Thursday, December 26, 2024
Trang chủThâm cung bí sửOppenheimer - ‘Cha đẻ’ bom hạt nhân và những phát ngôn gây...

Oppenheimer – ‘Cha đẻ’ bom hạt nhân và những phát ngôn gây tranh cãi trong lịch sử

Oppenheimer được cho là từng hối hận vì “không phát triển bom hạt nhân kịp để chống lại quân Đức”, nhưng sau đó “thấy tay mình nhuốm máu”.

Oppenheimer được cho là từng hối hận vì “không phát triển bom hạt nhân kịp để chống lại quân Đức”, nhưng sau đó “thấy tay mình nhuốm máu”.

Bộ phim đình đám của đạo diễn Christopher Nolan gần đây nhắc đến một trong những nhân vật và sự kiện gây tranh cãi nhất lịch sử, Julius Robert Oppenheimer.

Ông là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ, người đứng đầu phòng thí nghiệm Los Alamos thuộc “dự án Manhattan” trong thế chiến II. Đây là nơi chế tạo quả bom hạt nhân đầu tiên trên thế giới – loại vũ khí sau đó Mỹ dùng để thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, khiến hàng trăm nghìn người chết. Oppenheimer vì vậy còn được gọi là “cha đẻ” của bom hạt nhân.

Oppenheimer: Tôi thấy tay mình nhuốm máu

Với sức nóng từ bộ phim, trang Insider có bài thống kê ý kiến các nhà sử học về việc một số chi tiết trong phim được cho là không sát với đời thực. Kịch bản phim, cũng do chính đạo diễn Nolan chắp bút, chủ yếu dựa trên cuốn sách tiểu sử “American Prometheus – The Triumph and Tragedy of J.Robert Oppenheime” (Tạm dịch: Prometheus nước Mỹ hay J. Robert Oppenheimer: Vinh quang và Bi kịch) của Kai Bird và Martin Sherwin.

Một trong những chi tiết đó, theo nhà sử học về khoa học và công nghệ hạt nhân Alex Wellerstein – giáo sư tại Viện Công nghệ Stevens (Mỹ) – là Oppenheimer chưa bao giờ nói công khai rằng ông hối hận vì đã thả quả bom hạt nhân.

Wellerstein nói: “’Sự thật 100%’ là Oppenheimer chưa bao giờ nói điều gì như thế một cách công khai”. Chuyên gia cũng cho rằng bộ phim nên để một nhân vật khác thể hiện điều này, thay vì “một người mà bạn đang phác họa là một kẻ âm mưu không đáng tin cậy”.

Tuy nhiên, theo Wellerstein, Oppenheimer thực sự cảm thấy hối hận vì đã không thể ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang: “Ông ấy hối tiếc về những gì xảy ra sau đó, và ông ấy đã làm rất nhiều việc để cố gắng tránh điều đó”.

Trong khi đó, The Washington Post trong bài viết “Vụ ném bom nguyên tử khiến Oppenheimer vỡ vụn” dẫn lại nội dung từ cuốn tiểu sử năm 2005 của Kai Bird và Martin Sherwin, về những phản ứng của Oppenheimer xung quanh các vụ ném bom.

Theo đó, khi quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima thay đổi thế giới, J. Robert Oppenheimer nói với đám đông vào tháng 8/1945 tại nơi những quả bom được thiết kế và chế tạo về điều hối tiếc duy nhất của ông: Không phải về việc hàng nghìn người đã thiệt mạng, mà là “chúng tôi đã không phát triển quả bom kịp thời để sử dụng nó chống lại quân Đức” trước đó trong Thế chiến II.

“Nhưng cảm giác chiến thắng của Oppenheimer tan biến trong vài tháng sau khi Nagasaki bị tàn phá với một quả bom nguyên tử khác, ba ngày sau vụ ném bom xuống Hiroshima”,Washington Post viết. Đây là điều mà theo cuốn sách tiểu sử, nhà vật lý lý thuyết này tin là không cần thiết và không chính đáng.

Tổng thống Harry S. Truman khi đó hỏi Oppenheimer có chuyện gì khi họ gặp nhau lần đầu tại Nhà Trắng vào tháng 10/1945. Oppenheimer được cho là đã nói với Truman: “Thưa Tổng thống, tôi thấy tay mình nhuốm máu”.

Đó là lần duy nhất hai người gặp nhau, và Oppenheimer tin rằng có lẽ ông đã bỏ lỡ cơ hội duy nhất để ngăn chặn thêm một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tiềm ẩn có thể tàn sát hàng trăm triệu người, Washington Post viết.

“Ông ấy đã không thuyết phục được tổng thống, và thật không may, tổng thống không thích ông ấy”, Charles Oppenheimer, cháu trai của nhà vật lý, nói với tờ báo Mỹ gần đây.

Canh bạc có tính toán của Mỹ

Một chi tiết “phi thực tế” khác được các chuyên gia nhắc đến trong bộ phim là về việc những người ra quyết định “biết” rằng quả bom sẽ kết thúc cuộc chiến. Nhà sử học Wellerstein nói: “Trong phim, họ làm ra vẻ như lý do họ sử dụng quả bom là vì họ không muốn đưa quân vào Nhật Bản, nhưng đó thực sự không phải là cách chuyện được thảo luận vào thời điểm đó. Đó là một sự hợp lý hóa thực tế được tạo ra sau này”.

Theo Insider, vào tháng 12/1946, nhà vật lý Karl T. Compton viết trên tờ The Atlantic rằng việc thả những quả bom này là một “canh bạc có tính toán”, rằng Bộ trưởng Chiến tranh Stimson và những người khác hy vọng nó sẽ kết thúc cuộc chiến.

Theo History.com, ngay cả trước khi chiến tranh bùng nổ vào năm 1939, một nhóm các nhà khoa học Mỹ – nhiều người trong số họ là người tị nạn từ các chế độ phát xít ở châu Âu – đã quan tâm đến việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân đang được tiến hành ở Đức Quốc xã.

Năm 1940, chính phủ Mỹ bắt đầu tài trợ cho chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của riêng mình, chương trình này thuộc trách nhiệm chung của Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển Khoa học và Bộ Chiến tranh sau khi Mỹ tham gia Thế chiến II. Công binh Lục quân Mỹ được giao nhiệm vụ đi đầu trong việc xây dựng các cơ sở rộng lớn cần thiết cho chương trình tối mật này, với tên mã là “Dự án Manhattan”.

Vào thời điểm thử nghiệm Trinity (thử nghiệm bom hạt nhân đầu tiên) diễn ra, các cường quốc Đồng minh đã đánh bại Đức ở châu Âu. Tuy nhiên, Nhật Bản thề sẽ chiến đấu đến cùng ở Thái Bình Dương, bất chấp những dấu hiệu rõ ràng rằng họ có rất ít cơ hội chiến thắng. Vào cuối tháng 7, Nhật Bản bác bỏ yêu cầu đầu hàng của Đồng minh được đưa ra trong Tuyên bố Potsdam, trong đó đe dọa người Nhật sẽ gặp “sự hủy diệt ngay lập tức và hoàn toàn” nếu họ từ chối.

Tướng Douglas MacArthur và các chỉ huy quân sự hàng đầu khác ủng hộ việc tiếp tục ném bom thông thường vào Nhật Bản và tiếp theo là một cuộc xâm lược lớn, có mật danh là “Chiến dịch Sụp đổ”. Họ nói với Tổng thống Truman rằng một cuộc đổ bộ như vậy sẽ dẫn đến thương vong của Mỹ lên tới 1 triệu người. Để tránh tỷ lệ thương vong cao này, Truman đã quyết định – bất chấp sự đắn đo về mặt đạo đức của Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson, Tướng Dwight Eisenhower và một số nhà khoa học của Dự án Manhattan – sử dụng bom nguyên tử với hy vọng đưa chiến tranh đến hồi kết thúc nhanh chóng.

Những người ủng hộ bom nguyên tử – chẳng hạn như James Byrnes, ngoại trưởng của Truman – tin rằng sức tàn phá của nó không chỉ chấm dứt cuộc chiến mà còn đặt Mỹ vào vị trí thống trị để quyết định tiến trình của thế giới thời hậu chiến.

Mối đe dọa hạt nhân

Hôm 6/8/2023, Thủ tướng Nhật Bản lên tiếng chỉ trích các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân khi thành phố Hiroshima kỷ niệm 78 năm vụ ném bom nguyên tử.

“Nhật Bản là quốc gia duy nhất từng hứng chịu các vụ đánh bom nguyên tử trong chiến tranh, sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới một thế giới không có hạt nhân”, Thủ tướng Fumio Kishida phát biểu tại một buổi lễ ở Hiroshima.

“Con đường hướng tới điều đó ngày càng khó khăn vì sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng quốc tế về giải trừ hạt nhân và mối đe dọa hạt nhân của Nga”, ông Fumio Kishida nói thêm.

Ngày tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công hạt nhân đầu tiên trên thế giới diễn ra trong bối cảnh các quan chức Nga đã nói về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến với Ukraine. Chính quyền phương Tây cho biết không có bằng chứng về việc Nga chuẩn bị một cuộc tấn công như vậy.

Phát biểu tại buổi lễ, thị trưởng thành phố Hiroshima kêu gọi bãi bỏ vũ khí hạt nhân và gọi khái niệm răn đe hạt nhân của các nhà lãnh đạo G7 là “sự điên rồ”.

Phản ứng với bài phát biểu của Thủ tướng Nhật, báo chí Nga cho rằng Nhật đang phớt lờ vai trò của Mỹ trong vụ ném bom ngay từ đầu. Tờ RT nhấn mạnh không giống như học thuyết hạt nhân của Mỹ, vốn cho phép tấn công hạt nhân trước “để bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của Mỹ”, chiến lược hạt nhân của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí nguyên tử trong trường hợp bị tấn công hạt nhân trước vào lãnh thổ của mình, hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.

Một số nhà sử học cho rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine – và đe dọa về vũ khí hạt nhân, khiến cách nhìn của Oppenheimer về loại vũ khí đó ngày nay vẫn được quan tâm.

“Bộ phim đang thu hút rất nhiều sự quan tâm, bởi vì Oppenheimer theo một cách nào đó, đã là một nhân vật của thời đại”, Ray Monk, nhà viết tiểu sử và là giáo sư triết học danh dự tại Đại học Southampton, nói với The Washington Post.“Vì vai trò trung tâm của nhân vật này trong bom nguyên tử và những tranh luận về bom nguyên tử trong những năm sau Thế chiến thứ hai, sự quan tâm đến anh ta đã quay trở lại, như một sự tượng trưng cho một vấn đề vẫn đang đeo đẳng chúng ta”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới