Monday, November 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNguồn cầu yếu gây áp lực cho kinh tế 6 tháng cuối...

Nguồn cầu yếu gây áp lực cho kinh tế 6 tháng cuối năm 2023

Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho thấy, nền kinh tế trong tháng 4 – 5/2023 đã phần nào ổn định hơn so với giai đoạn quý I/2023. Mặc dù vậy, các chuyên gia SSI nhận định, nguồn cầu yếu vẫn tiếp diễn sẽ gây áp lực lên cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

GDP 6 tháng đầu năm ở mức 4,5 – 5%

Tăng trưởng GDP hiện tại nghiêng về kịch bản kém lạc quan nhất trong Báo cáo Chiến lược 2023 của SSI Research (ở mức 4,5 – 5%), do thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn và nhu cầu xuất khẩu giảm mạnh hơn ước tính. Yếu tố tác động tích cực cho giai đoạn nửa cuối năm 2023 có thể đến từ các biện pháp hỗ trợ bổ sung từ Chính phủ. Doanh thu du lịch nửa cuối năm có thể tốt hơn ước tính nhờ việc nới lỏng các quy định về thị thực và hoạt động xuất khẩu hồi phục.

Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, Chính phủ đã chuyển hướng theo đuổi tăng trưởng thông qua việc sử dụng các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ, với mục tiêu hạ nhiệt mặt bằng lãi suất và tăng chi tiêu chính phủ, dựa trên dư địa cho chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn còn khá tốt.

Trên thực tế, một số biện pháp hỗ trợ đã được ban hành liên tục trong 3 tháng gần đây. Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khá chủ động trong bối cảnh hiện nay, khi là một trong số ít các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất điều hành để nới lỏng dần chính sách tiền tệ.

Động thái này không chỉ thể hiện qua việc giảm lãi suất (3 lần giảm trong giai đoạn từ tháng 3 – 5) mà còn thông qua việc ban hành một số Thông tư hướng dẫn về hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp cho các ngân hàng thương mại (Thông tư 03) và Thông tư cho phép các Ngân hàng thương mại thực hiện tái cấu trúc các khoản vay (Thông tư 02). Cùng với hai văn bản này là dự thảo sửa đổi Thông tư 41, nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay mua nhà ở xã hội và các dự án khu công nghiệp với việc giảm hệ số rủi ro tín dụng xuống mức thấp hơn các loại hình bất động sản khác.

Thông tư 02 cũng phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp/hộ gia đình gặp khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn ước tính trong nửa đầu năm 2023 thông qua chương trình tái cấu trúc nợ, hiện tại áp dụng cho tất cả các ngành nghề và cho các khoản vay kinh doanh và tiêu dùng.

Trong khi đó, Thông tư 03 sẽ phần nào giải quyết vấn đề thanh khoản, liên quan đến phân phối trái phiếu thông qua các kênh ngân hàng. Với việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi ước tính một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại bảng cân đối kế toán của ngân hàng, điều này có thể giải quyết thông qua đàm phán/ gia hạn nợ theo quy định tại Thông tư 02 mới ban hành.

Tuy nhiên, SSI Research lưu ý rằng việc áp dụng trên thực tế có thể khác nhau đáng kể giữa các ngân hàng do mỗi ngân hàng có khẩu vị rủi ro khác nhau.

Về hỗ trợ chính sách tài khóa, Chính phủ Việt Nam đã thông qua đề xuất tiếp tục cắt giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% còn 8% trong nửa cuối năm 2023 đối với một số mặt hàng, dịch vụ giống như đã từng áp dụng trong năm 2022.

Về chính sách tài khóa, theo Bộ Tài chính, kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 707 nghìn tỷ đồng (~30,1 tỷ USD, tăng 21,9% so với kế hoạch 2022) và tính đến tháng 4/2023, ước tính giải ngân được 15,65% kế hoạch năm 2023 (110,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ).

Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ đã trao thêm quyền cho chính quyền địa phương, ví dụ về vướng mắc khung pháp lý đất đai, Chính phủ cho phép Chính quyền địa phương ở cấp thành phố và cấp tỉnh ủy quyền quyết định giá đất cho cấp quận/ huyện, nhằm giúp định giá đất sát giá thị trường.

Bên cạnh đó, một số địa phương đang nỗ lực giải quyết các vướng mắc cho một số dự án bất động sản (VD: tại TP.HCM, Đồng Nai…), nhưng điều này cũng cần nhiều thời gian do cần có sự phối hợp giữa trung ương và địa phương.

Luật bất động sản có nhiều điểm mới trong nửa cuối năm 2023

Trong nửa cuối năm 2023, tâm điểm đáng chú ý là kỳ họp Quốc Hội vào tháng 10 tới đây với việc thảo luận và dự kiến thông qua nhiều luật liên quan đến bất động sản sẽ được thông qua. Về Luật Đất đai sửa đổi, để có thời gian chuyển tiếp thuận lợi cho cơ chế xác định giá đất mới – theo cơ chế thị trường, việc áp dụng khung giá đất hiện tại có thể được kéo dài cho đến ngày 31/12/2025.

Đối với Luật tổ chức tín dụng, có thể chỉ có một phần các nội dung trong Nghị quyết 42/2017 về xử lý nợ xấu được luật hóa, và điều này có thể sẽ khiến các ngân hàng thương mại cần phải cẩn trọng hơn trong việc kiểm soát nợ xấu trong thời gian tới.

Tin tích cực trong tháng 5 vừa qua là Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 500/QĐ-Ttg, Quy hoạch Điện VIII (QHĐ 8) sau thời gian dài trì hoãn và 13 bản dự thảo trong 2 năm chuẩn bị. Nhìn chung, việc hoàn thành QHĐ 8 tầm nhìn 2050 được đưa vào cam kết giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, với ước tính công suất năng lượng tái tạo tăng lên 67,6 – 71,5% đến năm 2050. Ước tính đầu tư cho các dự án phát điện và truyền tải điện sẽ vào khoảng 134,7 tỷ USD đến năm 2030. QHĐ 8 cũng thể hiện các nội dung trong thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) mà Việt Nam tham gia vào cuối năm 2022.

Trước những lo ngại liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax – GMT) và việc thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi sẽ cần thêm thời gian (ước tính thông qua trong kỳ họp Quốc hội năm 2024), Quốc hội có thể sẽ ban hành một Nghị định để có thể triển khai GMT từ đầu năm 2024.

Việt Nam hiện có khoảng 335 dự án doanh nghiệp FDI với vốn đầu tư đăng ký hơn 100 triệu USD cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Các doanh nghiệp FDI này được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất dưới 15%, cụ thể các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, và Pegatron.

Chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng năm 2024

Năm 2024, chuyên gia SSI duy trì quan điểm cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ là yếu tố tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng. Về Chính sách tài khóa, việc kết thúc gói hỗ trợ kích thích kinh tế 2022 – 2023 sẽ khiến cho việc chi tiêu đầu tư của Chính phủ trong năm 2024 ước tính giảm so với 2023.

Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ cũng đang đề xuất giải pháp cho phần vốn chưa được sử dụng hay giải ngân trong gói hỗ trợ này thông qua việc linh hoạt điều tiết với Kế hoạch Đầu tư công trung hạn hay gia hạn giải ngân sang năm 2024 – 2025. Rủi ro đối với nền kinh tế trong năm 2024 không chỉ khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay rủi ro phá sản/ nợ xấu gia tăng từ nửa cuối 2024 trở đi mà có thể đến từ việc triển khai thiếu hiệu quả các biện pháp hỗ trợ/cải cách kinh tế.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới