Wednesday, June 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTăng ngân sách quốc phòng - mối họa của loài người

Tăng ngân sách quốc phòng – mối họa của loài người

Còn hơn bốn tháng nữa mới kết thúc năm 2023 nhưng nhiều nước trên thế giới đã tuyên bố tiếp tục tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong năm 2024. Đài Loan là một vùng lãnh thổ nhưng cũng tuyên bố sẽ tăng mức ngân sách quốc phòng mức kỷ lục vào năm tới.

Vì lý do gì khiến các nước tăng mạnh ngân sách quốc phòng? Chỉ có thể trả lời rằng đó là một xu hướng đáng lo ngại, nó cho thấy sự bất an của các nước; nó thúc đẩy nhu cầu tăng chi tiêu quân sự để bảo đảm an ninh quốc gia, bất chấp những tác động ngược lại, đặc biệt là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đời sống người dân.

Hôm 21/8, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn thông báo, chi tiêu quân sự của Đài Loan sẽ dừng ở mức tăng 3,5% so với năm 2022, nhưng sẽ đạt mức cao kỷ lục mới vào năm sau 2024. Cái kỷ lục buồn này được bà Thái cho là, hòn đảo đang bị bao vây và chèn ép, cần phải nâng cao khả năng phòng thủ để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Cụ thể, Đại lục đã vô cớ tăng cường áp lực quân sự và chính trị trong ba năm qua để khẳng định những tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, điều mà Đài Bắc cực lực bác bỏ.

Giải thích rõ hơn, bà Thái Anh Văn tuyên bố: “Đài Loan phải tiếp tục tăng cường khả năng tự vệ, thể hiện quyết tâm tự vệ, đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia, đồng thời tìm kiếm thêm sự hỗ trợ quốc tế”. Bà giải thích thêm, xin đừng hốt hoảng về sự gia tăng này, vì khi Đài Loan tăng khoản tiền lớn đầu tư cho quốc phòng thì Trung Quốc đã nhanh chân hơn gấp nhiều lần.

Năm 2023 Đại lục đã chi 1.553,7 tỷ nhân dân tệ (gần 225 tỷ USD), tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ 2021, đây là năm thứ ba liên tiếp, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng mạnh, trong khi đó, 8 năm liên tiếp nước này duy trì tăng trưởng ở mức một con số.

Về sự gia tăng các khoản chi cho quốc phòng, Đài Bắc đã tính toán chi li, dự kiến năm 2024 sẽ đầu tư 606,8 tỷ Đài tệ (19 tỷ USD), chiếm 2,5% GDP của hòn đảo, đương nhiên phải chờ Quốc hội phê chuẩn. Ngân sách sẽ bao gồm một khoản đặc biệt dành cho các khoản chi tiêu bổ sung không xác định. Và đây cũng sẽ là năm thứ bảy liên tiếp tăng mức chi tiêu quân sự của hòn đảo, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm hơn rất nhiều so với mức tăng (dự kiến) 14% trong năm nay.

Trước khi quyết định tăng đầu tư cho ngân sách quốc phòng, Bà Thái Anh Văn đã giám sát một chương trình hiện đại hóa quân sự để giúp lực lượng vũ trang của Đài Loan tăng cường khả năng chiến đấu với quân đội Trung Quốc. Đài Loan ưu tiên cho việc nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu F-16 và phát triển tàu ngầm. Nguyên mẫu tàu ngầm nội địa đầu tiên dự kiến sẽ được công bố vào tháng 9/2023.

Đáng lo ngại, nền kinh tế Đài Loan năm nay dự kiến chỉ tăng trưởng 1,36%, đây là tốc độ chậm nhất trong 8 năm qua, do nhu cầu yếu đối với các sản phẩm công nghệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.

Theo các nhà bình luận quốc tế, việc Đài Loan gia tăng ngân sách mua sắm vũ khí diễn ra trong bối cảnh, mối quan hệ giữa hòn đảo với Đại lục ngày càng căng thẳng. Trung Quốc đã liên tục thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn nhất quanh Đài Loan, nhằm phản đối quan chức Mỹ thăm Đài Bắc và quan chức Đài Loan thăm Washington.

Trong khi đó Trung Quốc cho rằng, đó là những “hành động cần thiết”, là “phản ứng phù hợp” nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn nỗ lực chia cắt đòi độc lập cho Đài Loan và sự can thiệp thô bạo của Mỹ và đồng minh, phá hoại chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Nhìn một cách toàn cục, việc các nước tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong năm 2023 và dự kiến tăng trong năm sau cho thấy sự bất an của các nước, từ các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc đến các nước khác như Ukraine, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên….

Khi ngân sách chi tiêu quân sự tăng chóng mặt sẽ khiến cho cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới diễn ra mạnh mẽ hơn. Nếu không có sự điều chính sẽ ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, đẩy thế giới vốn đang ở trạng thái “không chắc chắn”, tiếp tục đối mặt với nguy cơ xung đột, đối đầu.

Thế giới đang thiếu một cái “phanh hãm”- một cơ chế quốc tế – có thể ngăn cản những quyết định chính trị và quân sự “bất cẩn”, khiến cho những mối đe dọa như chiến tranh hạt nhân trở nên lơ lửng trên đầu loài người.

Những diễn biến mới từ cuộc chiến Nga- Ukraine cho thấy, thế giới đang trên bờ vực của cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO. Quan chức NATO gần đây tuyên bố, sẵn sàng cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga. Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Rob Bauer nói thẳng ra rằng: liên minh quân sự này “sẵn sàng” cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga. Nếu có bất kỳ lằn ranh đỏ nào liên quan đến mối quan hệ giữa Nga và NATO thì đó là khi “Nga vượt qua ranh giới lãnh thổ NATO”.

Còn theo Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) và Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) thì, thế giới đang đứng trước nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân mới, thậm chí là nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân rất cao, cao chưa từng có trong lịch sử.

Vì những lý do nêu trên, tình hình an ninh quân sự thế giới năm 2024 được dự báo sẽ còn nhiều biến động, phức tạp trong quá trình vận động, hình thành trật tự thế giới đa cực. Nó ẩn chứa nhiều hiểm nguy, xuất phát từ những bộ óc bành trướng, dẫn đến tính toán sai lầm, trước mắt là nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp.

Tín hiệu tăng đầu tư ngân sách quốc phòng ở Đài Loan không phải là cá biệt. Đó là tín hiệu xấu, nhất là khi kinh tế tăng trưởng rất thấp.

Khi những tên lái súng kiếm bộn tiền, khi những nhà sản xuất, nhà khoa học làm ăn thua lỗ, kinh tế lao dốc thì dẫn đến hậu quả gì? Câu trả lời đó ai cũng có thể trả lời, nhưng rút cục người ta vẫn cứ giơ ta biểu quyết cho cái gọi là “bảo vệ an ninh quốc gia”. Chuyện cực chẳng đã gây nên mối họa của loài người trước nguy cơ “Chiến tranh lạnh 2.0”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới