Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSự kiện Tri Tôn chỉ là nước cờ nhỏ trong ván cờ...

Sự kiện Tri Tôn chỉ là nước cờ nhỏ trong ván cờ lớn

Tri Tôn là một đảo lớn ở quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa từ năm 1974. Khoảng cách từ bờ biển Việt Nam và từ đảo Hải Nam của Trung Quốc đến Tri Tôn tương đương nhau.

Hôm 17/8 báo chí Trung Quốc đưa tin nước này đang xây dựng đường băng dài hơn 600 mét, rộng 14 mét với tuyên bố mục tiêu bảo đảm an toàn hàng hải. Tuy nhiên, với độ dài-rộng này đủ để tiếp nhận máy bay với động cơ phản lực cánh quạt và máy bay không người lái (drone). Cùng với đường băng mới, nhiều thiết bị chưa được xác minh cụ thể cũng đã được lắp đặt thêm ở phía đông hòn đảo.

Theo phân tích từ các bức ảnh vệ tinh từ Planet Labs PBC thì, quá trình xây dựng đường băng có thể bắt đầu từ đầu tháng 8 đến nay.

Chưa thấy Việt Nam có phản ứng gì.

Đường băng 600 mét không phải công trình quân sự đầu tiên trên đảo Tri Tôn. Trước đó đã có một bến cảng nhỏ, cùng một sân bay trực thăng và một số trạm radar.

Hẳn quý độc giả còn nhớ, trước đây một cơ sở quân sự trên đảo Phú Lâm cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa đã được Trung Quốc trang bị đầy đủ. Nay họ xây dựng thêm một đường băng ngắn nữa ở Tri Tôn nhằm mục đích gì?

Cũng có ý kiến cho rằng, đây chỉ là một “đường gờ” vì nó quá ngắn, quá nhỏ và thiếu cơ sở hạ tầng đi kèm. Nếu coi là đường băng thì hầu hết các loại máy bay lớn khó có thể sử dụng. Điểm thứ hai là, “đường gờ” này chỉ cách căn cứ không quân tại đảo Phú Lâm gần 100 dặm (khoảng 150 km). Xây thêm đường băng sẽ rất lãng phí.

Phản biện ý kiến này, một số nhà phân tích cho rằng, không hề có “đường gờ” nào hết. Đó đích thị là đường băng và nó sẽ có sức tác động ghê gớm đến Việt Nam, Philippines. Hãy chờ xem!

Theo một số chuyên gia, đường băng trên đảo Tri Tôn có thể đóng vai trò là nơi triển khai các loại máy bay tuần tra – có hoặc không người lái. Đương nhiên các máy bay này hoạt động chủ yếu trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Philippines. Điều này sẽ giúp quân đội Trung Quốc thu thập thông tin tình báo, khẳng định quyền tài phán đối với các khu vực này.

Mặc dù đã có căn cứ không quân tại đảo Phú Lâm, và tại đây đã được trang bị rất đầy đủ vũ khí, khí tài, nhưng Trung Quốc vẫn quyết định “đẻ” thêm một căn cứ quân sự nữa là đã có tính toán kỹ lưỡng. Nhất là tại Tri Tôn có thể triển khai máy bay chiến đấu thì hành động khiêu khích, leo thang quân sự của Bắc Kinh là quá rõ ràng.

Với kích thước không lớn nhưng đủ dài để đặt các máy bay không người lái cỡ trung bình có thể cất cánh, hạ cánh. Điều đó giúp không quân Trung Quốc có thể tuần tra khu vực tranh chấp ở phía đông Đà Nẵng của Việt Nam. Máy bay tuần tra có người lái nhỏ cũng là một lựa chọn. Điều này là đúng sách quân sự của người Tầu xưa “ngắn sào dễ chở”.

Điều này càng góp phần tăng thêm sức mạnh quản lý vùng biển trong khu vực của Trung Quốc. Bởi nước này vốn đã có năng lực tuần tra trên biển lớn hơn nhiều lần so với Việt Nam. Trong khi đó quân đội Việt Nam chỉ có một kho dự trữ nhỏ các máy bay DHC-6 Twin Otters và CASA-212.

Không phải bây giờ mà từ lâu Trung Quốc đã có nhiều năm thực hành phát triển các căn cứ quân sự trên biển. Nếu như sắp tới Trung Quốc quyết định đặt máy bay tuần tra thường trực tại đảo Tri Tôn thì Việt Nam sẽ xử lý sao đây? Không quân Việt Nam liệu có kế sách gì mới?

Cần nhìn xa hơn chút, nếu như Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát được cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa, thì có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Năng lực tên lửa của Trung Quốc hiện đã bao phủ chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm các đảo Kyushiu và Okinawa ở Nhật Bản, đảo Luzon ở Philippines. “Bao phủ” khác với “khống chế” một cách chủ động, đối phương bất khả xâm phạm. Trung Quốc muốn nhanh chóng khống chế chuỗi đảo thứ nhất này về phía Biển Đông và Ấn Độ Dương, cho nên phải nắm “cửa ra” của nó. “Cửa ra” đó là Hoàng Sa.

Xây dựng thêm đường băng trên đảo Tri Tôn, mục tiêu Trung Quốc có thể đang nhắm tới là tạo ra cái gọi là “cơ sở pháp lý” để bao biện cho yêu sách biển. Sau sự kiện mở đường băng, họ sẽ tiếp tục bồi đắp đảo Tri Tôn thành một đảo lớn, bất chấp việc tàn phá môi trường.

Nhưng đó là việc của tương lai gần. Chắc chắn Trung Quốc không phải là đối tượng “chơi cờ nước một” mà dễ đọc vị.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới