Bắt đầu từ tháng 8, lượng du khách đến đây đông hơn bởi là mùa lúa chín, thời điểm được xem là đẹp nhất trong năm.
Mỗi khi nhắc tới khu vực Tây Bắc nói riêng, cũng như vùng núi phía Bắc nước ta nói chung, phần đông du khách sẽ nhớ ngay tới những ngọn núi trùng điệp hay những con đường đèo trắc trở, khó đi. Tuy nhiên, vẻ đẹp của những vùng đất này không chỉ dừng lại ở đó.
Đặc biệt vào thời điểm từ tháng 8 đến khoảng tháng 11, vùng núi phía Bắc Việt Nam sẽ khoác lên mình một chiếc áo màu vàng rực rỡ, đó chính là màu vàng của lúa chín. Lúa chín vàng trải dài trên ruộng bậc thang, xa tít tắp đến tận đường chân trời, tạo nên một khung cảnh vô cùng kỳ ảo, thơ mộng trong mắt du khách.
Những địa điểm nổi tiếng với mùa lúa chín vàng có thể kể đến như Bắc Sơn – Lạng Sơn, Mù Cang Chải – Yên Bái, Y Tý – Lào Cai hay Hoàng Su Phì – Hà Giang. Tuy nhiên có một địa điểm khác nữa, với cái tên lạ hơn, nhưng được nhiều người đánh giá là nơi có cảnh lúa chín vàng ấn tượng và đẹp nhất Tây Bắc, cũng như vùng núi phía Bắc. Đó là xã Nậm Cang, Sa Pa, Lào Cai.
Nậm Cang ở đâu?
Nậm Cang là một xã nhỏ, nằm ở phía Đông Nam, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng hơn 30km. Cái tên “Nậm Cang” trong tiếng địa phương có nghĩa là nước ở đầu nguồn. Sở dĩ có cái tên như vậy là bởi nơi đây là khởi nguồn của những con suối như Nậm Thang, Nậm Cang và Nậm Pá. Đây cũng chính là những con suối cung cấp nước cho sinh hoạt, trồng trọt của người dân.
Xã có địa hình là thung lũng xen lẫn đồi núi, tách biệt với các xã trung tâm như Lao Chải, Tả Phìn, Tả Van… Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều thửa ruộng bậc thang màu mỡ, những con suối, ngọn thác và thảm thực vật phong phú. Bởi những yếu tố trên, nên Nậm Cang được đánh giá là địa điểm nghỉ dưỡng hoặc du lịch sinh thái lý tưởng với mọi đối tượng.
Tuy nhiên hiện nay, bên cạnh nhiều cái tên nổi tiếng trên bản đồ du lịch Sa Pa như bản Cát Cát, Tả Van, Tả Phìn hay đỉnh Fansipan hùng vĩ, Nậm Cang vẫn là một cái tên khá mới mẻ và xa lạ.
Hình thức di chuyển tới Nậm Cang được khuyến khích là xe máy. Bởi con đường dẫn tới đây chủ yếu nhỏ và hẹp, có đoạn còn phải đi qua những con đèo. Nhiều du khách sau khi đặt chân tới đây đã phải nhận xét, nó xứng đáng được biết tới nhiều hơn, đặc biệt là vào mùa lúa chín.
Ngắm “mùa vàng” ở Nậm Cang
Mùa lúa ở Nậm Cang thường bắt đầu sớm hơn so với những địa điểm khác ở Sa Pa. Bắt đầu từ khoảng đầu tháng 8, những cánh đồng lúa xanh mướt trước đó đã bắt đầu chuyển dần sang màu vàng. Còn đến đầu tháng 9, lúa sẽ được gặt hết.
Ruộng bậc thang ở Nậm Cang tuy không mênh mông bằng nhiều khu vực khác, nhưng có những điểm độc đáo rất riêng. Cứ dưới mỗi thửa ruộng sẽ có một dòng suốt. Thi thoảng, điểm xuyết trong màu vàng của lúa chín, sẽ xuất hiện những chiếc chòi của người dân bản địa dựng lên để canh lúa, để lưu trữ lúa sau khi thu hoạch. Đây cũng chính là nơi ra đời của rất nhiều bức ảnh sống ảo mãn nhãn của du khách khi tới “săn” mùa vàng ở Nậm Cang.
Thời điểm hiện tại đang là thời điểm thích hợp và lý tưởng nhất để tới Nậm Cang ngắm lúa chín. Nguyễn Minh Hải, một nhiếp ảnh gia, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ trên một diễn đàn du lịch hình ảnh Nậm Cang mới chỉ khoảng vào cuối tháng 7, nhưng khung cảnh núi rừng đã bắt đầu dần phủ kín bởi màu vàng óng ả của lúa. Anh Hải cũng cho biết, năm nay, sắc vàng này có thể kéo dài một thời gian ngắn nữa.
Chỉ qua những bức ảnh hay thước phim được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều du khách đã phải trầm trồ rằng, vẻ đẹp nơi đây không thua gì ở nước ngoài. Còn với những du khách đã được trải nghiệm tận mắt mùa lúa ở Nậm Cang, thì nhận xét, khung cảnh nơi đây “đẹp đến mê mệt”. “Khung cảnh mùa lúa ở Nậm Cang thực sự là đẹp như tranh vẽ”, du khách Đinh Ngọc Anh đến từ Hà Nội bình luận.
Thời tiết vào thời điểm săn mùa vàng ở Nậm Cang cũng khá mát mẻ, nhiệt độ dao động trong khoảng 20 – 25 độ C, thuận tiện để du khách đến trải nghiệm.
Với những du khách muốn ở lại qua đêm ở Nậm Cang, hãy tìm hiểu thông tin và đặt phòng trước càng sớm càng tốt. Bởi là một địa điểm chưa thực sự được nhiều du khách biết tới nên ở Nậm Cang vẫn chưa còn ít các cơ sở lưu trú. Và đừng quên thưởng thức những món ngon của núi rừng Tây Bắc như thắng cố, xôi ngũ sắc, lẩu cả hồi, hay những món ăn dân dã trong mâm cơm của người bản địa nơi đây.
T.P