Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnHai năm Taliban cầm quyền ở Afghanistan: Lịch sử lại đảo ngược

Hai năm Taliban cầm quyền ở Afghanistan: Lịch sử lại đảo ngược

Hôm nay tròn 2 năm kể từ khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul trong sự tan rã của lực lượng an ninh Afghanistan, để rồi giành quyền kiểm soát đất nước. Lịch sử dường như đã lặp lại sau 2 thập kỷ.

Chiến binh Taliban bên súng máy.


Khác biệt của Afghanistan so với 2 năm trước: Đất nước lầm than hơn
Hôm nay tròn 2 năm kể từ khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul trong sự tan rã của lực lượng an ninh Afghanistan, để rồi giành quyền kiểm soát đất nước. Như vậy, sau đúng 2 thập kỷ bị Mỹ và phương Tây lật đổ và truy quét, Taliban đã quay trở lại để thay thế chính cái chính quyền mà phương Tây đã lập ra ở Afghanistan một cách đầy bất ngờ. Lịch sử dường như đã lặp lại sau 2 thập kỷ.

Cách đây 2 năm, khi Taliban chính thức trở lại nắm quyền, nhiều người từng hy vọng rằng phiên bản 2.0 của họ sẽ hoàn toàn khác so với lần cầm quyền đầu tiên. Tuy nhiên, hy vọng đó chỉ là vô vọng khi mọi việc mà chính quyền Taliban thực thi tới thời điểm này đều trái với trông đợi. Thậm chí, Taliban trong lần thứ 2 cầm quyền còn quyết đoán và tinh vi hơn trong việc ra chính sách và thực hiện chính sách dù ở khía cạnh nào của đời sống.

Nếu xét về mức độ phát triển, đất nước Afghanistan 2 năm sau khi có một thể chế mới, một chính quyền mới đang trên đà tụt lùi so với trước đó. Thậm chí, ở nhiều lĩnh vực, tình hình tại Afghanistan còn tồi tệ hơn so với khi Taliban điều hành đất nước lần thứ nhất. Điển hình của sự tụt lùi, xuống cấp nghiêm trọng nhất tại đất nước Afghanistan kể từ khi Taliban thay thế chính quyền dân sự chính là tình hình nhân đạo tại nước này. Lương thực, chăm sóc y tế đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân Afghanistan khi mà hơn một nửa dân số nước này, tương đương 28,8 triệu người đang rơi vào cảnh mất an ninh lương thực, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, thêm hơn nửa triệu người dân Afghanistan đã gia nhập vào con số này. Thảm họa nhân đạo đến với Afghanistan vào thời điểm chính quyền Taliban bị thế giới cô lập, bị cắt hết các khoản viện trợ và vốn vay phát triển, cũng như bị phong tỏa tài sản gửi ở bên ngoài.

Ở trong nước, các ngành kinh tế đình đốn, mất mùa thiên tai liên tiếp xảy ra ảnh hưởng tới mùa màng thu hoạch. Đây là những nguyên nhân chính gây ra tình cảnh của người dân Afghanistan vào lúc này: thiếu lương thực trầm trọng, suy dinh dưỡng, không được chăm sóc y tế đầy đủ, bệnh tật tràn lan… Liên Hợp Quốc đánh giá, Afghanistan 2 năm sau khi Taliban trở lại cầm quyền đang ở trong một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Dĩ nhiên, Taliban không hoàn toàn là thủ phạm gây ra tất cả thảm họa này. Nhưng những chính sách cực đoan, chống lại người dân của họ cũng góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng. Điển hình là việc Taliban cấm phụ nữ Afghanistan làm việc cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ – những nơi đang giúp đỡ quốc gia Nam Á vượt qua nạn đói và bệnh tật.

Hy vọng nào cho quyền phụ nữ ở Afghanistan?
Taliban 2.0 lên cầm quyền năm 2021 về mặt bản chất không có gì khác so với chính họ 20 năm trước đó. Mặc dù có những hứa hẹn thay đổi, họ vẫn đang trên đường trở về với tinh thần nguyên thủy của chính họ. Đó là thứ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, lấy Luật Hồi giáo Shariah làm cốt lõi.

Không những thế, Taliban còn diễn giải Luật Hồi giáo theo hướng cực đoan hơn, khắc nghiệt trái với tinh thần của Hồi giáo, đặc biệt là với phụ nữ. Trong hai năm cầm quyền vừa qua, chính quyền Taliban lần lượt ban hành các sắc lệnh hạn chế và cắt bỏ dần các quyền của phụ nữ, trẻ em gái như cấm phụ nữ ra đường, xuất hiện tại các địa điểm công cộng mà không có người thân là nam giới đi cùng, cấm các trường học cho học sinh nữ từ lớp 6 trở lên được hoạt động trở lại, cấm nữ sinh Afghanistan được học đại học, cấm phụ nữ Afghanistan được làm việc cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ.

Các ràng buộc với phụ nữ Afghanistan ngày càng được siết chặt và nhiều điều kiện ngày càng oái oăm, với mục đích duy nhất là “trục xuất” vai trò của phụ nữ ra khỏi xã hội do Taliban điều hành. Chiều hướng chính sách này sẽ còn tiếp diễn và rất khó có thể tìm ra được hy vọng vào lúc này.

Cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, khi phương Tây càng lên án Taliban về các chính sách khắc nghiệt với phụ nữ Afghanistan, họ lại càng siết chặt thêm vòng vây kiểm soát xã hội, đẩy phụ nữ nước này vào cảnh bị tước đoạt hết các quyền cơ bản. Thực tế đã kiểm nghiệm nhận định này. Nó chỉ càng củng cố thêm nhận thức rằng phụ nữ Afghanistan đang bị Taliban sử dụng làm “đòn bẩy” trong cuộc mặc cả với phương Tây. Mục tiêu của họ là được cộng đồng quốc tế công nhận sự hợp pháp chính danh; tiếp đó là việc dỡ bỏ phong tỏa và cấp trở lại viện trợ. Đây là điều khó có thể xảy ra trong tương lai gần.

Hiệu quả chống khủng bố của Afghanistan
Chống khủng bố là lời hứa tiếp theo với cộng đồng quốc tế mà Taliban đã bỏ rơi kể từ khi lên nắm quyền tại Afghanistan 2 năm trước. Trong ‘bản thỏa thuận hòa bình’ giữa Taliban và chính quyền Mỹ của Cựu Tổng thống Donald Trump ký tháng 2/2020, có điều khoản là Taliban sẽ không để lãnh thổ Afghanistan trở thành nơi để khủng bố ẩn náu và sử dụng để tấn công các nước khác. Đây chính là điều kiện để Mỹ rút binh lính khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Sau 3 năm rưỡi ký kết, các lực lượng nước ngoài đã rời khỏi Afghanistan, Taliban đã lên nắm quyền nhưng tới giờ chả có gì để kiểm chứng cam kết này đã được thực thi như thế nào. Các báo cáo tình báo vẫn cho thấy sự hiện diện của rất nhiều tổ chức khủng bố quốc tế tại đây, điển hình là Al Qaeda, nhánh địa phương của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – còn gọi là IS Khorasan (ISIS-K), và nhóm Tehreek-e-Taliban (TTP) hay nhóm Taliban tại Pakistan. Sự gia tăng các vụ tấn công của TTP tại nước láng giềng Pakistan thời gian vừa qua được cho là có nhiều phần đóng góp của Taliban tại Afghanistan.

Vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh al Qaeda Ayman al-Zawahiri ngay tại một biệt thự ở thủ đô Kabul vào năm ngoái chắc chắn càng khiến người ta nghi ngờ về sự tin cậy của Taliban. Thêm vào đó, chính quyền Taliban tuyên bố sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để chống khủng bố. Vậy nhưng, rất nhiều thành viên trong Chính phủ đó lại đang nằm trong danh sách khủng bố của Liên Hợp Quốc và Mỹ. Đó phải chăng là điều để nghi ngờ tính chính danh của chế độ này. Hay là thứ mà họ phải chứng minh rằng mình hoàn toàn xứng đáng để được quốc tế công nhận.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới