Sunday, September 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTại sao Mỹ không thể ngăn cản TQ trỗi dậy?

Tại sao Mỹ không thể ngăn cản TQ trỗi dậy?

Ngày nay, Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh số một của Mỹ trên các phương diện kinh tế, quân sự, ngoại giao và công nghệ. Họ có đủ sức mạnh để nuôi dưỡng tham vọng lật đổ ngai vàng của Mỹ. Washington nhận ra điều đó và tìm đủ cách ngăn cản. Tuy nhiên, Mỹ đang bất lực trong việc kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Vào những năm 1980 và 1990, nước Mỹ từng choáng váng khi biết Nhật Bản sẽ vượt qua họ về quy mô nền kinh tế. Điều đó không đến từ sự tưởng tượng mà qua các số liệu tin cậy. Thứ nhất, các ngành công nghiệp lớn từng do Mỹ thống trị như sản xuất ô tô, máy tính, điện tử, chất bán dẫn, đóng tàu hay sắt thép phần lớn đã bị người Nhật thâu tóm. Thứ hai, nhờ xuất khẩu bùng nổ, số tiền tích trữ của Nhật ngày càng nhiều và chúng được mang đi đầu tư khắp nơi nhằm sinh lời. Họ từng sử dụng hơn 100 tỷ USD, để mua những tài sản nổi tiếng của Mỹ như Trung tâm Rockerfellar tại New York, công ty điện ảnh Colombia Picture hay sân golf Pebble Beach. Nhiều tờ báo của Washington khi đó đã viết “người Nhật đang mua nước Mỹ”. Cuối cùng theo đánh giá của các nhà kinh tế học trong thập niên 80, GDP của Nhật tương đương khoảng 70% đến 80% so với Mỹ.

Để kiềm chế đàn em vượt mặt, Washington đã sử dụng sức ép buộc Tokyo cùng với Anh, Pháp và Đức ký văn kiện Hiệp định Plaza năm 1985. Theo đó cả 4 quốc gia chấp nhận cho USD được phép giảm giá trị so với đồng tiền của họ. Điều này giúp mang lại lợi thế về xuất khẩu cho Mỹ.

Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản như sau: Năm 1985, một bó rau của Nhật xuất sang Mỹ sẽ thu về 1 đô la, tương ứng với 240 yên. Đến năm 1988, vẫn bỏ ra 1 bó rau ấy thu về 1 đô la. Nhưng vì tiền của Mỹ đã giảm giá trị 2 lần nên 1 đô chỉ đổi được 120 yên. Khi đó để đạt doanh thu như tương ứng 240 yên, Nhật buộc phải tăng giá bán một bó rau lên 2 đô la. Với các sản phẩm khác cũng tương tự. Vô hình chung hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản trở nên đắt đỏ và khó chấp nhận. Khi người tiêu dùng quay lưng, các công ty tư bản, từ bán rau muống đến xe hơi, sẽ phải rút khỏi thị trường Mỹ, nhường chỗ cho các doanh nghiệp địa phương. Từ đó, Washington sẽ lấy lại vị thế là siêu cường sản xuất số một thế giới. Mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ.

Thế nhưng, nền kinh tế của Mỹ ngày nay đang phải đối mặt với khả năng bị soán ngôi lần thứ hai. Trung Quốc không khác gì Nhật Bản vào những năm 1980. Cụ thể, họ đang là nhà sản xuất lớn nhất thế giới và thống trị nhiều ngành công nghiệp quan trọng, như điện tử bao gồm smartphone, máy tính, tivi, v.v.. sản xuất ô tô. Năm 2022, Trung Quốc đã xuất xưởng 12 triệu chiếc ô tô so với 8 triệu của Mỹ. Thép chiếm 52% sản lượng toàn cầu. Ngoài ra, còn có ngành dệt may và hàng tiêu dùng cũng tăng sản lượng rất nhanh.

Nhờ sản xuất phát triển, Trung Quốc có rất nhiều tiền tích trữ. Trong đó, khoảng 860 tỷ đô la được dùng để cho Mỹ vay thông qua trái phiếu kho bạc. Hơn 1.300 tỷ đô la khác được giao cho tập đoàn đầu tư Trung Quốc quản lý. Đây chính là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, họ đã sử dụng khoảng 145 tỷ đô la để mua các tài sản của Mỹ. Phần lớn trong số đó là các giao dịch mua lại và sáp nhập công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và bất động sản. Nếu Washington không đưa ra các hạn chế đầu tư, số tài sản mà Trung Quốc có thể mua sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thêm một điểm tương đồng với Nhật Bản trong những năm 80: năm 2022, GDP của Trung Quốc bằng 73% của Mỹ. Chính vì những lý do trên, nỗi sợ bị Trung Quốc vượt mặt đang bao trùm nước Mỹ. Dĩ nhiên, họ không muốn ngồi yên chờ thoái vị.

Còn trước đó vào năm 2018, Hoa Kỳ đã tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với gần một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, trị giá 250 tỷ đô la. Tuy cách thức khác nhau, nhưng mục đích cũng giống trong quá khứ đã áp dụng với Nhật Bản: khi đánh thuế cao, hàng Trung Quốc sẽ không thể bán với giá rẻ; nếu tăng giá thì người tiêu dùng quay lưng; buộc các công ty phải rút khỏi thị trường Mỹ; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương nhảy vào thế chỗ.

Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế tương tự với 90% hàng hóa của Mỹ, trị giá 110 tỷ đô la. Cuối cùng, một ông chột mắt, một ông què chân. Cuộc chiến phải tạm dừng.

Sở dĩ Mỹ không thể giữ chân Trung Quốc vì hai bên quá phụ thuộc lẫn nhau. Hãy nhìn vào những con số sau đây: năm 2022, Mỹ xuất sang Trung Quốc số hàng hóa có giá trị 292 tỷ đô la. Còn Trung Quốc xuất 691 tỷ đô la sang Mỹ. Làm phép tính cộng thì ra giá trị thương mại song phương. Con số này lớn hơn so với của Mỹ và EU. Không chỉ trao đổi hàng hóa với số lượng lớn, Washington còn là nhà đầu tư hàng đầu vào Bắc Kinh trong hơn chục năm qua. Tổng số vốn tích lũy đến nay đã lên tới 256,2 tỷ đô la. Hàng trăm công ty của họ như KFC, General Motor, Microsoft, Boeing, Nike, Coca-Cola,….đang tạo ra lợi nhuận khoảng 30% tại thị trường tỷ dân. Ngoài ra, Trung Quốc còn là đối tác cung cấp đất hiếm quan trọng cho Mỹ, chiếm khoảng 74%. Chúng được sử dụng phổ biến trong các thiết bị điện tử và quân sự.

Chính vì mối quan hệ cộng sinh đó, mỗi khi Mỹ đưa ra biện pháp kiềm chế Trung Quốc phát triển, đồng nghĩa họ đang hại chính mình. Tuy nhiên, một khi đã ghét thì bất chấp. Chính phủ Washington vẫn tìm cách để gây khó khăn cho Bắc Kinh. Cụ thể họ đã kêu gọi các đồng minh của mình cùng tham gia vào một chiến dịch được gọi là “Clean Network” nhằm cô lập các công ty công nghệ Trung Quốc. Trong đó có việc tẩy chay các thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE trong các hoạt động quân sự và an ninh. Mỹ cũng thường xuyên tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền cũng như đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, nhằm hạ thấp uy tín của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Ngoài ra, Mỹ còn ủng hộ một số quốc gia có tranh chấp lãnh thổ và vùng biển với Trung Quốc. Thông qua đó khẳng định Bắc Kinh là kẻ thích bành trướng và bắt nạt kẻ yếu. Thậm chí Mỹ đã rất thành công trong việc khắc họa chính sách ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc. Đại ý là cho quốc gia khác vay tiền khiến họ nợ ngập đầu. Sau đó khi không có đủ khả năng trả, họ buộc phải nhượng bộ trong việc cho phép khai thác tài nguyên hoặc gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia của Mỹ đã bác bỏ quan điểm “bẫy nợ”. Cần tiền thì mới vay, thỏa thuận được ký trên giấy, đôi bên cùng có lợi. Khó có thể gọi là bẫy. Nói chung, Mỹ đã sử dụng rất nhiều chiêu thức để vẽ lên một hình ảnh tiêu cực của Bắc Kinh trên khắp thế giới. Tuy nhiên có một điều họ rất khó xoay chuyển, đó là thuyết phục các đồng minh hạn chế làm ăn với Trung Quốc.

Khi Mỹ cũng coi Bắc Kinh là đối tác hàng đầu, thì làm sao thuyết phục nước khác quay lưng? Hiện nay, đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản đều là Trung Quốc, chứ không phải Mỹ. Khi đã phụ thuộc vào nhau thì làm sao có thể hại nhau được?

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới