trải dọc biên giới dài 840 dặm (hơn 1.300 km) với Trung Quốc mà cả đoạn 10 dặm (16 km) giáp Viễn Đông của Nga. Ngạc nhiên hơn, tổ hợp hàng rào-tường-bốt gác được khởi công từ năm 2020, vào lúc đỉnh dịch Covid-19, bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc, tính mạng con người bị đe dọa, kinh tế điêu đứng. Mà “tường” thì không thể ngăn được con virus quá nguy hiểm này (!).

Điều đáng chú ý là, hệ thống tường-rào-bốt gác ở đây dày đặc, chưa từng có ở bất cứ biên giới quốc gia nào. Theo dữ liệu tin cậy, ngày 16/11/2019, rẻo biên giới Triều Tiên – Nga hầu như còn trống trơn, vậy mà đến ngày 13/12/2022, đã có hai lớp rào và dường như kèm trạm gác. Con đường biên giới truyền thống đã bị xóa sổ.

Phía Triều Tiên trả lời chung chung là xây tường biên giới kiên cố chống vượt biên trái phép, chống buôn lậu và nạn buôn người. Có phải vì thế mà từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền (năm 2011), số người Triều Tiên trốn ra nước ngoài giảm hẳn. Tính từ khi bắt đầu làm tường rào biên giới, năm 2020, số người Trung Quốc đào tẩu sang Hàn Quốc là 229, năm 2022 chỉ còn 67.

Thế nhưng, chống vượt biên lại không phù hợp với chính sách của Trung Quốc. Hãy quan sát dọc biên giới, đoạn từ cửa sông Áp Lục trên vịnh Triều Tiên ở phía tây đến ngã ba Trung-Triều-Nga phía đông, Trung Quốc đã từng chủ động dựng rào từ 2003, sau khi chuyển nhiệm vụ tuần tra từ công an sang quân đội. Thời đó, hàng rào chỉ lác đác, mỗi chỗ vài chục cây số. Trung Quốc còn dựng lên những trại đón người Triều Tiên sang cư trú, ở huyện Trường Bạch, tỉnh Cát Lâm.

Vậy nên, bức tường ngày càng dài, càng kiên cố được xây lên dọc “biên giới hữu nghị” là câu hỏi hết sức bí hiểm. Trước đó, Trung Quốc cũng đã nỗ lực trong việc xây dựng hàng rào biên giới dài 1.400km với Triều Tiên. Có điều, tại những khu vực không có hàng rào luôn là nơi những người Triều Tiên có thể dễ dàng “trốn” qua.

Không chỉ xây tường rào kiên cố ở biên giới với Triều Tiên, Trung Quốc cũng đã xây tường rào biên giới với Việt Nam và Myanmar. Từ năm 2012 đến năm 2017, một hàng rào sắt cao 4,5 m với thép gai, camera an ninh đã được dựng lên suốt 12 km theo sông Ka Long, Quảng Ninh, dọc theo biên giới với Việt Nam. Việc xây dựng vẫn tiếp tục cho đến hiện nay.

Còn nơi giáp ranh giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và bang Shan ở phía bắc Myanmar, xuất hiện hàng rào dài 659 km trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Phía Trung Quốc cho hay, việc này nhằm chống dịch, cũng như ngăn chặn việc buôn lậu hàng hóa, ma túy.

Từ chuyện xây tường ngăn cách chúng tôi nghĩ về chuyện xích lại gần nhau giữa các quốc gia láng giềng. Trong hơn ba thập niên vừa qua, kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Triều Tiên ngày càng bị cô lập. Trong khi đó hai cường quốc Trung Quốc và Nga đều tìm kiếm quan hệ với phương Tây cũng như với Hàn Quốc. Triều Tiên bị cô lập giống như một ốc đảo.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ thực hiện chính sách đơn cực, khiến cả Nga và Trung Quốc đều ít quan tâm đến việc phản đối mong muốn của Mỹ muốn hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, một chương trình được coi là phương tiện bảo đảm sự sống còn của Bình Nhưỡng.

Thế nhưng, hiện nay tình hình mới đã xuất hiện. Nga và Trung Quốc, nhận thấy, Triều Tiên chính là vật cản không thể thiếu về mặt chiến lược trước sức mạnh và tầm ảnh hưởng quân sự của Mỹ trên chính lãnh thổ của Nga, nhất là trước các nước láng giềng được Mỹ hậu thuẫn (như Nhật Bản).

Giờ đây, sự hiện diện của một nước Triều Tiên sở hữu cả bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa chính là vũ khí lợi hại khiến Mỹ không thể chủ quan. Nếu “cái gai” này được dỡ bỏ, sức mạnh Mỹ sẽ được nhân lên. Muốn hạ gục Mỹ thì cần lợi dụng con bài Triều Tiên. Cho nên không phải ngẫu nhiên, khi Mỹ yêu cầu có thêm một Nghị quyết các lệnh trừng phạt mới áp lên Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm 2022, thì cả Nga và Trung Quốc đã lắc đầu. Đây là lần đầu trong 15 năm hai cường quốc phủ quyết đề xuất này của Washington.

Tóm lại, Nga và Trung Quốc đều muốn “làm sâu sắc” quan hệ quân sự và kinh tế với Triều Tiên, chủ yếu vì giá trị về chiến lược và chính trị của quốc gia này.

Có nhà bình luận đã nói rất hay rằng, lịch sử đã hoàn thành một vòng tròn khép kín. Từ đây, “chính trị chia khối” xuất hiện khi Mỹ củng cố các đồng minh của mình để đối đầu với Nga và Trung Quốc cùng các “chư hầu” kiểu Triều Tiên.

Thế cho nên bức tường biên giới giữa Triều Tiên-Trung Quốc- Nga là những bức tường mang tính biểu tượng. Nó mang tính an dân là chính. Còn một khi các liên minh (dẫu tạm thời) đã gắn kết cùng nhau thì việc dẹp vấn nạn buôn lậu, buôn người, buôn ma túy… dễ như trở bàn tay.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới