Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCuộc chạy đua của các nhà khoa học chinh phục mặt trăng

Cuộc chạy đua của các nhà khoa học chinh phục mặt trăng

Sau thành công mới đây của Ấn Độ, Nhật Bản hôm nay (27.8) dự kiến bắt đầu sứ mệnh Quang phổ và Hình ảnh Tia X (XRISM) có sự đồng hành của tàu đổ bộ thông minh khám phá mặt trăng.

Nhật Bản gia nhập đường đua
Nhiệm vụ không gian lần này nhằm mục đích quan sát tia X xuất phát từ không gian sâu và xác định bước sóng của chúng với độ chính xác chưa từng có, tạp chí Nature đưa tin. XRISM là sứ mệnh chung của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cùng với sự tham gia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Cơ quan Vũ trụ Canada.

Theo kế hoạch, sứ mệnh sẽ được triển khai trong khoảng 3 năm, và dự kiến cung cấp cho giới nghiên cứu cái nhìn sâu sắc về các hiện tượng vật lý thiên văn, từ cách các cụm thiên hà hình thành cho đến quá trình các lỗ đen tạo ra các tia hạt năng lượng cao. Ông Makoto Tashiro, nhà thiên văn học tia X tại Đại học Saitama (Nhật Bản), người dẫn đầu XRISM, cho biết hành trình này sẽ “rất thú vị” đối với các nhà thiên văn học tia X.

Theo đài CNN, tia X được giải phóng ra từ một số vật thể và sự kiện giàu năng lượng nhất trong vũ trụ, yếu tố thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Vật chất giữa các thiên hà cũng thường bị khuấy động bởi các tia vật chất được tạo ra từ các lỗ đen siêu lớn nằm ở trung tâm các thiên hà. Lập bản đồ các vòng xoáy này có thể giúp các nhà vật lý thiên văn hiểu được nguồn gốc bí ẩn của các tia và cách chúng ảnh hưởng đến sự tiến hóa của thiên hà. Ông Richard Kelley, nhà nghiên cứu chính của XRISM tại NASA, kỳ vọng sứ mệnh sẽ cung cấp thêm thông tin về những gì được phóng ra từ các lỗ đen siêu lớn ở trung tâm các thiên hà.

Đồng hành cùng XRISM trên chuyến đi lần này là tàu đổ bộ thông minh khám phá mặt trăng (SLIM). Cũng được vận chuyển bằng tên lửa H-IIA, SLIM được kỳ vọng sẽ chứng minh khả năng hạ cánh chính xác tại một địa điểm đã được chỉ định ở bề mặt mặt trăng. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên sứ mệnh JAXA đáp xuống mặt trăng.

Tuy nhiên, không giống như các sứ mệnh đổ bộ gần đây, SLIM nhắm mục tiêu gần một miệng hố nhỏ tên là Shioli, nơi nó sẽ khám phá thành phần của đá, vốn có thể giúp các nhà khoa học giải mã nguồn gốc của mặt trăng. Đây cũng gần nơi tàu vũ trụ Apollo 11 hạ cánh xuống mặt trăng vào năm 1969. Theo kế hoạch, SLIM sẽ di chuyển trong quỹ đạo mặt trăng khoảng 3-4 tháng, quay quanh mặt trăng trong 1 tháng và bắt đầu hạ xuống, cố gắng đổ bộ nhẹ nhàng trong khoảng 4-6 tháng kể từ thời điểm được phóng.

Ấn Độ viết nên lịch sử
Nếu thành công, Nhật Bản sẽ ghi tên mình vào danh sách những quốc gia thành công trong sứ mệnh chinh phục mặt trăng.

Cách đây vài ngày, vào 18 giờ 4 ngày 23.8 (theo giờ New Delhi), Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) vừa khiến thế giới bất ngờ khi sứ mệnh Chandrayaan-3 đã hạ cánh một cách có kiểm soát ở gần cực nam mặt trăng, khu vực mà con người vốn chưa hiểu rõ. Ngày 23.8 đã được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi là “ngày lịch sử” đối với lĩnh vực không gian nước này, theo tờ Hindustan Times.

Xe tự hành Ấn Độ bắt đầu khám phá mặt trăng sau cú đáp thành công lịch sử

Mỹ quay lại đường đua
Mỹ đang quay lại đường đua chinh phục mặt trăng. Người đứng đầu NASA Bill Nelson đầu tháng này cho biết Mỹ đang “trong cuộc chạy đua không gian với Trung Quốc”, với mong muốn các phi hành gia của họ quay trở lại mặt trăng trước bất kỳ ai khác, trang The Register đưa tin.

Theo đó, NASA đang lên kế hoạch cho nhiệm vụ Artemis II để nối lại những thành tựu của sứ mệnh Apollo cách đây nửa thế kỷ, và đặt nền móng cho các khám phá xa hơn trong hệ mặt trời. Artemis II dự kiến đưa 4 phi hành gia bay vòng quanh mặt trăng trong chuyến hành trình kéo dài 10 ngày vào tháng 11.2024.

Chandrayaan-3 mang theo tàu đổ bộ Vikram và xe tự hành Pragyan. Theo kế hoạch, chúng sẽ duy trì hoạt động ở cực nam mặt trăng trong 2 tuần, tiến hành một loạt thí nghiệm bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt khu vực này.

Người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) S.Somanath cho biết tàu đổ bộ và tàu thám hiểm đang ở trong tình trạng tốt và “cả hai đều hoạt động rất tốt” nhưng các thí nghiệm vẫn chưa bắt đầu. Theo ông Somanath, có “nhiều vấn đề” trên bề mặt mặt trăng mà ISRO sẽ gặp phải, trong đó bụi và nhiệt độ mặt trăng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận chuyển động.

Nhiệm vụ Luna-25 thất bại ảnh hưởng thế nào đến chương trình không gian Nga?

Đây là lần thứ hai ISRO đưa tàu thăm dò tiếp cận cực nam mặt trăng. Năm 2019, sứ mệnh Chandrayaan-2 với số tiền đầu tư lên đến 6,15 tỉ rupee (1,785 nghìn tỉ đồng) đã đưa được phi thuyền lên quỹ đạo nhưng không thể có được một cú “tiếp đất êm ái”, theo Reuters.

Cực nam mặt trăng được chú ý bởi nó có băng, yếu tố có thể trở thành nguồn nhiên liệu, ô xy và nước uống cho các sứ mệnh trong tương lai, song địa hình gồ ghề khiến việc hạ cánh trở nên khó khăn.

Trung Quốc, Nga quyết liệt tham gia
Trung Quốc cũng đang để mắt đến cực nam của mặt trăng sau lần đầu hạ cánh xuống vùng phía xa của mặt trăng và trả lại các mẫu vật trong những năm gần đây. Ngoài ra, theo tạp chí Space, giới khoa học Trung Quốc đã ghép lại hình ảnh của các lớp bên dưới bề mặt phía xa của mặt trăng bằng cách sử dụng dữ liệu từ tàu tự hành Thỏ Ngọc 2.

Kế thừa Liên Xô, Nga mới đây đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng lần đầu tiên sau 47 năm. Tuy nhiên, ngày 19.8, cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos thông báo tàu Luna 25 không còn tồn tại do va chạm với bề mặt mặt trăng trong lúc sắp hạ cánh xuống cực nam. Nga vẫn còn 2 sứ mệnh Mặt Trăng nữa là Luna 26 và Luna 27, song tình trạng vẫn chưa rõ ràng sau thất bại của Luna 25.

RELATED ARTICLES

Tin mới