Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc “hôn nhân” mặn nồng Mỹ-Philippines có gây hiệu ứng ngược?

Cuộc “hôn nhân” mặn nồng Mỹ-Philippines có gây hiệu ứng ngược?

Quan hệ Mỹ-Philippines trong thời gian qua trở nên nồng ấm. Việc nâng cấp quan hệ với Philippines cho thấy, Mỹ đã đưa những cam kết với khu vực lên một tầng nấc mới, đó cũng là một trong những nỗ lực để Washington khẳng định vị thế của một siêu cường.

Niềm vui ấy trước hết thuộc về chính quyền và người dân hai nước. Còn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông thì nhìn nhận những chuyển động đó trong sự bình tĩnh và cẩn trọng. Bởi vì, sự xích lại này có thể tạo hiệu ứng ngược là đẩy tình hình ở khu vực vốn đã căng thẳng lại càng căng thẳng hơn, trước hết là đụng chạm đến “ông bạn lớn” của Philippines là Trung Quốc.

Từ khi lên nắm quyền (6/2022), Tổng thống Ferdinand Marcos Jr chủ trương thực thi một chính sách đối ngoại không hoàn toàn là đi ngược nhưng khác hẳn với cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Nếu như Duterte buông tay Mỹ, không cho phép “ông bạn vàng” tích trữ các hệ thống vũ khí, cũng như mở rộng khả năng tiếp cận quân sự luân phiên tới các căn cứ có vị trí chiến lược gần Biển Đông, chấm dứt hầu hết các cuộc tập trận chung quy mô lớn … thì Marcos “con” không hề nặng lời với Nhà Trắng.

Vừa mới nhậm chức, ông Marcos Jr nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và dần nghiêng về Mỹ, một đối tác lịch sử. Ông bày tỏ quan điểm, lên án các hoạt động ngang ngược của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Philippines. Sự kỳ vọng của người dân nước này đã đưa ông đến quyết định dứt khoát: cam kết thực thi một chính sách đối ngoại cân bằng hơn.

Từ khi “hai nhà” gần gũi nhau hơn, người dân cảm thấy đó là sự “lựa chọn tự nhiên”. Vì thế, thật dễ hiểu khi Washington trở thành đối tác quốc phòng quan trọng bậc nhất đối với Manila, nơi mà các cam kết về an ninh đã trở thành trụ cột chính. Mỹ cũng là quốc gia duy nhất gắn kết với Philippines bằng Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) ký từ năm 1951 và mới nhất là Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA).

Trước cơn bão lớn về môi trường an ninh tại khu vực đang rình rập thì quan điểm cảnh giác trong quan hệ với Mỹ của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte không còn phù hợp. Không thể giải quyết những vấn đề ở Biển Đông bằng cách “khéo léo” chiều lòng Trung Quốc. Với Marcos Jr, chỉ có tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ mới bảo đảm nâng cao sức mạnh của Philippines nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.

Việc hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ Mỹ – Philippines là thành quả của chính quyền mới ở Manila, và cũng là những tín hiệu tích cực đối với Washington. Từ đây, Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng, dấu ấn tại Đông Nam Á, khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong việc triển khai Chiến lược xoay trục về châu Á.

Chiến lược này được khởi xướng từ thời cựu Tổng thống Barack Obama vào những năm 2010, đánh dấu sự thay đổi rõ ràng trong tính toán chiến lược của Mỹ, kiên quyết, cứng rắn hơn trong việc ngăn chặn âm mưu bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau Obama, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump chính thức bác bỏ yêu sách “Đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Đến thời Tổng thống Joe Biden, ông dành ưu tiên cho việc củng cố các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ. Chính quyền Washington đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết khôi phục sự lãnh đạo của mình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thông qua thúc đẩy các đối thoại an ninh chiến lược, đầu tư vào nhiều sáng kiến ngoại giao, quân sự và kinh tế.

Tổng thống Biden từng nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh của mình là “vững chắc như sắt thép”; “Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ các mục tiêu hiện đại hóa quân đội của Philippines”. Nói là làm, đầu năm nay, quân đội Mỹ và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận chung thường niên Balikatan (Kề vai sát cánh) năm 2023, với quy mô lớn nhất giữa hai nước từ trước đến nay.

Rõ ràng, việc củng cố quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines có tầm quan trọng đặc biệt. Philippines chính là mắt xích quan trọng cho những toan tính của Mỹ. Quốc gia này nằm ở vùng cốt lõi của chuỗi đảo thứ nhất trong chiến lược 3 chuỗi đảo của Mỹ ở khu vực nhằm kiềm chế đối thủ. Mỹ xác định Philippines chính là điểm tựa cho hợp tác đa phương quy mô nhỏ, sử dụng như một “căn cứ tiền tuyến” để xây dựng nhiều nền tảng hợp tác, nhằm ứng phó với những biến động an ninh trong khu vực.

Trong phiên bản hợp tác mới, phải chăng quan hệ Washington – Manila đang phát triển từ mô hình “trung tâm và vệ tinh” trong mạng lưới liên minh của Mỹ sang một cấu trúc hiện đại hơn, với sự tham gia của các đồng minh của Washington tại khu vực? Sự kiện mới nhất là, Philippines đã nhất trí việc thắt chặt quan hệ hợp tác ba bên với Nhật Bản, Australia và triển vọng về tuần tra chung giữa các nước có nhiều hứa hẹn.

Vậy là, các nước trong khu vực vốn yếu thế hơn so với Trung Quốc đã có thể thở phào về sự tương quan lực lượng trên Biển Đông. Từ đây Mỹ sẽ tập trung đầu tư vào những căn cứ nhỏ để dễ dàng triển khai các hoạt động linh hoạt như cung ứng, giám sát. Dẫu rằng, những tiến bộ về khoa học công nghệ có thể làm giảm tầm quan trọng của nhiều căn cứ quân sự, nhưng vẫn có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ ở ngoài khu vực châu Á do lợi thế rộng lớn của Thái Bình Dương.

Đương nhiên, việc Mỹ được tiếp cận thêm các căn cứ quân sự của Philippines nói riêng, quan hệ ấm nồng giữa hai nước này nói chung, đã khiến Trung Quốc nổi giận. Bắc Kinh cáo buộc Washington “gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”. Và, “các quốc gia ở khu vực này phải cảnh giác, duy trì sự độc lập chiến lược và kiên quyết chống lại tâm lý Chiến tranh Lạnh”.

Tóm lại, việc nâng cấp quan hệ với Philippines khẳng định, Mỹ đã đưa những cam kết với khu vực lên một tầng nấc mới, càng có lợi cho Washington trong việc duy trì vị thế của một cường quốc số một thế giới. Có điều thế giới ngày nay đã thấy rõ kết cục của trò chơi “tổng bằng 0”, kẻ được thì người mất. Người Việt Nam có câu: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” có nghĩa là: cái gì mình không muốn thì đừng đem cho người khác. An ninh cho Mỹ, tốt thôi, nhưng đừng phá vỡ an ninh khu vực và toàn cầu.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới