Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCOC – Philippines “ngãng” ra?

COC – Philippines “ngãng” ra?

Đương lúc các bên liên quan nỗ lực để có được COC, thì bỗng xuất hiện thông tin Philippines cân nhắc việc họ có nên tiếp tục tham gia đàm phán vấn đề này nữa hay không.

Việt Nam là quốc gia rất nỗ lực trong đàm phán COC

Thông tin do CNN phát ra. Dù “nóng”, nhưng nó vẫn chỉ là tin không chính thức, chưa có sự xác nhận từ nhà chức trách Manila. Tuy nhiên, CNN là một hãng truyền thông lớn, có tiếng là hay mò thành công nhiều chuyện nội bộ. Thế nên, bên cạnh những người lăn tăn, vẫn có nhiều người tin đó là điều có thể.

Nhưng người hoài nghi căn cứ vào lợi ích của Philippines khi có Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Lợi ích đó là gì? Là trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, phức tạp, COC với những quy định có tính ràng buộc, vẫn là cách khả thi nhất để Philippines có thể nói chuyện sòng phẳng với Trung Quốc về Biển Đông. Nghĩa là, cùng với Việt Nam, Malaysia, Philippines phải là quốc gia muốn nhất COC sớm ký kết.

Muốn nhất thì dẫu khó khăn, trở ngại đến đâu cũng phải tích cực lao vào mà làm, sao có thể nghĩ tới chuyện bỏ đàm phán?

Đó là chưa kể, cũng như nhiều thành viên ASEAN khác, Manila đã đầu tư thời gian vào COC từ hàng hơn 20 năm nay, kể từ khi Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông ra đời năm 2002 tại Phnom Penh trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Cũng Manila, là bên đã thể hiện sự quyết liệt khi dám quật cường tiến hành vụ kiện đình đám với Trung Quốc về Biển Đông tại Tòa trọng tài thường trực thành lập theo Phục lục VII, Công ước LHQ về Luật biển 1982 (PCA).

Thắng kiện, nhưng việc Trung Quốc không những không chấp nhận phán quyết mà còn hung hăng, ngang ngược hơn trên Biển Đông, theo logic thông thường, phải càng khiến Philippines cay cú, cần thêm một “cái gậy” nào đó trong cuộc đấu không cân sức nhằm bảo vệ lợi ích mà họ cho là mình có quyền chính đáng? Vậy thì, COC lẽ nào chẳng phải là “cái gậy” mà Manila đang muốn sao?

Ngược với sự hoài nghi trên, những người cho rằng Philippines có dấu hiệu “ngãng ra” ra với COC, là điều hoàn toàn có thể. Thậm chí, những người này còn nghĩ rằng, nếu điều đó là thật, thì chính nó thể hiện sự “tỉnh táo” của Manila so với các bên liên quan khác, như Hà Nội, Kuala Lumpur chẳng hạn.

Sự “tỉnh táo” thể hiện ở đâu?

Thể hiện ở chỗ, trong khi các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và Malaysia kiên trì đầu tư nhiều công sức, thời gian theo đuổi quá trình đàm phán COC với Trung Quốc; cũng các nước này đã mệt nhoài vì những trở ngại, nhưng đâu đó, họ lại vẫn chưa hết hẳn niềm tin vào cái gọi là “thiện chí” cùng “triển vọng lạc quan” của COC từ những nhà ngoại giao cáo già Trung Quốc như ông ngoại trưởng Vương Nghị. Còn Philippines, tới thời điểm này, đã nhận ra rằng, COC còn lâu mới thành hiện thực và có giá trị, ý nghĩa như những gì ASEAN đang ngắm tới và kỳ vọng trong hơn 20 năm qua, là xây dựng, thống nhất (ASEAN với Trung Quốc) các quy tắc khu vực hiệu quả và thực chất, đưa Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Trở ngại lớn nhất là COC, theo Manila hẳn thể hiện ở chỗ được đàm phán trên cơ sở UNCLOS (Công ước LHQ về Luật biển 1982). UNCLOS cũng chính là cơ sở để PCA thụ lý kiện của Philippines với Trung Quốc về Biển Đông năm 2012.

Tới năm 2016, PCA ra Phán quyết vụ kiện, giải thích cách hiểu UNCLOS, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra, áp đặt và đòi cộng đồng quốc tế thừa nhận. Giải thích của PCA đã bác bỏ gần như hoàn toàn yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Nói cách khác, Philippines đã thắng trong một vụ kiện hy hữu và đình đám.

Thắng lợi của Philippines cũng là thắng lợi của các bên liên quan vốn là nạn nhân của Trung Quốc trên Biển Đông, như Việt Nam, Malaysia. (Vì lẽ đó, Việt Nam cũng như các quốc gia khác, đã không cần phải tiến hành một vụ kiện Trung Quốc cũng về vấn đề “đường 9 đoạn” nữa).

Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra ngay sau khi PCA có kết quả. Là một bên tham gia UNCLOS, nhưng Trung Quốc, tiếp theo từ chối tham gia quá trình xét xử, đã phủ nhận phán quyết. Thậm chí, Bắc Kinh còn có những lời lẽ thóa mạ cách làm việc của Tòa, cho rằng, Tòa gắn với những khuất tất, không công bằng.

Trên thực địa, Trung Quốc còn có những hành động ngang ngược hơn với không những Philippines, Việt Nam, Malaysia, mà còn cả với Indonesia – quốc gia không liên quan trực tiếp vấn đề chủ quyền Biển Đông. Những cú đâm húc, ngăn cản hoạt động dầu khí; xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Philippines…liên tục xảy ra khiến Biển Đông căng thẳng, phức tạp hơn bao giờ hết…Mới và nóng nhất, là vụ tàu hải cảnh Trung Quốc “xịt vòi rồng”, ngăn cản tàu Philippines tiếp tế quân đồn trú trong khu vực bãi cạn Cỏ Mây (thuộc quần đào Trường Sa của Việt Nam, Philippines đang kiểm soát) ngày 5/8 khiến dư luận Philippines nóng ran lên.

Trong khi đó, những “nhà đạo đức giả” ở Bắc Kinh liên tục thốt ra những lời chứa chan thiện chí và trách nhiệm…Nghe mãi những lời này cùng lúc với chứng kiến, thậm chí thành nạn nhân của các hành động khiêu khích, đe dọa, gây hấn, không tỉnh ngộ ra để ngừng đi những kỳ vọng tới hoang tưởng vào Bắc Kinh sao?

Thế nên, nếu như Manila có đang cân nhắc việc nên hay không tiếp tục tham gia đàm phán COC – điều đó dám là tin thật đấy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới