Fidel Castro, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Cuba, được hàng trăm triệu người trên khắp thế giới hâm mộ. Cuộc đời của ông là một huyền thoại độc nhất vô nhị. Từ khi trở thành người đứng đầu nước Cộng hòa Cuba ở tuổi 33 cho tới nay khi đã ngoài tuổi 80, Fidel Castro chứng kiến biết bao sự kiện long trời lở đất, bao nhiêu bí mật quốc gia và quốc tế, nhất là sự kiện Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 suýt trở thành ngòi nổ dẫn tới Đại chiến thế giới lần thứ ba. Cuộc đời của Fidel Castro thực sự là nguồn tài liệu vô giá đối với các nhà nghiên cứu lịch sử và xã hội cũng như tất cả những người bình thường trên thế giới này.
Bởi vậy khi nghe tin cuốn sách Fidel Castro: My Life – A Spoken Autobiography (Fidel Castro: Đời tôi – Tự truyện kể) của hai tác giả Ignacio Ramonet và Fidel Castro sẽ được nhà xuất bản Penguin xuất bản vào ngày 1 tháng 11 năm 2006 và mạng Amazon phát hành vào tháng 2 năm 2008, dư luận toàn thế giới đã xôn xao bàn luận và chờ đợi.
Tác giả Ramonet người Tây Ban Nha, hiện là Tổng Biên tập báo tiếng Pháp Le Monde diplomatique (Thế giới ngoại giao) xuất bản tại Paris. Ông cũng là đồng sáng lập viên của tổ chức phi chính phủ Media Watch Global. Ramonet ít viết sách, năng phỏng vấn các chính khách tên tuổi.
Thực ra bản đầu tiên của cuốn sách này dưới tên Fidel Castro: Tiểu sử trong hai tiếng nói in bằng tiếng Tây Ban Nha đã được xuất bản 12.000 cuốn từ mấy năm trước tại Tây Ban Nha, quê hương của Ramonet. Năm 2006 nó được phát hành ở Cuba dưới cái tên Một trăm giờ với Fidel Castro, cũng tiếng Tây Ban Nha (ngôn ngữ chính của Cuba). Sách đã bán được 40 nghìn bản tại Mỹ. Bạn đọc Cuba và khắp thế giới đều nhiệt liệt hoan nghênh cuốn tự truyện này.
Trong cuốn sách trùng tên với tự truyện của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ấy, Fidel Castro lần đầu tiên kể lại một cách toàn diện và chi tiết về cuộc đời và tư tưởng của mình. Ông nhớ lại mọi sóng gió và trục trặc trong những ngày bắt đầu hoạt động cách mạng. Dĩ nhiên ông không thể quên sự kiện Vịnh Con Lợn (vụ quân đội phản cách mạng đổ bộ lên Cuba và bị tiêu diệt), vụ khủng hoảng tên lửa Cuba xôn xao toàn cầu, mối quan hệ với Che Guevara và 10 đời Tổng thống Mỹ ông từng giao thiệp. Cuốn sách cũng dành không ít trang kể về cố Tổng thống Nga Yeltsin, Tổng thống Hugo Chavez, Tổng thống đã bị xử tử Saddam Hussein, cố Giáo hoàng John Paul II. Fidel cũng chẳng ngại bình phẩm và phản bác lại những lời của phương Tây buộc tội ông “độc tài”, “tàn bạo”. Ngoài ra, Fidel còn để lộ một số chuyện đời tư của mình, như thời thơ ấu và cha mẹ, nỗi gian nan cai thuốc lá, sự hâm mộ nhà văn Hemingway, thậm chí cả tiền lương hàng tháng của mình.
Nội dung nói trên là kết quả ghi chép những lần Ramonet phỏng vấn Fidel Castro, tổng cộng chừng hơn 100 tiếng đồng hồ. Các nội dung đó chưa từng được công bố trước khi viết thành sách. Mới đây, khi trả lời báo chí, Fidel Castro cho biết nguyện vọng muốn hoàn thành việc đọc duyệt bản thảo cuốn tự truyện này chính là động lực giúp ông vượt qua trận ốm lao đao hồi năm ngoái. Ông đã tặng bản tiếng Tây Ban Nha cuốn sách này cho bạn thân là Tổng thống Hugo Chavez.
Dưới đây là một số tiết lộ của báo The Guardian (Anh) số ra ngày 27/10 năm nay (2007) về một vài mẩu chuyện trong sách.
Ngày nào cũng tự kiểm điểm
Fidel Castro: Tôi từng nhiều lần tặng chữ ký cho người khác, nhiều tới mức ngài không thể tưởng tượng được. Tôi gặp và trò chuyện với rất nhiều người Mỹ, có lần cả năm chục người. Họ tặng hoa cho tôi, có lần họ đưa cho tôi nhiều sách, bưu thiếp và những thứ để tôi ký tên. Tôi đành phải chụp ảnh với từng người trong số họ; ánh đèn flash làm tôi không thể mở được mắt, khiến tôi có cảm giác huyễn hoặc, thấy mình cứ như một cái gì kỳ lạ, như một con người không chân thực nữa.
Ramonet: Như một ngôi sao?
Castro: Vâng. Tôi là một người biết tự kiểm thảo. Nếu tôi trót nói câu nào nghe ra chẳng có ý nghĩa gì thì tôi rất khó chịu, vô cùng khó chịu. Con người phải luôn luôn tự kiểm điểm bản thân. Những năm gần đây, quyền lực không còn làm tôi dần trở nên tự đại, tự phụ … Ngày nào tôi cũng đều suy nghĩ, mình cần bớt tự phụ, bớt điên rồ, bớt tự mãn. Nên biết rằng đây là một kiểu kéo co với tính người. Tôi tin rằng giáo dục, tự giáo dục sẽ làm cho một nhân vật nhỏ trở thành người đàn ông đích thực.
Bác bỏ sự vu cáo của nước ngoài
Ramonet: Những người phê phán cách mạng thì có thái độ phủ định Ngài, họ nói Cuba là “Cuba của Castro”.
Castro: Những người ấy muốn tư nhân hóa cuộc cách mạng, để tôi một mình làm đại diện, dường như nhân dân không còn tồn tại nữa. Họ giả bộ coi như chưa từng tồn tại cuộc đấu tranh và kháng cự của hàng triệu người, gồm hàng chục nghìn thầy thuốc, nhà truyền giáo, công nhân và học sinh, mà chỉ tồn tại mỗi một lão Fidel Castro này thôi.
Ramonet: Ngài được rất nhiều người ủng hộ. Nhưng cũng có một số người lên án Ngài là “Kẻ độc tài” tàn bạo.
Castro: Tôi chẳng hiểu tại sao họ gọi tôi là “kẻ độc tài”. Thế nào là “kẻ độc tài”? Đó là người độc đoán chuyên quyền, hành động không bị sự ràng buộc của cơ quan chính quyền và luật pháp, muốn làm gì thì làm không chịu sự giám sát nào. Tổng thống Mỹ Bush được coi là “nhà lãnh đạo dân chủ nhất” – nhưng đấy chỉ là cách nhìn của các nước công nghiệp châu Âu; họ không hiểu được rằng ông Bush có thể ra những quyết sách đáng sợ trong tình hình không hỏi ý kiến Thượng viện và Hạ viện, thậm chí cả ý kiến của chính phủ ông. Ngay cả Giáo hoàng La-mã cũng chẳng có quyền lực lớn như Tổng thống Mỹ.
Mà tôi thì có độc đoán chuyên quyền gì đâu; chúng tôi cũng không phải quốc gia theo thể chế Tổng thống. Chúng tôi có Hội đồng Nhà nước; chức năng của tôi chỉ là người lãnh đạo trong chính quyền tập thể. Dĩ nhiên tôi có quyền lực; do nguyên nhân lịch sử, tôi cũng có ảnh hưởng. Nhưng tôi đâu có tiến hành lãnh đạo thông qua ra lệnh hoặc chỉ thị.
Không sợ chứng parkinson
Ramonet: Sức khỏe của Ngài thế nào ạ?
Castro: Rất tốt. Nói chung tôi đúng là cảm thấy rất khá, tinh thần sức lực tràn trề, đầy nhiệt tình với mọi việc. Tinh thần và sức lực đều rất khỏe mạnh. Tôi nghĩ rằng việc mình thường xuyên tập thể dục đã có tác dụng rất lớn; nó không những có ích cho sức khỏe mà còn có ích cho đầu óc, vì tăng tuần hoàn máu sẽ đưa ô-xy lên cho các tế bào não.
Ramonet: Tháng 11/2005, CIA từng tuyên bố Ngài mắc chứng parkinson. Ngài đánh giá “tin tình báo” ấy thế nào?
Castro: Điều đó coi như thừa nhận một việc lâu nay họ muốn làm mà chưa làm được: ám sát tôi. Nếu là kẻ thích hư vinh thì tôi sẽ cảm thấy tự hào vì chuyện này, vì những kẻ ngu ngốc đó bây giờ không thể không tiếp thu một sự thực là họ đành phải chờ cái chết tự nhiên của tôi. Ngày nào họ cũng bịa ra một số chuyện – Fidel Castro bị bệnh này, Fidel Castro mắc chứng kia. Sáng tạo mới nhất của họ gần đây là tôi mắc chứng parkinson. Được thôi, cứ cho là tôi mắc chứng bệnh ấy cũng chẳng sao. Giáo hoàng John Paul II mắc parkinson bao nhiêu năm mà Ngài vẫn chu du thế giới mấy vòng kia mà!
Chính quyền sẽ chuyển tiếp yên ổn
Ramonet: Ngài chưa nghĩ tới chuyện lúc nào thì nghỉ hưu ư?
Castro: Ngài xem đây, chúng ta đều biết thời gian đang trôi qua, tinh thần sức lực con người cũng không ngừng tổn hao. Nhưng tôi còn muốn nhắc lại lời tôi từng nói với các đồng chí của mình tại đại hội đại biểu chính quyền nhân dân toàn quốc năm 2003; khi ấy tôi tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Tôi nói với họ là: “Giờ đây tôi đã hiểu được rằng từ ngày tôi đến với thế giới này cho tới phút cuối cùng của cuộc sống, tôi không thể được nghỉ ngơi, đây là số phận của tôi.” Tôi hứa với các đồng chí: nếu họ đồng ý thì chỉ cần có nhu cầu và chỉ cần tôi biết mình còn hữu dụng thì tôi sẽ luôn luôn ở bên cạnh họ. Không bỏ một phút, không bỏ một giây.”
Ramonet: Ngài có cho rằng việc chuyển tiếp chính quyền sẽ không có vấn đề gì chăng?
Castro: Hiện nay thì chẳng có bất cứ vấn đề gì; sau này cũng không. Vì cách mạng không xây dựng trên cơ sở sùng bái cá nhân. Trong xã hội hiện đại, rất khó tưởng tượng có người nào lại làm gì chỉ vì mù quáng tin vào một nhà lãnh đạo. Cách mạng xây dựng trên cơ sở niềm tin, đây là niềm tin mà chúng tôi phấn đấu lâu dài vì nó, niềm tin được nhân dân cả nước tán đồng.
Ramonet: Ngài cho rằng lịch sử sẽ phán xét mình thế nào?
Castro: Chuyện ấy chẳng đáng lo. Napoleon luôn bàn về vinh dự, ông ta luôn bận tâm vì chuyện ấy. Nhưng ngài xem xem, ngày nay ở nhiều nước người ta biết nhiều hơn đến rượu mạnh Napoleon chứ không phải là công lao to lớn mà vị tướng và hoàng đế ấy từng lập được. Cho nên tôi nói cần gì phải bận tâm về chuyện phán xét của lịch sử.
Sau đây là một số câu chuyện Fidel Castro kể:
Khẩu chiến với Blair
Tôi có gặp Tony Blair một lần tại hội nghị của Tổ chức Y tế Thế giới họp ở Geneva. Ông ta rất thích nói những chuyện trên trời dưới biển, tỏ ra rất chi là ngạo mạn, khi nhìn người khác cứ như nhìn qua sống mũi từ trên xuống. Chúng tôi trao đổi với nhau vài câu, ngắn gọn mà gay gắt. Ông ta luôn nói về vấn đề lao động trẻ em. Tôi bảo ông: “Nghe đây, tôi thấy ngài đi khắp thế giới nói chuyện lao động trẻ em, thế nhưng tôi biết là nước Anh có 2 triệu lao động trẻ em đang làm việc.” Tôi nói rất bình tĩnh và đoán là nhất định ông ta phải suy nghĩ về câu đó. Anh chàng ngạo mạn ấy không đáng nhắc tới, chẳng qua là một tay ngu ngốc không biết gì về thế giới thứ ba.
Lương chỉ có 30 đô-la Mỹ
Tôi có vài món tiền tiết kiệm. Thù lao tôi hưởng là do có đóng góp kể từ ngày tham gia cách mạng, điều ấy rất hợp lý. Tiền lương của tôi vẫn thế, chưa bao giờ thay đổi. Tôi dùng nó để nộp đảng phí; phần lớn dùng để trả tiền nhà, ngoài ra hàng tháng còn gửi tiết kiệm… Nói về vật chất tôi chăng thiếu thứ gì cả, cái gì cần cũng có, hơn nữa nhu cầu của tôi không nhiều. Nếu tính 25 pê-sô đổi một đô-la Mỹ thì lương của tôi tương đương 30 đô-la. Thế mà tên tôi đã hai lần được người ta đưa lên bảng xếp hạng người giàu của thế giới. Chẳng rõ vì sao người ta làm như thế, hay là họ muốn thực hiện một mục đích gì. Thật quá ư bậy bạ, tôi chẳng có lấy một đồng xu Mỹ, cho tới khi chết tôi cũng sẽ không có một xu ngoại tệ nào cả và tôi lấy điều đó làm vinh dự. Có người đã ra giá mấy triệu đô-la Mỹ mời tôi viết hồi ký hoặc ra sách, tôi cũng không đồng ý.
Luôn đeo súng lục
Cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA lúc nào cũng muốn thi thố mưu mô ám sát; đã thế thì ngài chẳng khó tưởng tượng là tôi luôn kè kè khẩu súng bên mình. Tôi có một khẩu brô-ninh 15 viên đạn. Trong đời mình tôi đã bắn súng vô số lần. May mắn là tôi bắn rất trúng, bây giờ vẫn thế. Trong bất cứ tình hình nào tôi đều không sợ kẻ thù. Lần ngã (hồi tháng 10/2004) ấy, điều tôi quan tâm nhất là tay mình còn đủ sức sử dụng súng hay không. Súng ngay bên hông, tôi đã cho đạn lên nòng và khóa cò; tôi mở khóa, lấy kẹp đạn ra tháo đạn xem và tự nhủ: “Chẳng sao cả.” Đấy là chuyện hôm sau khi ngã. Tôi cảm thấy mình vẫn còn có thể bắn súng được.
Cai thuốc lá vì Cuba
Người đưa cho tôi điếu xì-gà đầu tiên là cha tôi; hồi ấy tôi mới 14-15 tuổi. Tôi còn nhớ mình đã hút hết điếu thuốc ấy, nhưng hút thế nào thì chẳng nhớ nữa. May sao tôi không nuốt khói vào bụng. Dù sao thì cũng đã hít chất ni-cô-tin. Trong đời mình, tôi đã hút nhiều xì-gà, cho tới một hôm cách đây hơn hai chục năm tôi quyết định cai hẳn. Chẳng ai buộc tôi phải làm thế, chỉ là tôi quyết định bắt mình phải bỏ thuốc. Tôi tin rằng bỏ thói quen ấy là một sự hy sinh tất yếu, là suy nghĩ vì nhà nước và sức khỏe của nhân dân.
Nghe mọi người suốt ngày nói phải tuyên chiến tập thể với béo phì, thói quen hút thuốc và sống không vận động, tôi bắt đầu hiểu rằng sự hy sinh mình cần phải làm vì nước cộng hòa Cuba là cai thuốc. Để làm gương cho mọi người, tôi đã bỏ thuốc và tôi chẳng bao giờ nhớ tới nó nữa.
Mặc quân phục là để tiện lợi
Lý do chủ yếu nhất tôi mặc quân phục là xuất phát từ thực tiễn, vì khi ấy tôi không cần ngày nào cũng phải đeo cà-vạt nữa … và chẳng cần phải suy nghĩ xem nên chọn mặc com-lê, sơ mi, đi tất chân và các thứ khác thế nào cho đúng bộ với nhau. Tôi chỉ mặc âu phục khi nào cần dự các nghi thức rất đặc biệt, như một số hội nghị quốc tế hoặc tiếp một số vị đứng đầu nước ngoài.
T.P