Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ bán ô tô nhiều nhất toàn cầu: Khi ‘thiên thời địa...

TQ bán ô tô nhiều nhất toàn cầu: Khi ‘thiên thời địa lợi nhân hòa’

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu 2,34 triệu xe ô tô, vượt qua Nhật Bản với 2,02 triệu xe, trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.

Ô tô chuẩn bị được xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông,Trung Quốc vào ngày 21/7/2023.

Đây là lần đầu tiên số xe ô tô xuất khẩu trong 6 tháng của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản. Trước đó, trong quý I, Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản về xuất khẩu ô tô theo quý, trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất toàn cầu. Trước đó, Trung Quốc đã lần lượt vượt Hàn Quốc và Đức trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn thứ ba và thứ hai thế giới vào năm 2021 và 2022.

Trong tháng 7, số lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc cũng đã tăng 63% so với một năm trước lên 310.000 xe, nâng tổng số lên 2,65 triệu chiếc trong 7 tháng, theo số liệu của Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA).

CPCA cho biết, tính riêng các thương hiệu nội địa Trung Quốc chiếm 248.000 chiếc, tương đương 80% số xe ô tô xuất khẩu trong tháng 7.

Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất toàn cầu là hoàn toàn có thể đoán trước. Trong đó, có hai nguyên nhân chính khiến xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng mạnh trong năm nay, đó là doanh số bán xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống tăng đáng kể tại thị trường Nga. Bên cạnh đó, xe năng lượng mới xuất khẩu ngày càng nhiều sang thị trường châu Âu và Đông Nam Á.

Chiếm lĩnh thị trường Nga
So với cùng kỳ năm ngoái, thị phần ô tô Trung Quốc tại thị trường Nga đã tăng từ 10,6% lên 46% và dự kiến sẽ tăng lên tới 60% trong năm nay.

Những hạn chế về kinh tế và áp lực chính trị đã khiến nhiều nhà sản xuất ô tô gặp khó khăn trong việc tiếp tục hoạt động tại Nga trong năm 2022. Điều này đã khiến các nhà sản xuất ô tô của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản rút lui khỏi thị trường Nga hoặc tạm dừng giao xe và linh kiện, ngừng sản xuất ở nước này vô thời hạn. Ô tô Trung Quốc nhờ đó đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Nga.

Theo số liệu vừa được Otkritie Auto, đơn vị kinh doanh ô tô thuộc Ngân hàng Otkritie của Nga, công bố, 168.000 ô tô Trung Quốc đã được bán tại Nga trong nửa đầu năm nay, nhiều hơn con số 162.000 trong cả năm 2022. Con số này ước tính sẽ đạt 380.000 đến 400.000 cho tới cuối năm.

3 trong 4 hãng ô tô bán chạy nhất tại Nga trong 6 tháng đầu năm 2023 là Chery, nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ hai trên toàn thế giới của Trung Quốc, Geely và Great Wall. Các hãng xe này chỉ đứng sau hãng ô tô nội địa Lada với doanh số 143.618 xe.

Tăng cường phát triển xe điện
Xe điện đã nổi lên như một lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc mong muốn khẳng định mình là quốc gia dẫn đầu toàn cầu, phần lớn nhờ vào “sự thống trị” của nước này đối với chuỗi cung ứng pin.

Là thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới, Trung Quốc hiện có khoảng 200 nhà lắp ráp xe điện đang cạnh tranh với nhau để phát triển những chiếc xe thông minh và than thiện với môi trường.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu 800.000 chiếc xe năng lượng mới, tăng 105% so với cùng kỳ, chiếm 34% tổng lượng xe xuất khẩu.

CPCA không tiết lộ số lượng xe điện xuất khẩu trong tháng 7, nhưng Canalys dự đoán rằng doanh số bán xe điện thuần túy và xe hybrid cắm điện ở nước ngoài của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 1,3 triệu chiếc vào năm 2023, gần gấp đôi so với con số 679.000 chiếc của năm ngoái.

Các thương hiệu xe điện Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh hoạt động ra nước ngoài, không chỉ nhắm tới các thị trường mới nổi mà cả các thị trường phương Tây nơi cạnh tranh khốc liệt.

Xpeng và Nio, hai nhà sản xuất xe điện trẻ của Trung Quốc, đã bắt đầu mở rộng hoạt động quốc tế của họ ở châu Âu. BYD, “gã khổng lồ” sản xuất xe hybrid và pin, hiện đang thiết lập dấu ấn cho xe tiêu dùng của mình ở hầu hết mọi thị trường đang phát triển nhanh và nền kinh tế lớn ngoại trừ Mỹ.

Zeekr, công ty con EV thuộc nhà sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Trung Quốc Geely, đã công bố kế hoạch ra mắt tại Tây Âu và Trung Á, và đang thử nghiệm tại thị trường Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các khoản trợ cấp và hỗ trợ chính sách hào phóng để phát triển lĩnh vực xe điện.

Ông Gao Shen, một nhà phân tích độc lập tại Thượng Hải, cho biết: “Các nhà sản xuất ô tô duy trì quỹ đạo tăng trưởng xuất khẩu và nhu cầu ngày càng tăng đối với xe Trung Quốc đang khuyến khích các nhà lắp ráp đẩy mạnh sản xuất”.

Một số nhà lắp ráp tại Trung Quốc, thị trường xe tay lái bên trái, đang tiến hành lắp ráp xe tay lái bên phải để xuất khẩu. Hozon New Energy Automobile của Thượng Hải và Great Wall Motor ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, tuần trước đã công bố kế hoạch xuất khẩu các phương tiện lái bên phải đến Indonesia.

Thị trường xuất khẩu chính của xe năng lượng mới Trung Quốc là Tây Âu và Đông Nam Á. Hai năm trở lại đây, các quốc gia ở Tây và Nam Âu như Bỉ, Tây Ban Nha, Slovenia và Anh đã trở thành điểm sáng xuất khẩu xe năng lượng của nước này. Trong khi đó, năm nay, lượng xe xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan cũng tăng mạnh.

Hozon đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho mẫu sedan điện Neta S hàng đầu của mình và các loại xe thể thao đa dụng nhỏ gọn (SUV) Neta U-II và Neta V. Great Wall, nhà sản xuất SUV lớn nhất Trung Quốc, thì cho biết họ sẽ bán một số mẫu xe bao gồm cả Tank 500 và các mẫu Haval H6 ở Indonesia.

Canalys cho biết xe điện của Trung Quốc là “sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo và chất lượng cao, đồng thời chúng có thể đánh bại hầu hết các thương hiệu nước ngoài”.

Hồi tháng 4, nhà phân tích Paul Gong của UBS dự báo rằng doanh số bán xe điện ở Trung Quốc đại lục sẽ tăng 35% trong năm nay lên 8,8 triệu chiếc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới