Cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ định hình cuộc cách mạng công nghệ lớn nhất thế kỷ 21. Các quyết định được đưa ra trong những năm tới sẽ có tác động lớn trong nhiều thập kỷ, định hình một tương lai vừa thú vị vừa đầy bất trắc.
Cuộc đua toàn cầu đang diễn ra để giành quyền kiểm soát trong công nghệ AI, giữa Trung Quốc, EU và Mỹ, sẽ không chỉ định hình bối cảnh phát triển công nghệ toàn cầu, mà cũng sẽ tác động đến kết cấu của trật tự chính trị toàn cầu.
Quyền lực thế giới sẽ nằm trong tay cường quốc nào có khả năng định hình các khuôn khổ kiểm soát và quản lý AI, do đây là những chính sách sẽ cho phép hoặc cản trở đổi mới công nghệ, xác định nơi các tiến bộ lớn nhất trong công nghệ AI sẽ diễn ra.
Cuộc đua này đang chia thế giới thành hai phe khác biệt, Trung Quốc thúc đẩy một cách tiếp cận với nhà nước và chính quyền tại trung tâm, trong lúc Mỹ và EU thúc đẩy một mô hình phát triển dựa trên thị trường tự do và quyền của người dùng.
Với cách cuộc đua AI thúc đẩy sự cạnh tranh quốc tế vì tiến bộ khoa học, có lẽ nó sẽ là cuộc chạy đua vào không gian mới của thế kỷ 21.
Bằng cách tận dụng khả năng của AI để đổi mới công nghệ và từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đang đầu tư vào một tương lai nơi AI sẽ phục vụ lợi ích quốc gia và phù hợp với chương trình nghị sự chính trị xã hội của nhà nước.
Ngược lại, cách tiếp cận của Mỹ nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân và khả năng tự điều chỉnh của thị trường, với mục tiêu chính để đổi mới môi trường kinh doanh và phát triển công nghệ AI dựa trên cạnh tranh thị trường.
Trong khi đó, để bù đắp cho những tiến bộ công nghệ chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc, EU tập trung vào xây dựng một khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền tự chủ, riêng tư và tự do của người dùng, với kỳ vọng cách tiếp cận này sẽ đem lại quyền lực địa chính trị cho châu Âu.
Ai sẽ chiến thắng?
Câu hỏi ai sẽ chiến thắng trong cuộc đua này sẽ không dễ dàng. Nó phức tạp và đầy bất trắc. Tuy nhiên, cam kết của Trung Quốc trong việc tích hợp AI vào chiến lược phát triển quốc gia có lẽ sẽ mang lại cho Bắc Kinh một lợi thế độc nhất, đặc biệt là về tốc độ triển khai công nghệ để đạt được các mục tiêu phát triển xã hội rộng lớn hơn.
Sự liên kết này sẽ có thể dẫn tới sự phổ biến nhanh chóng của AI trong các lĩnh vực khác nhau tại Trung Quốc và khả năng thúc đẩy cường quốc này vượt lên trên hai đối thủ còn lại. Cách tiếp cận độc nhất của Trung Quốc cũng có thể gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác để áp dụng mô hình phát triển tương tự, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển ưu tiên an ninh xã hội và tăng trưởng kinh tế hơn là quyền của người dùng.
Trong khi đó, việc Mỹ và EU tập trung vào quyền cá nhân và các cân nhắc đạo đức trong hệ thống quản trị dân chủ có thể sẽ làm chậm tốc độ đổi mới, nhưng có thể sẽ dẫn đến việc AI được tích hợp một cách cân bằng hơn vào xã hội. Các tiếp cận này sẽ dẫn đến sự phát triển của các công nghệ AI phù hợp chặt chẽ hơn với các giá trị dân chủ, nhân quyền và tự do.
Có lẽ, người chiến thắng có thể sẽ không phải cường quốc đạt được các cột mốc công nghệ nhanh nhất, mà cường quốc có được sự cân bằng giữa đổi mới công nghệ, các cân nhắc về đạo đức, tác động xã hội, kinh tế và ảnh hưởng địa chính trị hiệu quả nhất.
Kết cục của cuộc đua AI sẽ có tác động lớn tới nền kinh tế, quyền lực, an ninh và xã hội toàn cầu. Việc các quốc gia thứ ba chọn theo mô hình của Trung Quốc, Mỹ hay EU sẽ định hình cách công nghệ này được tích hợp, quản lý và áp dụng trên toàn cầu. Sự liên kết hoặc khác biệt trong các chiến lược AI có thể định hình lại các liên minh và tạo ra các đường đứt gãy địa chính trị mới.
Với thế giới ngày càng phải vật lộn từ tác động của AI, sự cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ ngày càng gay gắt. Hiểu được cuộc cạnh tranh này sẽ là điều cần thiết đối với các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như người dân, vì cuộc đua AI sẽ định hình cuộc cách mạng công nghệ lớn nhất thế kỷ 21. Các quyết định được đưa ra trong những năm tới sẽ có tác động lớn trong nhiều thập kỷ, định hình một tương lai vừa thú vị vừa đầy bất trắc.
T.P