Các bên ở Trung Đông và vùng Vịnh xem ra ý thức được rằng khu vực này hiện rất sáng giá về địa chính trị, kinh tế và thương mại nhưng dễ bị bên ngoài phân rẽ
Trong bóng phủ của cuộc xung đột ở Ukraine và các cuộc đối đầu giữa một số đối tác lớn trên thế giới, khu vực Trung Đông và vùng Vịnh xảy ra dồn dập nhiều chuyển động về chính trị – ngoại giao.
Những động thái mới này không hoàn toàn cùng chiều mà pha trộn giữa đi vào hòa dịu và gia tăng căng thẳng, giữa khích lệ lạc quan và buộc phải quan ngại.
Tất cả gộp chung lại, báo hiệu khu vực này đang trong quá trình xáo động trên nhiều phương diện để tự sắp xếp và cấu trúc trật tự, qua đó ảnh hưởng đến cục diện chính trị, an ninh và quan hệ quốc tế.
Kể từ nhiều thập kỷ nay, Trung Đông và vùng Vịnh luôn chìm đắm trong chiến tranh và xung đột bạo lực vì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, vì xung khắc tôn giáo và đối đầu về ý thức hệ, vì sự can thiệp trực tiếp của bên ngoài phục vụ lợi ích địa chính trị của họ.
Trong thời gian gần đây, trên tất cả phương diện này đều có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và bất ngờ.
Israel và Palestine vẫn còn cách xa giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột dai dẳng lâu nay. Song, Israel đã tiến thêm được nhiều bước quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với thế giới Ả Rập.
Với sự trung gian của Mỹ, Israel đang cùng Ả Rập Saudi hướng tới thỏa thuận công nhận ngoại giao lẫn nhau. Diễn biến mới đáng chú ý nhất là Ả Rập Saudi cử đại sứ không thường trú tại Nhà nước tự trị Palestine và cử tổng lãnh sự ở TP Jerusalem theo thỏa thuận với Palestine.
Ả Rập Saudi tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel nhưng vẫn kiên định ủng hộ Nhà nước Palestine độc lập. Với vị thế đặc biệt và ảnh hưởng nổi trội trong thế giới Ả Rập, quan hệ giữa Ả Rập Saudi với Israel có tác động rất quyết định tới tiến trình tiếp theo giữa Israel và thế giới Ả Rập.
Động thái ngoại giao mới đây với Palestine cho thấy Ả Rập Saudi không thể không gắn việc bình thường hóa quan hệ giữa vương triều này và Israel với việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Đồng thời với việc các nước Ả Rập nối lại quan hệ với Syria, việc nhích lại gần nhau giữa Iran và Ả Rập Saudi cùng một vài vương triều khác ở vùng Vịnh cũng làm thay đổi bức tranh toàn cảnh ở khu vực này. Điều ấy càng nổi bật trong bối cảnh Iran và Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng.
Mỹ thậm chí còn chủ ý tăng cường hiện diện quân sự trực tiếp ở eo biển Hormuz để đối phó Iran giữa lúc hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận mới về vấn đề hạt nhân của Iran.
Thêm vào đấy, một số đối tác bên ngoài khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường mạnh mẽ nỗ lực chinh phục vùng Vịnh và Trung Đông cũng như thế giới Ả Rập.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn vị thế và ảnh hưởng vốn đã có được ở khu vực không những không bị tổn hại mà còn được tăng cường.
Các bên ở Trung Đông và vùng Vịnh xem ra ý thức được rằng khu vực này hiện rất sáng giá về địa chính trị, kinh tế và thương mại nhưng dễ bị bên ngoài phân rẽ. Vì thế, họ thấy cần thiết phải tự tìm cách hay tận dụng bên ngoài để dàn xếp ổn thỏa mọi mắc mớ lâu nay với nhau, gây dựng trật tự hòa bình và ổn định bền vững để cùng nâng vị thế và gia tăng thực lực.
T.P