Monday, December 23, 2024
Trang chủQuân sựSức mạnh của Su-34 trong cuộc chiến Nga-Ukraina

Sức mạnh của Su-34 trong cuộc chiến Nga-Ukraina

Su-34 đóng vai trò “xương sống” trong các cuộc tấn công của Không quân Nga khi có thể triển khai vũ khí tầm xa mà không đi vào phạm vi bảo vệ của hệ thống phòng không đối phương.

Tiêm kích Su-34.


Theo Bộ Quốc phòng Nga, tiêm kích Su-34 của nước này đã phá hủy toàn bộ một tổ hợp phòng không của Ukraine bằng tên lửa dẫn đường không đối đất.

“Một bốt chỉ huy và kiểm soát, một trạm radar cùng 2 bệ phóng S-300PS – hệ thống tên lửa đất đối không đã bị phá hủy trong cuộc tấn công”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Việc phá hủy toàn bộ hệ thống này đã làm suy giảm nghiêm trọng khả năng phòng không của Ukraine trong phạm vi bán kính 75km. Tổn thất trên của Kiev diễn ra giữa bối cảnh Ukraine đối mặt với sức ép vì nhịp độ phản công chậm và không thu về kết quả đáng kể.

Một số nhà quan sát cho rằng Nga dường như không quá tập trung vào việc tấn công để kiểm soát đáng kể lãnh thổ mà chú trọng vào việc làm suy giảm lực lượng và trang thiết bị quân sự của Ukraine bằng cách tận dụng khả năng phòng thủ mạnh mẽ cũng như việc có thể nhanh chóng bổ sung các bộ phận tổn thất. Moscow dường như đã chuẩn bị để đối phó mọi động thái tấn công của Ukraine trong bất kỳ kịch bản nào.

Theo một video được Bộ Quốc phòng Nga công bố, 2 tên lửa đã tấn công vào khu vực được cho là nơi đặt hệ thống phòng không của Ukraine. Thông báo của Bộ này cho biết: “Khu vực đặt hệ thống phòng không của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bị các máy bay ném bom Su-34 của Lực lượng Phòng không Nga phát hiện và phá hủy với các cuộc tấn công chính xác sử dụng tên lửa dẫn đường”.

Hiện chưa rõ, vì sao hệ thống S-300PS của Ukraine không tấn công vào UAV. Có hai cách giải thích cho việc này. Thứ nhất, có thể những người điều khiển UAV đã xác định được lỗ hổng trong phạm vi radar của hệ thống trên để phối hợp với tiêm kích Su-34.

Thứ hai là có thể những người điều khiển phía Ukraine đã cố tình tắt radar khi đoán được việc bị Hệ thống Tình báo Điện tử của Nga theo dõi mà theo đó, Moscow có thể tiến hành Áp chế hệ thống phòng không đối phương hoặc Phá hủy hệ thống phòng không đối phương (SEAD/DEAD) bằng tên lửa chống bức xạ Kh-31.

Điều đáng nói là ngày 14/8, trong video được Bộ Quốc phòng Nga công bố, toàn bộ một tổ hợp phòng không khác của Ukraine cũng bị tên lửa không đối đất của Moscow phá hủy.

Hay trước đó, theo một video Bộ Quốc phòng Nga công bố trên kênh Telegram ngày 20/9/2022, tiêm kích Su-34 của Nga đã sử dụng tên lửa không đối đất Kh-29 có độ chính xác cao để tấn công các mục tiêu từ khoảng cách lên tới 30km trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

“Các binh lính đã thực hiện nhiệm vụ tấn công vào các mục tiêu và hệ thống phòng không của đối phương. Các vũ khí chính xác giúp họ có thể hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu sử dụng các hệ thống nhắm bắn mục tiêu từ khoảng cách xa. Tên lửa Kh-29T được sử dụng với nhiệm vụ tấn công vào thành trì của quân đội Ukraine ở trong rừng”, Phó chỉ huy một phi đội cho hay.

Quân đội Nga đã khai thác tối đa khả năng tấn công mặt đất của các tiêm kích Su-34 để nhắm vào các mục tiêu của Ukraine, bao gồm các địa điểm tập trung lực lượng và các kho đạn dược thông qua các cuộc ném bom hoặc tấn công tên lửa.

Su-34 đóng vai trò “xương sống” trong các cuộc tấn công của Không quân Nga khi có thể triển khai vũ khí tầm xa mà không đi vào phạm vi bảo vệ của hệ thống phòng không đối phương. Ngày 1/6, Không quân Nga đã nhận được một lô Su-34 mới từ Tập đoàn Sản xuất Máy bay Thống nhất (UAC). Dựa trên tiêm kích Su-27 Flanker, chiến đấu cơ này được thiết kế cho các cuộc tấn công trên không và nhiệm vụ ném bom.

Hồi tháng 5/2022, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống tác chiến điện tử Khibiny được trang bị trên máy bay ném bom Su-34 sẽ được nâng cấp khi tính tới hiệu quả của loại máy bay này trong chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine.

“Bộ tác chiến điện tử sẽ được nâng cấp để vận hành tự động hơn. Vai trò của phi công trong phiên bản nâng cấp này sẽ được tối giản”, nguồn tin trên cho hay.

Khibiny là hệ thống tác chiến điện tử dùng cho máy bay. Tiêm kích được trang bị bộ tác chiến điện tử này sẽ trở nên vô hình trước radar của đối phương. Trường vô tuyến – điện tử bảo vệ xung quanh máy bay chiến đấu khiến các tên lửa bỏ lỡ mục tiêu. Bộ tác chiến điện tử này cũng có thể giúp hỗ trợ kiểm soát các vũ khí trên máy bay ném bom Su-34, tạo ra mạng lưới gây nhiễu và lọt qua hệ thống phòng không đa tầng của đối phương.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới