Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững dự án nối sông nổi tiếng của TQ

Những dự án nối sông nổi tiếng của TQ

Trung Quốc là một trong những quốc gia giàu tài nguyên nhất trên thế giới, với tổng giá trị khoảng 23.000 tỷ USD. Trong đó, nổi bật nhất là than đá và kim loại đất hiếm. Ngoài ra, còn có một loại tài nguyên khác ít người chú ý đến, đó là nguồn nước. Họ sở hữu hệ thống sông ngòi dày đặc khắp đất nước, với tiềm năng thủy điện vô đối tại châu Á. Trong đó, Trường Giang và Hoàng Hà là hai con sông lớn nhất khu vực, từng đóng vai trò quan trọng đối với sự hưng thịnh của các triều đại Trung Quốc.

Cây cầu treo hai tầng tại cảng Dương Tử.

Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thị phi thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không
(thơ trong phim Tam Quốc diễn nghĩa)

Trong quá khứ, nhà lãnh đạo nào của Trung Quốc kiểm soát được dòng nước thì người đó đương nhiên trở thành anh hùng, vì điều đó đồng nghĩa là huyết mạch của nền kinh tế nông nghiệp được đảm bảo ổn định, giúp cuộc sống của người dân no ấm. Tuy nhiên, việc kiểm soát dòng chảy dữ dội từ các con sông cũng như chống lũ lụt là một công việc vô cùng khó khăn. Trên thực tế, sự thành công của một số vị vua trong lịch sử phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm. Ngay cả trong thời hiện đại, điều đó vẫn đúng và nó trở thành nỗi ám ảnh của bất kỳ ai khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Vào năm 1954, Trung Quốc xảy ra một trận lũ lụt trên sông Trường Giang khiến hơn 30.000 người thiệt mạng. Những tín đồ tâm linh cho rằng đó là dấu hiệu xấu cho sự nghiệp cách mạng của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, thay vì để hậu thế nhớ đến một vết nhơ của chế độ mới, ông đã nhân cơ hội để chứng tỏ sức mạnh của Đảng Cộng sản “có thể chiến thắng mọi kẻ thù bất kể chúng mạnh đến đâu”. Đó là lý do có tới hơn 80.000 con đập được xây dựng trong suốt 33 năm Mao Trạch Đông nắm quyền. Bằng cách chống lại sức mạnh của Mẹ Thiên Nhiên, Mao đã gây được tiếng vang lớn trong nhân dân.

Tiếc rằng, vì mải mê với chiến thắng thông qua số lượng, đến đầu những năm 1980, khoảng 3.000 con đập đã bị hư hỏng. Trong đó có thảm họa vỡ đập Bán Kiều ở tỉnh Hà Nam khiến cho hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Nỗi đau của Mao Trạch Đông không chỉ dừng lại ở đó. Lũ lụt trên sông Trường Giang vẫn xảy ra thường xuyên và ông không thể ngăn cản. Việc xây đập Tam Hiệp được lên kế hoạch, nhưng do tình hình kinh tế và chính trị bất ổn cho nên buộc phải trì hoãn. Thật ra, lý do chủ yếu là công nghệ kỹ thuật của Trung Quốc thời đó không đủ khả năng để ngăn được dòng nước cuồn cuộn của Trường Giang. Vì thế, nỗi ám ảnh về việc chinh phục dòng sông dài nhất châu Á tiếp tục đeo bám các thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhau của Bắc Kinh.

Mãi tới năm 2009, điều đó mới chấm dứt với việc hoàn thành Đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới. Thành công này chứng tỏ Trung Quốc đã làm chủ được kỹ thuật và không sợ lũ lụt quấy phá nữa. Tuy nhiên, ngày nay, thay vì thừa nước, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nghiêm trọng. Trong khi tại miền Nam, Trường Giang vẫn cuồn cuộn chảy, tại miền Bắc, lưu lượng của Hoàng Hà chỉ bằng 10% so với những năm 1940. Bên cạnh đó, khoảng 28.000 con sông nhỏ đã biến mất trong hai thập kỷ qua.

Nguyên nhân vì miền Bắc Trung Quốc có khí hậu ôn đới tới khô hạn, với lượng mưa trung bình khoảng 300mm một năm, chỉ bằng 1/7 miền Nam. Kết hợp với dân số gia tăng nhanh chóng cùng quy mô công nghiệp và mức độ đô thị hóa bùng nổ khiến tình hình ngày càng tồi tệ. Vấn đề nằm ở chỗ GDP ở hai miền Trung Quốc gần như bằng nhau. Điều đó có nghĩa để phía Bắc khô héo thì một nửa đất nước sẽ sụp đổ.

Năm 2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố: “Tình trạng khan hiếm nước sẽ đe dọa đến sự tồn vong của dân tộc Trung Hoa”. Bộ trưởng Tài nguyên Nước cũng nhấn mạnh: “Phải chiến đấu cho từng giọt nước hoặc là chết”. Đó chính là lý do siêu dự án kinh điển được ra đời: Trung Quốc tiến hành nối Trường Giang với Hoàng Hà, đồng thời truyền nước từ phía Nam lên phía Bắc.

Dự án được chia thành ba phần. Ở phía Đông được bắt đầu tại thành phố Dương Châu, dẫn nước từ Trường Giang đi qua Kênh Đại Vận Hà được coi là tuyến đường thủy nhân tạo dài nhất thế giới. Khi tới gần Hoàng Hà, một đường hầm xuyên ngang đáy sông được tạo ra. Sau đó, nước tiếp tục theo kênh chạy tới thành phố Thiên Tân tiếp giáp với thủ đô Bắc Kinh. Một nhánh khác được rẽ sang tỉnh Sơn Đông tới sát ven biển. Tổng chiều dài của tuyến phía Đông là 1.152 km và phải cần tới 15 năm mới cơ bản hoàn thành.

Sở dĩ tốn nhiều thời gian như vậy vì có 3 thách thức lớn khi thực hiện:

Thứ nhất: Kênh Đại Vận Hà có từ thời cổ đại và rất ít khi được sửa chữa. Nó vừa ô nhiễm vừa chứa đầy phù sa từ sông Hoàng Hà. Do đó, quá trình nạo vét kênh và xử lý nguồn nước bẩn tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Thứ hai: Việc xây đường hầm xuyên ngang sông Hoàng Hà sâu tới 75m phải đảm bảo được khả năng chịu lực cao.

Thứ ba: Do địa hình dốc từ phía Bắc xuống phía Nam, nên cần phải thiết lập các trạm bơm khổng lồ ở từng đoạn, trông như ruộng bậc thang. Theo đó, mực nước được nâng từ độ cao 2m lên 45m so với mực nước biển.

Đó chính là những lý do phần dự án này tiêu tốn hàng chục tỷ đô la.

Tiếp theo là tuyến đường trung tâm dẫn nước từ hồ chứa Danjiangkou trên sông Hán, một nhánh của sông Trường Giang, đến hơn chục thành phố ở phía Bắc, bao gồm thủ đô Bắc Kinh. Vì không có sẵn hệ thống kênh như tuyến phía Đông nên quá trình thi công gặp khó khăn hơn rất nhiều. Để nước có thể chảy ngược về phía Bắc mà không cần các trạm bơm, họ phải nâng đập Danjiangkou từ 157 lên 170m. Đây là một điểm nổi trội về kỹ thuật công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Sau đó, các kênh được tạo ra như một con đường cao tốc trên cao cho nước tuôn chảy một cách tự nhiên qua vùng đồng bằng. Phần thi công này cũng rất khó, vì nhiều đoạn dễ xảy ra sụt lún đất. Đặc biệt là khi đi qua ba con sông nhỏ dọc theo tuyến đường. Ngay cả khi đã thực hiện xong, ban quản lý vẫn phải giám sát 24/7 để tránh nước bị rò rỉ hoặc sụt lún sâu, rất khó bảo trì và gây nguy hiểm cho người dân.

Phần dự án này hoàn thành vào năm 2014, với tổng chiều dài 1.200 km. Nó cùng với tuyến đường phía Đông tiêu tốn khoảng 40 tỷ đô la và mang lại lợi ích trực tiếp cho 140 triệu người. Đồng thời, tối ưu hóa nguồn nước cho ngành nông nghiệp và công nghiệp của 40 thành phố.

Cuối cùng, tuyến đường thủy thách thức nhất và tốn kém nhất nằm ở phía Tây. Trung Quốc dự kiến kết nối một số con sông nhỏ đến Dương Tử và sau đó đổ nước vào thượng nguồn sông Hoàng Hà. Thông qua đó, tài nguyên nước sẽ được chia sẻ tương đối đều từ Nam ra Bắc, góp phần duy trì sự ổn định trong các lĩnh vực sản xuất trên cả nước.

Đây là một tham vọng không dễ thực hiện, vì địa hình ở phía Tây Trung Quốc phần lớn là núi đá có độ cao trung bình 3.000 đến 5.000 m. Muốn xây dựng đường hầm và các con kênh buộc phải khoét núi theo đúng nghĩa đen. Tổng chiều dài tuyến đường lên tới 450km, điều kiện khí hậu lại lạnh giá, đóng băng quanh năm, đủ khiến người ta chùn bước. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn tạo nên kỳ tích. Không có gì là không thể, giống như kỳ quan Vạn Lý Trường Thành. Dự kiến tới năm 2050, tuyến đường phía Tây sẽ hoàn thành và khi đó nó có thể được coi là kỳ quan của thế kỷ 21.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới