COC là mong muốn của cộng đồng quốc tế, trong đó có các quốc gia ASEAN, và cả Trung Quốc. Nhưng với những gì diễn ra trong quá trình đàm phán, COC đang thành nỗi ám ảnh của các nước liên quan vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
Một lần nữa, dư luận khấp khởi mừng trước thông tin Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí về các hướng dẫn nhằm đẩy nhanh đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong vòng 3 năm tới. Nhất trí này có được từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 56, tổ chức ở Jakarta (Indonesia), vào trung tuần tháng 7 vừa qua.
Sự cố, dù đã được Bắc Kinh giải thích, khiến ông Tần Cương bị cú “thay ngựa” không phải “giữa dòng”, mà ngay khi mới nhắc “bước kiệu” được có vài mươi bước, khiến ông Vương Nghị tái xuất trong tư cách ngoại trưởng Trung Quốc tại Hội nghị, vẻ như hứa hẹn một điều gì đó lạc quan cho tiến trình đàm phán COC. Tuy nhiên, chiều ngược lại, vẫn có những con mắt dè dặt, thậm chí đầy hoài nghi trước nhân vật được làng ngoại giao quốc tế ví như “cáo già” vì sự khôn ngoan và lọc lõi này.
Chứng minh cho sự cảnh giác đó, nhiều người dẫn ngay sự kiện còn nóng hôi hổi: Campuchia vừa “có biến” – một cách nói khác chỉ sự thay đổi ghế thủ tướng xứ Chùa Tháp, đã thấy bóng dáng và gương mặt bí ẩn, lạnh lùng của ông già họ Vương ở Phnom Penh. Sau đó, thiên hạ mới choàng tỉnh ngộ: thì ra già cả chưa hẳn đã lờ đờ, chậm chạp khi ông Vương gặt hái được những lời cam kết mặn nồng của bố con ông Hun Sen dành cho Bắc Kinh trong nhiệm kỳ tới. Những cam kết thủy chung đó của “người em” dành cho “người anh” sao có thể tách rời cái nhạy bén, mau mắn của ông Vương Nghị?
Trở lại câu chuyện COC, tại sao cả Trung Quốc và các nước ASEAN cùng mong cùng ngóng, vậy mà hơn 20 năm qua kể từ năm 2002, quá trình đàm phán vẫn chỉ ì ạch như rùa bò?
Không nghiêm trọng hóa chút nào, dùng từ “rùa bò” trong trường hợp này là hợp lý. Nó đúng với thực tế. Đúng ngay cả khi có những nhận định, tuyên bố, đánh giá lạc quan của Trung Quốc, hoặc một quốc gia thành viên ASEAN nào đó. Thì đấy, ông Vương Nghị chứ ai, hồi tháng 7 năm ngoái, trên cương vị ngoại trưởng Trung Quốc, đã vỗ về dư luận trong chuyến công du Malaysia rằng: “Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc tham vấn về COC, và làm việc với tất cả các bên liên quan trong việc tạo ra vùng biển hòa bình và hợp tác”. Trước nữa, trong bài phát biểu tại Singapore cuối năm 2018, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Lý Khắc Cường cũng chẳng đã kêu gọi hoàn tất quá trình đàm phán COC vào năm 2021 – nghĩa là phấn đấu có được sau 3 năm nữa, đó sao?
Lời kêu gọi của một bên quan trọng nhất trong đàm phán từng khiến nhiều người hí ha hý hửng với suy nghĩ rằng: Đận này chắc rồi. Bắc Kinh thiện chí thế kia mà!
Những rồi “rùa vẫn là rùa”. Tiến độ COC vẫn cứ ì ạch.
Chỉ có điều, nói cho cùng, sự ì ạch khiến dư luận thất vọng đã đành, nhưng mặt khác, không thể nói là không có giá trị. Giá trị ở chỗ, nó thức tỉnh những người từng kỳ vọng COC sẽ băng băng về đích. Giá trị ở chỗ, nó buộc mọi người phải nghiền ngẫm lý do tại sao các bên đều nói muốn, mà COC mãi vẫn xa vời?
Câu hỏi to, nhưng câu trả lời hóa ra đơn giản. Sự sốt sắng của Trung Quốc với COC là thật, nhất là sau phán quyết của PCA (Tòa trọng tài) trong vụ kiện Biển Đông của Philippines – sự kiện khiến Bắc Kinh, dù phủ quyết, nhưng ê chề trước thiên hạ. Thế nên, để gỡ gạc thể diện, họ cần tỏ ra tôn trọng công pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS (Công ước LHQ về Luật biển 1982) vốn được cộng đồng quốc tế coi là “hiến pháp biển”.
Chết nỗi, COC đàm phán trên nền tảng UNCLOS, nhưng Phán quyết của PCA chỉ nằm trong khuôn khổ giải thích UNCLOS (nên hiểu thế nào về điều này, khoản kia…). T heo đó, cách giải thích của PCA bác bỏ hầu hết yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông, lại bị chính Trung Quốc coi như tờ giấy lộn.
Nói cách khác, “điểm nghẽn” đàm phán COC là đây chứ đâu.
Điểm nghẽn đó chỉ có thể được khai thông nếu Trung Quốc từ bỏ yêu sách “đường 9 đoạn”. Mà điều này, đố ai tin đấy, dù là 3 năm hay hơn nữa.
T.V