Những căng thẳng gần đây liên quan tới Biển Đông nêu bật vấn đề gai góc nhất khi Trung Quốc và các quốc gia Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo các nguồn tin của Hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản), ba nước gồm Mỹ, Nhật và Úc sẽ tiến hành tập trận chung ở Biển Đông từ ngày 23-8.
Phô diễn tàu chiến ở Biển Đông
Hãng tin AP dẫn lời các quan chức Philippines cho biết cuộc tập trận chung nêu trên sẽ diễn ra tại khu vực ngoài khơi vùng biển phía tây Philippines, nhằm mục đích “nhấn mạnh cam kết của các bên” về luật pháp trong khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc có một số biểu hiện quyết đoán tại các vùng biển tranh chấp mới đây.
Thời gian qua, tình hình Biển Đông căng thẳng trở lại với tâm điểm là Philippines và Trung Quốc. Hôm 5-8, Philippines nói hải cảnh Trung Quốc dùng “vòi rồng” chặn một tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines khi con tàu này làm nhiệm vụ hộ tống các tàu tiếp tế cho quân nhân trên tàu BRP Sierra Madre đóng ở bãi Cỏ Mây.
Kế hoạch tập trận chung của Mỹ, Nhật, Úc được cho đã lên từ trước. Nhưng các chỉ huy từ ba nước này và Philippines sẽ gặp gỡ tại Manila để gửi đi một “thông điệp mạnh mẽ”.
Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản dự kiến đưa tàu Izumo tới cuộc tập trận trên. Đây là tàu khu trục lớn nhất của Nhật, và có thể tàu khu trục trực thăng này sẽ đảm nhiệm vai trò của một tàu sân bay sau các đợt cải tiến tiếp theo, vốn bắt đầu từ năm 2025.
Trong khi đó, Hải quân Hoàng gia Úc sẽ điều tàu tấn công đổ bộ Canberra tới vùng biển ngoài khơi Philippines, còn Hải quân Mỹ sẽ gửi tàu sân bay USS America tham gia tập trận.
Trung Quốc nhiều lần phản đối sự hiện diện của các tàu chiến ngoài khu vực ở Biển Đông, cho rằng đây là biểu hiện khiến căng thẳng leo thang. Bắc Kinh cũng đang phản ứng gay gắt trước việc lãnh đạo Mỹ, Nhật và Hàn Quốc gặp nhau tại Trại David tuần trước, trong đó lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hâm nóng cuộc họp COC
Giới quan sát cũng lưu ý một số diễn biến mới gần đây cho thấy Mỹ đang dần thuyết phục thành công các nước trong việc gia tăng sức ép lên Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Hôm 21-8, Nikkei Asian Review điểm ra hai sự thay đổi trong lập trường của Hàn Quốc và Ấn Độ.
Với Hàn Quốc, thông điệp từ Trại David nêu trên là lần đầu tiên Hàn Quốc công khai ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, tại cuộc gặp ngoại trưởng cuối tháng 6, Ấn Độ và Philippines nhấn mạnh nhu cầu giải quyết tranh chấp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm phán quyết 2016.
Phía Trung Quốc đã ngó lơ phán quyết trên và muốn Biển Đông là câu chuyện nên được giải quyết giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai ngày 19-8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng tăng tốc đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên, ông Vương cho rằng ASEAN nên “cảnh giác với các thế lực bên ngoài khu vực vốn đang muốn kích động sự đối đầu trong ASEAN”.
Điểm trùng hợp là ngay lúc Philippines đón hải quân các nước Mỹ, Nhật, Úc trong cuộc tập trận, nước này cũng là nơi tổ chức cuộc họp mới nhất của ASEAN và Trung Quốc về COC, diễn ra tại Manila từ ngày 22 tới 24-8.
Đàm phán COC đạt một số tiến triển nhưng nhìn chung chưa có đột phá. Trung Quốc được cho đang muốn đẩy Mỹ và “các nước bên ngoài” ra khỏi sự quan tâm của COC. Điều này vô tình có thể khiến cuộc tập trận chung Mỹ, Nhật, Úc như một bài kiểm tra, phản ánh những mâu thuẫn về COC cho lần họp tại Manila.
Với việc báo giới Philippines dậy sóng với các sự cố trên biển với Trung Quốc thời gian qua, có thể thấy Manila không nhượng bộ về vấn đề “các nước bên ngoài”. Là một đồng minh của Mỹ, Philippines cũng đã tăng cường hợp tác với nhóm Mỹ, Nhật, Úc song song với việc đồng ý cho phép Mỹ dùng thêm các căn cứ quân sự ở nước này.
Theo Đài CNN, đã có những ý kiến từ Philippines đề cập tới việc nước này nên cân nhắc có tiếp tục với COC hay không. Jay Batongbacal, chuyên gia luật biển Philippines, lập luận rằng COC vẫn là cách duy nhất để đối thoại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc cân nhắc khả năng bước ra khỏi đàm phán cũng là một cách thu hút sự chú ý của ASEAN để nhắc nhở tất cả về việc thực hiện quá trình đàm phán này một cách nghiêm túc hơn.
T.P