Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không xuất hiện tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS ở Nam Phi nhưng ông sau đó vẫn dự tiệc tối do nước chủ nhà chủ trì.
Ông Tập Cận Bình dự bữa tối hôm 22/8 cùng lãnh đạo 2 nước Brazil và Ấn Độ, và ngoại trưởng Nga, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi.
Trước đó, ông Tập đã không xuất hiện tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS để có bài phát biểu như kế hoạch. Thay vào đó, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào thay mặt ông Tập tại sự kiện này.
Bài phát biểu của ông Tập do ông Vương đọc tại Trung tâm Hội nghị Sandton ở Johannesburg nói Mỹ thường chống lại các quốc gia đe dọa vị thế thống trị của họ trong các vấn đề toàn cầu và thị trường tài chính.
Bài phát biểu còn nói mọi quốc gia đều có quyền phát triển và mọi người phải có quyền tự do mưu cầu cuộc sống hạnh phúc. Nhưng có một quốc gia “bị ám ảnh với việc duy trì bá quyền và đã tìm mọi cách để vô hiệu hóa các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển”.
“Ai phát triển trước sẽ trở thành mục tiêu bị họ kiềm chế. Ai dần bắt kịp đều trở thành mục tiêu bị cản trở”, bài phát biểu của ông Tập viết.
Ông Tập cho biết việc các nước BRICS và hơn 50 quốc gia từ châu Phi tập hợp “không phải là hoạt động yêu cầu các nước đứng về phía nào, cũng không phải là hoạt động nhằm tạo ra sự đối đầu. Thay vào đó, đây là nỗ lực để mở rộng cấu trúc của hòa bình và phát triển”.
Một số nhân vật trong giới quan sát cho rằng sự vắng mặt của ông Tập tại diễn đàn trên là điều đáng chú ý. Bonnie Glaser, Giám đốc điều hành Chương trình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall của Đức, đặt câu hỏi liệu sự vắng mặt của ông có thể hiện có điều gì khác thường hay không.
BRICS là nhóm các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển hàng đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Hơn 30 nguyên thủ quốc gia khác và nhà lãnh đạo từ các tổ chức toàn cầu, bao gồm cả Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sẽ tham dự thượng đỉnh BRICS, dự kiến diễn ra trong các ngày 22-24/8.
Điểm nổi bật nhất trong chương trình thượng đỉnh lần này là khả năng kết nạp các thành viên mới vào khối. Đây được coi là cách để giảm bớt thế thống trị của phương Tây trong địa chính trị toàn cầu, cũng như giảm sự phụ thuộc vào đồng đôla Mỹ trong thương mại toàn cầu.
T.P