Wednesday, December 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKinh tế TQ giảm, ai lo, ai mừng?

Kinh tế TQ giảm, ai lo, ai mừng?

Tin buồn cho Elon Musk nhưng lại là tin vui đối với Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Chỉ 8 tháng trước, kinh tế Trung Quốc vẫn đang tràn đầy khí thế với triển vọng rất tươi sáng. Cả thế giới kỳ vọng sau khi chính sách Zero Covid hoàn toàn được dỡ bỏ, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ hồi sinh nhờ khách du lịch và người tiêu dùng Trung Quốc được tự do đi lại.

Tuy nhiên, niềm hi vọng đã không thể trở thành sự thực. Thay vì tăng trưởng 10% trong quý II như dự báo, GDP Trung Quốc chỉ đạt hơn 3%. Nền kinh tế ngấp nghé ngưỡng giảm phát. Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản càng tồi tệ hơn. Triển vọng kinh tế Trung Quốc trở nên u ám, nhiều người lo ngại về 1 cuộc suy thoái kéo dài.

Bởi vì kinh tế Trung Quốc quá lớn, diễn biến này có thể ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Không chỉ nằm việc tỷ trọng của GDP Trung Quốc trong GDP toàn cầu không hề nhỏ mà bởi vì nền kinh tế nước này giảm tốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng của các nước khác. Các hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mua ít hàng hóa và dịch vụ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có 1 số bên lại được hưởng lợi.

Bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất có lẽ là các nhà xuất khẩu hàng hóa. Trung Quốc tiêu thụ gần 20% tổng lượng dầu toàn cầu, một nửa lượng đồng, nickel và kẽm tinh luyện cùng với hơn 60% lượng quặng sắt. Những khó khăn của thị trường bất động sản khiến lực cầu đối với những hàng hóa này giảm mạnh.

Đó là tin rất xấu đối với những nước như Zambia (nơi hoạt động xuất khẩu đồng và các kim loại khác tới Trung Quốc chiếm tới 20% GDP) hay Australia (nước xuất khẩu rất nhiều than đá và quặng sắt sang Trung Quốc). Hôm 22/8, BHP – tập đoàn khai khoáng lớn nhất nhì thế giới có trụ sở tại Australia – vừa báo cáo lợi nhuận năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Tập đoàn này còn đưa ra dự báo u ám rằng nỗ lực kích thích kinh tế của Trung Quốc đã không tạo ra được thành quả đáng kể.

Trong số các nền kinh tế phương Tây bị ảnh hưởng có thể kể đến Đức. Nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái. Không ít doanh nghiệp phương Tây phụ thuộc lớn vào nguồn doanh thu từ Trung Quốc.

Năm 2021, 200 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản ghi nhận doanh thu 700 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc, tương đương 13% tổng doanh thu toàn cầu. Một số cái tên sẽ bị tác động nhiều hơn. Tesla có khoảng 20% doanh thu ở Trung Quốc. Qualcomm còn tệ hơn, lên đến 2/3.

Trong trường hợp kinh tế Trung Quốc chỉ giảm tốc chứ không rơi vào 1 cuộc khủng hoảng toàn diện, mức độ ảnh hưởng vẫn sẽ được kiểm soát. Thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 4 đến 8% doanh thu của tất cả các doanh nghiệp niêm yết ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Xuất khẩu sang Trung Quốc đóng góp 1 đến 2% GDP của Mỹ, Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Kể cả ở Đức tỷ lệ cao hơn những cũng chỉ dừng ở mức 4%.

Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc gặp khó ở thời điểm kinh tế thế giới đang diễn biến tốt hơn dự báo. Tháng trước, IMF vừa tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với mức đưa ra hồi tháng 4. Đáng chú ý nhất là kinh tế Mỹ – nước nhập khẩu nhiều nhất thế giới – được dự báo tăng trưởng tới 5% đến 6% trong quý III.

Trong bối cảnh đó, thậm chí kinh tế Trung Quốc giảm tốc còn mang lại niềm vui cho người tiêu dùng toàn cầu khi giá hàng hóa giảm. Điều này rất có lợi cho nhiệm vụ giảm lạm phát mà Fed và nhiều NHTW khác đang phải đối mặt. Nhiều quốc gia đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Nếu kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng” thì sao? Trước tiên thị trường tài chính toàn cầu sẽ rung lắc. 1 nghiên cứu được NHTW Anh công bố năm 2018 cho rằng nếu tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm từ 7% xuống còn -1%, các tài sản trên toàn cầu sẽ rớt giá mạnh và các đồng tiền mạnh sẽ tăng vọt vì nhà đầu tư đi tìm nơi trú ẩn an toàn. GDP Anh có thể giảm 1,2%. Mặc dù các ngân hàng toàn cầu sẽ ít bị ảnh hưởng, 2 ngân hàng của Anh là HSBC và Standard Chartered là trường hợp ngoại lệ vì hoạt động nhiều ở Trung Quốc.

Mấy chục năm gần đây, danh tiếng của Trung Quốc chủ yếu đến từ tốc độ tăng trưởng vượt bậc và những chương trình cho vay hào phóng theo sáng kiến Vành đai Con đường. Với những khó khăn hiện tại, góc nhìn của thế giới về Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi ít nhiều.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới