Theo cựu sĩ quan tình báo Mỹ Tony Shaffer, NATO và Ukraine đang lâm vào tình thế éo le bởi cuộc phản công không mang lại kết quả mong muốn.
NATO đang thua?
Tuyên bố của Tony Shaffer được đưa ra khi nói về tình thế hiện nay của NATO và Ukraine trong cuộc phản công nhằm vào lực lượng Nga.
Hiện nay, NATO đang ở thế thua trong vấn đề Ukraine, đến mức bất kỳ hành động nào của khối quân sự này cũng đều chứng tỏ rằng những bước đi của Tổng thống Nga Vladimir Putin đều đúng.
“Nếu như NATO thậm chí còn tính đến chuyện tấn công Nga, thì sẽ chỉ càng chứng tỏ sự đúng đắn của ông Putin. Đó là tình huống đại bại đối với NATO.
Càng cố tỏ ra hung hăng hơn, họ càng chứng tỏ ông Putin đúng, càng tiếp tục cung cấp tài trợ cho Ukraine, họ càng chứng thực quan điểm của Nga”, Shaffer nói trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Steven Gardner.
Theo quan điểm của cựu sĩ quan tình báo Mỹ, phương thức duy nhất còn lại đối với liên minh quân sự NATO là thừa nhận rằng cần phải thuyết phục Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Nga.
Đánh giá về nhận định của Shaffer, ông Andrei Koshkin chuyên gia khoa học chính trị quân sự, Chủ nhiệm Bộ môn Phân tích chính trị và các tiến trình tâm lý xã hội thuộc Học viện Kinh tế Plekhanov nêu ý kiến rằng NATO thực sự đã lâm vào ngõ cụt.
“Nhận xét và tuyên bố mà Schaffer đưa ra tương ứng với sự kiện có thật. Đây là tình huống báo trước thất bại, là ngõ cụt đối với NATO.
Nói theo thuật ngữ của môn cờ vua, NATO đang ở tình huống zugzwang – bắt buộc phải di chuyển – nhưng éo le thay là bất kỳ hành động nào họ thực hiện cũng đều chứng tỏ họ đã sai và chỉ làm cho tình hình của họ tệ hại thêm.
Schaffer thừa nhận rằng NATO đã sai. Đây là lời thừa nhận khó khăn, phải là một nhà phân tích mạnh mẽ để can đảm thừa nhận sai lầm và thế thua như vậy.
Nếu NATO quan tâm đến việc đưa ra những dự báo thực tế về diễn biến phát triển tình hình, thì hãy nên nghiên cứu sâu hơn những bài phát biểu của Tổng thống Nga”, chuyên gia Andrei Koshkin nói.
Cái giá phải trả
Theo Alexander Gusev, Tiến sĩ khoa học chính trị, giáo sư của Viện hàn lâm khoa học Nga, phương Tây phải chịu chi phí về tài chính cũng như về hình ảnh liên quan đến cuộc phản công của Ukraine.
Tờ Washington Post trước đó đưa tin rằng Ukraine đang dần cạn hết các phương án hành động trong khuôn khổ cuộc phản công. Như đã lưu ý, việc Kiev không thể cho thấy thành công trên chiến trường làm dấy lên lo ngại rằng cuộc xung đột đang “đi vào bế tắc” và sự hỗ trợ của phương Tây có thể sẽ bị suy yếu đi.
“Các lực lượng vũ trang Nga đang phá hủy một cách có hệ thống, có mục đích không chỉ nhân lực của quân đội Ukraine mà còn cả thiết bị của phương Tây. Phương Tây không chỉ phải trả giá về mặt tài chính mà còn cả về hình ảnh”, Gusev nói.
Ông nói thêm rằng phương Tây đang cảm thấy mệt mỏi trước các cuộc phản công bất thành của quân đội Kiev. Chuyên gia lưu ý: “Những kế hoạch mà truyền thông Ukraine và phương Tây luôn nói về cuộc phản công dần cạn kiệt”.
Theo Gusev, Quốc hội Mỹ đang thường xuyên hơn thảo luận về vấn đề ngừng phân bổ tiền cho Kiev. Ông nhấn mạnh rằng quan điểm này không chỉ từ phía đảng Cộng hòa mà có cả của các đảng viên Dân chủ.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2/2022. Tổng thống Putin gọi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt là một biện pháp bắt buộc, Nga không còn cơ hội để làm khác, rủi ro về an ninh đã được tạo ra đến mức không thể phản ứng bằng các biện pháp khác.
Theo ông chủ Điện Kremlin, Nga đã cố gắng trong 30 năm để thỏa thuận với NATO về các nguyên tắc an ninh ở châu Âu, nhưng để đáp lại, Nga đã phải đối mặt hoặc với sự thiếu trung thực, hoặc bị gây áp lực, trong khi đó liên minh này bất chấp sự phản đối của Moscow dần dần mở rộng và tiếp cận với biên giới của Liên bang Nga.
T.P