Một số chuyên gia nhận định về nguyên nhân khiến máy bay chở ông trùm Wagner gặp nạn, sau khi nó bốc khói trắng trên không rồi lao thẳng xuống đất.
Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsia) ngày 23/8 thông báo, một máy bay tư nhân Embraer Legacy 600 đã rơi ở vùng Tver khi trên đường từ Moscow đến thành phố St. Petersburg của Nga chiều tối cùng ngày.
Vụ tai nạn khiến toàn bộ 10 người trên khoang thiệt mạng, trong đó được cho là có ông trùm Yevgeny Prigozhin và một số chỉ huy cấp cao của lực lượng quân sự tư nhân Nga Wagner.
Theo trang tin quân sự Avia Pro, các nhà điều tra đang nghiêng về giả thuyết rằng máy bay chở ông trùm Wagner bị rơi do vụ nổ trong khoang máy bay. Một số nguồn tin nghi ngờ rằng, bom hoặc thiết bị nổ tự chế đã bị gài trên máy bay và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch.
Các chuyên gia dường như bác bỏ giả thuyết máy bay bị các hệ thống phòng không bắn rơi. Các mảnh vỡ của máy bay ở hiện trường không có dấu hiệu bị tấn công bằng tên lửa.
Theo nguồn tin, một giả thuyết được đưa ra là thiết bị nổ có thể đã được đặt ở phần đuôi máy bay, bằng chứng là phần đuôi máy bay đã rơi cách phần thân vài km.
Jeff Guzzetti, cựu giám đốc cơ quan điều tra tai nạn của Cục Hàng không Liên bang và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, cho rằng một sự cố nghiêm trọng liên quan tới cấu trúc của máy bay đã xảy ra trong quá trình máy bay hoạt động.
“Sự cố không thể xảy ra trừ khi có yếu tố nào đó kích hoạt. Trong các video (được chia sẻ), máy bay không giống như đang bay, mà đang rơi xuống như một chai nước”, ông Guzzetti nói.
Sau khi xem lại video máy bay rơi, hình ảnh mảnh vỡ và dữ liệu theo dõi chuyến bay, ông Guzzetti nói rằng, các bằng chứng đều cho thấy “dấu hiệu của một vụ nổ trên máy bay”.
Ông nhận định, một số kịch bản có thể đã xảy ra khiến một máy bay đang bay ở tốc độ và độ cao ổn định đột ngột rơi xuống và vỡ thành các mảnh. Ông chỉ ra các kịch bản gồm thiết bị nổ bị gài trên máy bay, hành động phá hoại trước chuyến bay làm suy yếu cấu trúc của máy bay, hoặc một lỗi cấu trúc nào đó khiến phần cánh hoặc đuôi bị tách ra khỏi phần còn lại của máy bay và khiến thùng nhiên liệu phát nổ.
Sidney Dekker, giám đốc Phòng thí nghiệm Đổi mới Khoa học an toàn tại Đại học Griffith ở Brisbane, Australia, cho biết khó có khả năng máy bay bị rơi do trục trặc kỹ thuật vì phần cánh dường như bị xé toạc khỏi thân chính của máy bay. Ông nhận định có hai cách để dẫn đến kịch bản này, gồm tấn công máy bay bằng tên lửa hoặc gài thiết bị nổ từ bên trong.
Theo Washington Post, hình ảnh hiện trường vụ tai nạn và hình ảnh vệ tinh cho thấy các mảnh vỡ của máy bay rơi ở ít nhất hai khu vực riêng biệt, trong đó phần buồng lái và phần đuôi cách nhau khoảng 1,5km.
Chuyên gia CS “Raghu” Raghuraman, dựa trên các bằng chứng hiện có, thiệt hại thảm khốc trong vụ rơi máy bay ở Nga có thể không phải do tên lửa gây ra. Ông dẫn bằng chứng phần đuôi máy bay bị tách ra và không có dấu vết hư hại rõ rệt do vụ nổ tên lửa gây ra.
Một số chuyên gia khác cũng cho biết họ không thấy bằng chứng về vụ phóng tên lửa đất đối không hoặc tác động của tên lửa khiến máy bay rơi.
Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết những lỗ thủng xuất hiện trên một trong các cánh của máy bay có thể là do một vụ nổ nhưng không có đủ bằng chứng để khẳng định đó là vụ nổ như thế nào. Ông cũng lưu ý rằng không có bất kỳ vệt tên lửa nào xuất hiện trong các video ghi lại vụ rơi máy bay.
T.P