Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Bộ tam” và Biển Đông

“Bộ tam” và Biển Đông

Hết “bộ Tứ kim cương”, nay lại tới “bộ tam” Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ngồi với nhau bàn về chuyện thế giới đại sự. Một khi đã nói chuyện thế giới, tránh sao khỏi đề cập tới Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Trại David ngày 18/8.

Truyền thông quốc tế cố ý nhấn mạnh chi tiết “đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, Tổng thống Mỹ đón lãnh đạo nước ngoài đến khu nghỉ ngơi của tổng thống tại Trại David gần Washington” để nêu bật tính chất đặc biệt của sự kiện này.

Thế cũng còn chưa đủ, tính chất đặc biệt còn thể hiện ở chỗ đây là cuộc gặp ba bên trực tiếp giữa ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc mà không phải bên lề một sự kiện nào đó, mà là chính thức. Thậm chí, có người còn kỳ vọng: sự kiện ngoại giao mang tầm quốc tế này sẽ “mở ra trang sử mới” trong quan hệ hợp tác giữa ba đồng minh chí cốt do Mỹ cầm chịch.

Những vấn đề trong chương trình nghị sự toàn mang tính toàn cầu, như việc phát triển hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, hợp tác an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, xung đột Nga-Ukraine…

Trong thân phận “kẻ bên lề”, Trung Quốc chỉ quan tâm, ba “ông kễnh” hình thành 2 cặp đồng minh Mỹ – Nhật và Mỹ – Hàn này thì thào với nhau thế nào về thế giới. Và đặc biệt, cái Trung Quốc soi mói nhất là liên quan tới Trung Quốc, nội dung câu chuyện giữa “bộ tam” là gì, thiện ý hay ác ý?

Thế nên, nghe ngóng, dự đoán trong sự cay cú, hậm hực – nếu điều đó đang hiện diện và làm nóng ran những cái đầu tại Trung Nam Hải – thì cũng đâu có gì là lạ.

Thực ra, quan ngại, lo lắng của Bắc Kinh có từ trước khi hội nghị diễn ra kia. Chẳng thế mà, trả lời câu hỏi xóc óc của cánh báo chí đề nghị bình là sự kiện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Bắc Kinh phản đối “tập hợp nhiều nhóm nhỏ khác nhau của các nước liên quan”; “Trung Quốc phản đối những việc làm gia tăng đối đầu và ảnh hưởng đến an ninh chiến lược của các nước khác”. Nói cách khác, không nói trắng phớ, nhưng Bắc Kinh coi sự kiện xảy ra tại trại David như một cái gì mờ ám và không tử tế.

Giới chức Trung Quốc còn hẳn phải điên lên trước nhận định của một chuyên gia quốc tế Lu Chao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mỹ và Đông Á tại ĐH Liêu Ninh: “Hội nghị của lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc sắp tới có thể dẫn đến hình thành một liên minh quân sự ba bên”…

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược căng thẳng giữa các quốc gia, trong đó, Trung Quốc là một đối thủ nặng ký nhất so đo với Mỹ, một “bộ tứ kim cương” bao gồm Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ (QUAD), tiếng là cam kết hợp tác để đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, nhưng thực chất, ai cũng hiểu, Bắc Kinh càng hiểu, là công cụ kiềm chế Trung Quốc, đã đủ khiến Trung Quốc điên đầu, tức lồng lộn, nay thêm một liên minh quân sự “tay ba” Mỹ, Nhật, Hàn, bảo Trung Quốc không tức tối, không lo lắng sao được?

Sự tức tối càng tăng thêm khi những suy đoán đa nghi của Bắc Kinh, cũng là dự đoán của giới quan sát quốc tế đã thành sự thật. Điều đó trước tiên thể hiện qua tấm ảnh ba nhà lãnh đạo hồ hởi như không thể hồ hởi hơn; phấn khởi như không thể phấn khởi hơn, được Nhà trắng tung ra cho cánh truyền thông phóng ra khắp thế giới.

Phải thành công tốt đẹp, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mới cùng cả cười và rạng rỡ được đến thế chứ! Còn ngược lại, bất đồng quan điểm, mỗi người một phách, thì dẫu quốc tiệc của ngài chủ nhà thịnh tình Biden toàn những mỹ vị thượng đẳng đến mức nào, hai ông Yoon Suk-yeol, ông Fumio Kishida cũng lầm lũi mỗi người ngảnh mặt đi một hướng mà thôi.

Mới biết, mới thấy ông Biden tài đến mức nào khi kéo và gắn hai cựu thù Nhật và Hàn dính lại được với nhau. Mà dính vì cái gì? Vì chuyện hạt nhân Triều Tiên, chuyện Ukraine – đành thế, nhưng điều quan trọng, một trong những chất kết dính là Trung Quốc.

Nói cách khác, hóa ra, cho dù Trung Quốc cùng là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Nhật và Hàn, nhưng cũng như Mỹ, cả Nhật và Hàn, dù không là những bên liên quan trực tiếp chủ quyền Biển Đông, đều khó chịu và nhìn thấy nguy cơ nghiêm trọng với cả thế giới, chứ không chỉ vài bốn nước Đông Nam Á, từ những hành vi ngang ngược, coi thường pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông.

Chính vì thế, trong Tuyên bố chung nóng hổi của Hội nghị thượng đỉnh tại Trại David mà truyền thông quốc tế vừa đưa hổi hả, nhiều tờ báo lớn đã xoáy vào đoạn nói về Trung Quốc: “Liên quan đến những hành động nguy hiểm của Trung Quốc mà chúng ta chứng kiến gần đây nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ phi pháp ở Biển Đông, chúng tôi… phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, và coi đó như những ngôn từ mạnh mẽ nhất của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc phê phán, chỉ trích Trung Quốc.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới