Mỹ cáo buộc Nga, Trung “bao che” cho Triều Tiên khi cản trở phản ứng của Hội đồng Bảo an với các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 25/8, 13 trong số 15 thành viên, trừ Nga và Trung Quốc, lên án vụ thử nghiệm vệ tinh quân sự thứ hai của Triều Tiên trong vòng ba tháng, trong đó sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
“Chúng ta lẽ ra phải đoàn kết về vấn đề này. Nhưng kể từ đầu năm 2022, hội đồng này đã không thực hiện đúng các cam kết của mình chỉ vì sự cản trở của Nga và Trung Quốc”, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói. “Mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đang gia tăng trong khi Nga và Trung Quốc không thực hiện đúng trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.
Bà Thomas-Greenfield cũng lên án việc quan chức Nga và Trung Quốc dự cuộc duyệt binh tháng trước của Triều Tiên, nơi xuất hiện máy bay không người lái mới và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
“Nga và Trung Quốc đang tham gia ăn mừng hành vi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và tiếp tục cản trở hội đồng hành động”, Đại sứ Mỹ cho hay.
Advertisement
Tháng 5/2022, Nga và Trung Quốc phủ quyết nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Kể từ đó, Hội đồng Bảo an không đưa ra nghị quyết hay tuyên bố nào về Bình Nhưỡng. Hành động thống nhất gần nhất của Hội đồng Bảo an về Triều Tiên diễn ra năm 2017.
Đại diện của Nga và Trung Quốc cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về những động thái của Triều Tiên, đề cập đến cuộc tập trận đang diễn ra của Mỹ với Hàn Quốc.
Triều Tiên từ lâu khẳng định chương trình hạt nhân và vệ tinh quân sự của họ chỉ nhằm tự vệ. “Việc chúng tôi phóng vệ tinh trinh sát là hành động thực hiện quyền tự vệ hợp pháp nhằm ngăn chặn hành động quân sự thù địch ngày càng gia tăng của Mỹ”, Đại sứ Triều Tiên Kim Song nói, đồng thời nhấn mạnh đất nước ông chưa bao giờ công nhận các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Triều Tiên.
Triều Tiên hôm 24/8 phóng thử nghiệm vệ tinh quân sự nhưng thất bại do “lỗi hệ thống kích nổ khẩn cấp ở giai đoạn ba”. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lên án động thái này, yêu cầu Triều Tiên lập tức “chấm dứt hành động khiêu khích”.
Hoạt động quân sự của các bên gần đây khiến căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên leo thang. Mỹ triển khai nhiều vũ khí và phương tiện chiến lược tới Hàn Quốc, cũng như tổ chức nhiều cuộc diễn tập chung với Hàn Quốc và Nhật Bản để thể hiện năng lực quân sự trước Triều Tiên.
Triều Tiên chỉ trích các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc đẩy tình hình khu vực “đến thảm họa không thể đảo ngược và bờ vực chiến tranh hạt nhân”. Những hoạt động này đi quá giới hạn chịu đựng của Triều Tiên và họ sẽ đáp trả bằng cách thể hiện năng lực răn đe “thông qua hoạt động tấn công”.
Triều Tiên phóng vệ tinh vài ngày sau khi lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc cùng Nhật Bản gặp nhau tại Trại David. Vụ phóng cũng diễn ra sau khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung mang tên Lá chắn Tự do Ulchi ngày 21/8 và dự kiến kéo dài 11 ngày.